Kết thúc lễ trao giải Asia Artist Awards 2019, MC của chương trình phát biểu: “Chúng tôi tự hào vì các bạn. Tình yêu của các bạn đã phá vỡ mọi rào cản”. Quả thực, fan Việt yêu thần tượng của họ rất nhiều. Nhiều đến mức họ sẵn sàng bỏ ra số tiền 5,5 triệu đồng để ngắm thần tượng bước lên thảm đỏ, sẵn sàng ngủ vạ vật ở vỉa hè, tranh thủ ăn nhẹ để xếp hàng chờ từ sáng sớm tới 17h30 mới được vào sân.
Nhưng, đáp lại họ là màn xuất hiện chớp nhoáng của các các nghệ sĩ Hàn Quốc ở khu vực thảm đỏ. Họ bị chen lấn, xô đẩy trong tình trạng khu vực khán giả “vỡ trận” chẳng biết mình cần đứng ở đâu. Tất nhiên, khán giả vẫn may mắn khi được tận hưởng những màn trình diễn hết mình với hệ thống âm thanh, ánh sáng tốt.
Fan Việt yêu vô điều kiện
AAA có mức giá giao động từ 680.000 đồng đến 5,5 triệu đồng. Trong đó, 5,5 triệu đồng là khu vực SVIP có thể theo dõi phần thảm đỏ. Mức giá được đánh giá là phù hợp với dàn sao hạng A nhưng vẫn khá đắt đỏ so với đối tượng khán giả phần đông là học sinh, sinh viên. Dù vậy, ngay ngày mở bán vé đầu tiên vào 6/10, khoảng 2.000 fan xếp hàng mua vé. Nhiều người trong số đó thậm chí đứng từ 2h tới trưa mới mua được vé.
Không những mua vé, nhiều fandom còn chi số tiền lớn để thực hiện các hoạt động chào đón thần tượng. Cộng đồng fan của Super Junior thậm chí trở thành một trong những nhà tài trợ của chương trình năm nay. Mức tài trợ không được công bố nhưng bên cạnh đó họ tài trợ thêm nước uống cho toàn bộ nhân viên, ELF (tên fan Super Junior) trong sự kiện này.
Khán giả xếp hàng từ sớm để vào xem thần tượng. Ảnh: Phương Lâm. |
Theo thông tin được các fan chia sẻ trên mạng, fandom này chi 2 tỷ đồng mua vé, quyên góp khoảng 100 triệu đồng để thực hiện các hoạt động chào đón như xếp chữ bằng đèn trên khán đài, phát nước, banner… Ngoài ra, họ còn quyên góp khoảng 100 triệu đồng nhằm bình chọn cho thần tượng được giải.
Nhiều fandom khác cũng quyên góp một khoản tiền nhưng nhỏ hơn fan Super Junior để tặng quà các thành viên. Chẳng hạn fan của TWICE chuẩn bị 500 suất quà gồm nước, thiết bị giữ cốc, bánh cookies và banner.
Tình yêu được fan Việt thể hiện bằng vật chất, những tấm vé đắt tiền và cũng được họ thể hiện bằng công sức khi xếp hàng từ sáng sớm ngày 26/11 với mong ước nhanh chóng được vào sân, tìm cho mình vị trí đẹp để nhìn thấy thần tượng dễ dàng nhất. Nhiều khán giả bay từ những tỉnh, thành phố khác tới Hà Nội, bỏ chi phí ăn uống, đi lại cũng với mục đích bày tỏ tình yêu với thần tượng.
Trước giờ diễn ra sự kiện, hàng nghìn khán giả ngồi vạ vật trên vỉa hè với bộ dạng mệt mỏi. Họ chờ đợi như thế nhiều giờ đồng hồ và lót dạ bằng những món đồ ăn vặt, thậm chí nhịn đói để xếp hàng.
Trước đó, khi dàn thần tượng lần lượt đổ bộ Hà Nội vào ngày 25/11, khoảng 600 người hâm mộ cũng tới sân bay Nội Bài từ sáng sớm. Có những người chờ từ chuyến bay đầu tiên tới cuối cùng trong ngày và ra về lúc nửa đêm.
Tình yêu đổi lấy vô vàn nỗi thất vọng
Asia Artist Awards 2019 được quảng bá trong nhiều tháng với những lời hứa hẹn đáng mong đợi. Với mức giá 5,5 triệu đồng thì đây rõ ràng là sự kiện đáng để khán giả kỳ vọng.
