- Với tâm lý sợ con thua kém bạn bè, nhiều năm nay các bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 thường cho con đi học chữ trước. Tâm lý này đến nay càng rầm rộ hơn. Thậm chí một bộ phận phụ huynh đã cho con nghỉ học mầm non để "toàn tâm" cho việc luyện vào lớp 1....

Ảnh minh họa

Nóng như luyện thi ĐH

Số ít những bậc cha mẹ ‘dũng cảm’ không chạy theo trào lưu vẫn không khỏi sốt ruột và lo lắng khi vào năm học con không theo kịp các bạn, bị cô chê ‘tiếp thu chậm’.

Chị Thi (Hà Đông) – một phụ huynh có con sẽ vào lớp 1 trong tháng 9 tới chia sẻ dù biết là không nên cho con đi học trước nhưng lo ngại nhiều bạn trong lớp được học trước khiến cô giáo chủ quan, dạy nhanh, con mình lại không theo kịp. Cuối cùng chị vẫn quyết định đăng ký cho con học trước từ bây giờ.

"Dù đã cho con đi học trước nhưng mới học được một buổi, cu Bin đã bị cô giáo chê ‘tiếp thu chậm’ khiến bà nội ở nhà lo sốt vó, tối đến lại đè cháu ra bắt học, khiến cu Bin sợ học phát khiếp..."  - lời chị Thi. Chưa hết ấm ức này lại sang ấm ức khác khi so sánh, học phí là 75.000 đồng/ buổi – không hề rẻ nhưng các con phải ngồi trong một lớp học chật chội, nóng bức không kém gì lò luyện thi đại học.

Không chỉ thế, theo lời chị Thi, bé hàng xóm nhà chị còn được gia đình cho nghỉ học mầm non để tập trung học chữ. Nguyên do là bà nội cậu bé than “đi học mẫu giáo cô chả dạy gì mà đóng mất mấy trăm nghìn một tháng”. Bây giờ, bé được cho học một lớp “tiền mầm non” của một cô giáo dạy cấp 1. Ngoài ra, hằng ngày ở nhà bà nội vẫn thường xuyên kèm cặp cháu.

Chị Thi tâm sự, ở khu nhà mình, các ông bố bà mẹ có khi không lo lắng chuyện học hành của con bằng các bà. Ngõ nhà chị năm nay có 6 bé vào lớp 1 nên các bà ganh đua nhau xem đứa nào biết đọc trước, so bì nhau từ khi các cháu chưa vào lớp 1. Thế nên, dù đang về quê chơi nhưng mẹ chồng chị ngày nào cũng gọi điện nhắc nhở con dâu kèm cặp cháu nội, không để thua kém các bạn thì xấu hổ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi việc cho con đi học trước đã không còn là chuyện đơn lẻ - mà đang trở thành phong trào "nếu không học trước sẽ bị lạc lõng" khi trẻ chập chững vào lớp 1?

"Có cầu mới có cung"

Không ít chuyên gia giáo dục một mực khẳng định "không nên cho trẻ học trước" bởi, mặt trái của học trước là khi trẻ vào lớp 1 dễ tự kiêu cho rằng "mình đã học rồi" nên lơ là.

Chia sẻ với báo chí -  một giáo viên dạy lớp 1 ở Bình Thạnh, TP.HCM cho biết, hầu hết những học sinh đã học chữ trước đều viết chữ sai. Ví dụ, các nét thẳng các em lại viết cong, không phân biệt được chữ viết và chữ in trong sách, có em đọc tốt nhưng lại đánh vần ngược, không biết canh ô ly để viết…

Cô giáo này cũng cho rằng những gì trẻ được học đầu tiên, trẻ sẽ nhớ rất lâu nên những cái sai của các em rất khó sửa. Bên cạnh đó, những em được học trước nhiều khi có thói quen ỷ lại, không chú ý nghe giảng vì đã biết trước, dẫn đến khó uốn nắn, đưa vào kỷ luật. Thậm chí, nhiều em được học trước sau một thời gian lại ‘đuối’ hơn các bạn.

Đầu năm học, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã kịp thời phát đi thông điệp, giáo viên tuyệt đối không phân biệt học sinh biết và chưa biết đọc, viết, không bỏ qua bài học. Trong hai tuần đầu, giáo viên không nên cho điểm học sinh, chỉ ghi nhận xét mang tính động viên, khen ngợi là chính. Giáo viên tuyệt đối không dọa nạt, to tiếng làm bé sợ hãi… giúp trẻ tự tin và thích đi học....

Tuy nhiên, thực tế lại không diễn ra như quy định khi một hiệu trưởng trường mầm non tại quận 3 - TP.HCM bộc bạch: "Có phụ huynh còn hỏi thẳng cô giáo là trường có dạy chữ ngoài giờ không để đăng ký...". Do đó, nếu đổ lỗi tại giáo viên mầm non gây ra tình trạng này là không hoàn toàn đúng, bởi vì “có cầu mới có cung”... 

Khó thay đổi?

Trao đổi với Pháp luật TP.HCM - phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú, TP.HCM – bà Chung Bích Phượng cho rằng, để hạn chế tình trạng cho trẻ học trước, công tác tuyên truyền cần phải được chú trọng hơn. Ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục quận này đã soạn thảo một số nội dung như tâm sinh lý trẻ 5 tuổi, tác hại của việc học chữ trước khi vào lớp 1… rồi đưa xuống các phường phát cho người dân hoặc dán lên bảng tin để tuyên truyền.

Tuy nhiên, theo bà Phượng, để thay đổi được nhận thức và tâm lý của các bậc phụ huynh cần phải có thời gian cũng như nhân lực, kênh thông tin và kinh phí từ Nhà nước.

Theo thạc sĩ Lê Minh Công, phó trưởng khoa tâm lý lâm sàng, bệnh viện Tâm thần TW2, TP.HCM, ở độ tuổi từ 3-5 tuổi, khả năng tập trung của trẻ chưa cao. Những yêu cầu vượt quá khả năng của trẻ như cầm bút đúng cách, ngồi đúng tư thế sẽ khiến trẻ dễ nản lòng, chán và sợ các giờ học. Hậu quả, không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý, gây hại cho khả năng học tập của trẻ về sau mà có thể gây ra những biến dạng về mặt sinh học đối với cơ thể trẻ.

Bà Trần Thị Thúy – giám đốc Trung tâm Rèn chữ đẹp Nét Việt (Q1.TP.HCM) cho biết lúc đầu trung tâm có nhận các em chưa vào lớp 1 do ‘nể nang, quen biết’ nhưng sau đó, trung tâm thấy khả năng viết chữ của các em hạn chế nên không nhận nữa, đồng thời tư vấn cho các bậc phụ huynh cân nhắc khi cho con em mình đến học.

 Ý kiến của bạn về vấn đề này thế nào? Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ [email protected] 

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)