- Nhìn nhận thế nào khi nhiều giáo viên Địa lí cho rằng, tài liệu - bài học về biển đảo trong sách giáo khoa (SGK) hiện còn rất hạn chế. Thậm chí hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ được đề cập một cách vắn tắt, mờ nhạt?

>> Cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 cần được trình bày trong SGK mới
>> Cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979: Đã đủ độ chín để viết rõ trong SGK


VietNamNet xin giới thiệu bài viết của thầy giáo Vũ Quốc Lịch. Theo ông, nội dung giảng dạy địa lí trong nhà trường phổ thông cần tăng cường nội dung giảng dạy về chủ quyền trên biển, vai trò và thực trạng khai thác kinh tế trên các vùng biển đảo.

VietNamNet mong nhận được các ý kiến trao đổi về vấn đề này. Thư gửi về: [email protected].

Ảnh minh họa

Biển Đông có ý nghĩa sống còn

Ngoài diện tích đất nổi là 331.212 km2 , chúng ta còn có khoảng trên 1 triệu km2 diện tích biển và thềm lục địa thuộc Biển Đông - vùng biển có ý nghĩa chiến lược về kinh tế, quốc phòng.

Tỉ trọng các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển trong GDP nước ta ngày càng tăng và hiện chiếm khoảng 48% GDP cả nước. Trong các ngành kinh tế biển thì các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, du lịch… Có thể khẳng định tương lai của dân tộc ta là Biển Đông. Biển Đông có ý nghĩa sống còn với đất nước.

Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa X đã thông qua một văn kiện quan trọng là “Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” trong đó nêu rõ mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển gắn với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển...

Với ý nghĩa đó, việc giáo dục cho học sinh ý thức về chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, lãnh hải, chủ quyền trên Biển Đông theo luật định là rất quan trọng.

Tuy nhiên trong nhà trường hiện nay, tài liệu, bài học về biển đảo còn rất hạn chế; 2 quần đảo lớn ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí đặc biệt không chỉ về ý nghĩa chiến lược nhiều mặt đối với đất nước mà hiện còn có nhiều vấn đề nóng liên quan đến việc khẳng định chủ quyền trên biển của Việt Nam song chỉ được đề cập một cách vắn tắt, mờ nhạt. Những nét chính về địa lí, lịch sử khai thác của nhân dân ta trên các quần đảo này không hề được nói đến. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sự hiểu biết của học sinh về biển đảo nói chung và Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng còn hạn chế.

Để học sinh không chệch hướng?

Ảnh minh họa: Báo Giáo dục TP.HCM

Chúng tôi đã thử đặt câu hỏi thăm dò sự hiểu biết của học sinh rằng “Chúng ta đang có những hoạt động kinh tế gì ở quần đảo Hoàng Sa?” thì phần lớn học sinh đều trả lời chệch hướng. Các em kể ra rất nhiều các hoạt động như đánh bắt, nuôi trồng hải sản, làm muối, thăm dò dầu khí, xây dựng cầu cảng phát triển giao thông trên biển, xây dựng nơi tạm trú cho tàu thuyền tránh bão … mà không biết rằng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực để tiến chiếm và chiếm đóng bất hợp pháp suốt từ 19/1/1974 (từ chế độ Việt Nam Cộng hòa) đến nay.

Trước đây nói đến những khó khăn trong việc khai thác các nguồn lợi trên biển chúng ta thường chỉ đề cập đến những khó khăn về tự nhiên và điều kiện kĩ thuật. Song giờ đây khó khăn hơn cả bão tố gió to sóng cả là âm mưu phá hại của các thế lực bên ngoài. Bão dù lớn đến đâu thì sự hình thành, phát triển của nó cũng theo một quy luật nhất định và có thể dự báo, đề phòng, né tránh. Còn sự cố “tàu lạ” đâm tàu của ngư dân, cố tình phá lưới của ngư dân … thì thật khôn lường.

Trung Quốc đã biến vùng biển của Việt Nam từ không tranh chấp thành tranh chấp, gây mất ổn định trên Biển Đông. Họ tự ý quyết định các vùng cấm khai thác thủy sản làm ảnh hưởng đến các hoạt động trên biển của ngư dân nước ta. Sự mất ổn định đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lí các nhà đầu tư khai thác nguồn dầu khí trên Biển Đông của Việt Nam.

Vậy mà trong sách giáo khoa, những khó khăn đó lại không hề được nhắc đến.

Trong khi chúng ta né tránh Hoàng Sa, Trường Sa vì coi đó là “vấn đề nhạy cảm” thì Trung Quốc vẫn dạy cho học sinh của họ rằng Hoàng Sa, Trường Sa đều của họ, thậm chí phần lớn Biển Đông là của họ. Trung Quốc còn ngang nhiên thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa để quản lý ba quần đảo ở Biển Đông trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc ra sức đầu tư nghiên cứu, quảng bá trong nước và quốc tế về những đảo và quần đảo của các nước trên Biển Đông nhưng Trung Quốc cứ tự vơ lấy là của mình.

Tháng 3/ 2010 National Geographic Society (NGS- Hội Địa lý quốc gia Mỹ) khi vẽ bản đồ đã ghi chú quần đảo Hoàng Sa là Xisha Qundao (quần đảo Tây Sa), theo cách định danh của người Trung Quốc, kèm chú thích “China” ngay phía dưới. Do vấp phải sự phản đối quyết liệt của cộng đồng người Việt Nam trên thế giới, cuối cùng NGS đã phải đính chính lại bằng cách sử dụng tên thông lệ - Paracel Islands và thêm vào đó có phần ghi chú: “Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1974, gọi tên quần đảo là Xisha Qundao; Việt Nam tuyên bố chủ quyền, gọi tên quần đảo là Hoàng Sa”.

Sự việc này đã phần nào chứng tỏ sự tuyên truyền theo lối “mưa dầm thấm lâu, nói đi nói lại mãi cũng biến không thành có” của Trung Quốc đã có kết quả nhất định.

Bộ Ngoại giao nước ta đã bày tỏ quan điểm rõ ràng của mình về vấn đề Hoàng Sa: “Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của mình đối với quần đảo này”. Nhà nước ta cũng đã công bố nhiều tài liệu lịch sử liên quan đến  chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Lãnh đạo Đảng, chính phủ Việt Nam cũng đã thẳng thắn khẳng định vấn đề này.

Cùng với vai trò to lớn của báo chí và công tác truyền thông của Việt Nam, thế giới đã ngày càng hiểu hơn bản chất của vấn đề Biển Đông. Báo chí Trung Quốc cũng phải thừa nhận rằng Việt Nam ngày càng nhận được sự ủng hộ trong vấn đề giải quyết tranh chấp trên biển.

Trong bối cảnh ấy chúng ta phải thay đổi theo hướng tăng cường hơn nữa vấn đề dạy học về biển đảo. Tăng cả nội dung và hình thức giảng dạy để các thế hệ học sinh nắm được các vấn đề chính yếu về địa lí và lịch sử trên các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.

Bài 2: Sách giáo khoa 'một màu' sẽ tạo nhàm chán

  • Vũ Quốc Lịch