Tuy nhiên, ngay khi chương trình chưa bắt đầu, nỗi bức xúc đã sôi sục trong cộng đồng fan Kpop. Hàng loạt diễn đàn chia sẻ những vấn đề bất cập ở AAA ở trước và cả sau khi chương trình diễn ra. Trong đó, những khán giả bực tức nhất lại chính là những khán giả bỏ ra số tiền lớn nhất.
Trong quá trình chương trình diễn ra, khán giả và ban tổ chức nhiều lần tranh luận với nhau. Ảnh: Phương Lâm. |
Cụ thể, chờ đợi gần một ngày nhưng đến 17h30, khán giả mới được mở cửa vào sân. Gần 17h, tức thời điểm mà ban đầu ban tổ chức công bố là bắt đầu chương trình, sức chịu đựng của khán giả quá giới hạn. Họ đồng thanh kêu to: “Mở cửa đi”. Nhiều người đã cáu gắt đặt câu hỏi với các nhân viên, bảo vệ nhưng chẳng nhận được lời giải đáp.
Chưa dừng ở đó, 20 phút trước khi chương trình chính thức diễn ra, BTC thông báo lùi thời gian đi thảm đỏ từ 17h xuống 18h40. Từ đây, sự lộn xộn, bức xúc mới đẩy lên đỉnh điểm. 17h30, khán giả được mở cửa vào sân. Họ nháo nhào lao vào để tranh vị trí đẹp, đã có khán giả trật khớp phải cấp cứu.
Trong suốt quá trình thảm đỏ diễn ra, khán giả không ngừng chửi bới BTC vì họ bỏ ra 5,5 triệu đồng nhưng đứng quá xa và nghệ sĩ xuất hiện chớp nhoáng chỉ trong vài giây. Thậm chí, khi thảm đỏ chưa kết thúc thì lễ trao giải đã chính thức bắt đầu và nhóm nhạc ITZY biểu diễn ngay khi các nghệ sĩ khác vẫn đang tạo dáng ở một góc khác của sân khấu.
ITZY biểu diễn đầu tiên trong khi thảm đỏ chưa kết thúc. Ảnh: Việt Hùng. |
Thế là truyền thông, khán giả nháo nhào chạy từ khu thảm đỏ ra sân khấu chính. Tuy nhiên, họ không được chỉ dẫn đâu là khu của mình, nên đứng ở đâu. Mạnh ai nấy chạy, chen lấn, xô đẩy nhau để tìm được vị trí đẹp. Khu đứng hoàn toàn “vỡ trận”. Cuối cùng, vị trí họ có thể tạm đứng khi đó là khu mà theo người của ban tổ chức cho biết là khu kỹ thuật. Thế nhưng, ở khu này, sân khấu cao vài m, hoàn toàn che khuất tầm nhìn. Khán giả không thể nhìn thấy gì, báo chí cũng buông máy, không thể tác nghiệp.
Gần 30 phút sau, nhân viên mới ra đưa các khán giả SVIP về đúng khu của mình. Họ cũng cho biết khu vực mà lúc nãy một số nhân viên thông báo là của kỹ thuật thì thực chất của… báo chí. Kể cả khi khán giả SVIP đã về đúng khu thì tranh cãi giữa khán giả lẫn ban tổ chức vẫn chưa chấm dứt. Bởi khán giả các khu đứng cứ ra vào tự do và đứng lẫn vào khu của nhau. Nhiều khán giả SVIP bức xúc khi thấy những fan ở khu ít tiền hơn tràn vào và tranh vị trí với họ.
Sự kiện tầm cỡ quốc tế còn có vô số vấn đề khác. Trong đó gây bức xúc nhất là việc không có phiên dịch và phụ đề. Khán giả không thể hiểu MC và nghệ sĩ nói gì. Cộng thêm việc để một nhân viên nam chạy lên chụp hình cùng Quốc Trường khi anh đang phát biểu nhận giải, ban tổ chức bị chê quá lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp và đặc biệt là không tôn trọng khán giả.
“Chúng tôi thấy bị sỉ nhục và không được tôn trọng”
Chia sẻ với phóng viên Zing.vn về những hạn chế trong lễ trao giải, bà Nguyễn Hồng Nhung - Tổng giám đốc Đông Nam Media, đơn vị tổ chức sự kiện - cho biết chính bà cảm thấy bức xúc và bị sỉ nhục.
Bà nhấn mạnh việc công ty của bà bỏ tiền mua bản quyền, thuê sân khấu và mọi thiết bị nhưng nhân viên của bà phải đáp ứng mọi yêu cầu do bên Hàn Quốc đưa ra.
Bà Nhung nói: “Ban tổ chức Việt Nam không có lỗi nào ở đây, thậm chí chúng tôi cảm thấy bị sỉ nhục. Riêng vấn đề thảm đỏ, chúng tôi phải làm việc tới 4h ngày 26/11 để tranh đấu câu chuyện cắt thảm đỏ. Sát ngày diễn ra, họ yêu cầu cắt thảm đỏ đi vì nghệ sĩ bận trang điểm, thay đổi phục trang, tổng duyệt cả ngày mệt mỏi, không đủ thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, format chương trình gốc là như vậy và hàng năm họ đều làm như thế. Chúng tôi đã truyền thông tới khán giả, báo chí việc có thảm đỏ. Cắt đi chẳng khác gì lừa khán giả, tôi thậm chí đã nói sẵn sàng hủy hợp đồng nếu họ nhất định đòi cắt”.
Đại diện Đông Nam Media bức xúc vì đối tác Hàn Quốc. Ảnh: Tùng Đoàn. |
Theo bà Nhung, sau sau 3 tiếng tranh đấu, 2 bên thống nhất thay đổi địa điểm làm thảm đỏ. Ban đầu phần này được dàn dựng tại khu rộng rãi nhưng sau đó được đưa về khán đài D, sát sân khấu để nghệ sĩ có thể lập tức lên ghế ngồi. “Chúng tôi chỉ có nửa ngày để chuẩn bị theo ý họ muốn. Chúng tôi đã rất cố gắng nhưng thực sự bức xúc. Nếu vì lợi nhuận thì không có đơn vị nào dám làm sự kiện này”, bà nhấn mạnh.
Liên quan đến việc không có người phiên dịch tiếng Việt, bà Nhung giải thích: “Chúng tôi đã chuẩn bị đội ngũ phiên dịch theo đúng thỏa thuận ban đầu để dịch trong những lời phát biểu nằm ngoài kịch bản. Những nội dung trong kịch bản được chạy phụ đề trên màn hình lớn. Tuy nhiên, sáng 26/11, đội dịch của chúng tôi bị yêu cầu ra về vì bên Hàn Quốc bảo không cần. Đến tối, mọi thứ hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi".
“Về trường hợp của Quốc Trường, đó là nhân viên trong ê-kíp của nghệ sĩ Hàn Quốc. Khu vực nghệ sĩ ngồi và quanh sân khấu, toàn bộ nhân viên kiểm soát đều là người Hàn Quốc nên để lên được đó thì phải là người trong ê-kíp nước họ. Thậm chí, trước khi chương trình diễn ra, toàn bộ thẻ do chúng tôi in đều không được họ công nhận. Thay vào đó, họ chỉ đưa cho chúng tôi 3 thẻ trong khi ê-kíp người Hàn có 120 thẻ”, bà Hồng Nhung chia sẻ thêm.
Sau đêm trao giải ồn ào, nhiều tai tiếng, bà Nhung bày tỏ quan điểm: "Tôi vừa cảm thấy bức xúc vừa thấy tủi thân vì bị oan khi bây giờ khán giả nhắc đến BTC đều nghĩ tới phía Việt Nam thay vì Hàn Quốc”.
“Ngay sau lễ trao giải, tôi đã nhắn tin cho họ với nội dung là tôi cảm thấy bị sỉ nhục. Bạn đến đất nước tôi nhưng bắt khán giả nghe tiếng của bạn, chẳng khác nào bạn thuê sân và mang văn hóa của bạn sang đây. Đây là sự không tôn trọng khán giả. Nhưng họ chỉ đọc và không trả lời”, đại diện đơn vị tổ chức nói.
“Đây là vấn đề con người, họ đến Việt Nam biểu diễn nhưng không tôn trọng con người Việt Nam. Cảm giác họ chỉ coi chúng tôi như công nhân để họ mang văn hóa của họ đến. Tôi cảm thấy họ đến đây không dành cho khán giả mà dành cho nghệ sĩ của họ được phô diễn nhiều hơn”, bà bức xúc.
(Theo Zing)
Quốc Trường lên tiếng chuyện 'người đàn ông lạ' xông lên sân khấu AAA 2019
Quốc Trường mong khán giả đừng ném đá người đàn ông tự ý xông lên sân khấu AAA để chụp hình cùng anh.