Diễn viên kỳ cựu cho biết anh coi học trò như con nên dù không lấy vợ, sinh con nhưng cuộc sống của anh vẫn vui vẻ và hạnh phúc.

NSƯT Hữu Châu tìm niềm vui trong việc truyền nghề cho các bạn trẻ Nhờ dạy học, Hữu Châu trẻ hơn, cười nhiều hơn và được yêu thương nhiều hơn.

NSƯT Hữu Châu đến nơi hẹn cùng hai học trò. Anh bảo niềm hạnh phúc của người thầy như anh không phải là nhà lầu, xe hơi mà nhận được tình thương từ học trò. Chỉ cần anh lên tiếng muốn đi đâu, sẽ có học trò đến chở. Anh cười kể: "Có lần tôi nói thèm ăn chuối chiên, học trò mang đến số chuối có thể ăn trong 8 tháng".

Trong cuộc trò chuyện với Zing.vn, nghệ sĩ Hữu Châu cởi mở, vui vẻ khi chia sẻ về cuộc sống của mình nhưng thẳng thắn từ chối những câu hỏi liên quan đến đồng nghiệp và game show.

Vai chính điện ảnh đầu tiên sau 40 năm theo nghề

- Là người khó tính, lựa chọn kịch bản rất kỹ, điều gì ở phim "Lô tô" khiến anh nhận lời?

- Tôi nhận thấy kịch bản này khá nghiêm túc, có câu chuyện rõ ràng, không phải để đùa cợt, hài nhảm. Hơn hết, tôi cảm nhận được tình thương của tác giả dành cho đứa con tinh thần của mình. Khi đọc kịch bản, tôi cũng rung động với câu chuyện và nhân vật.

{keywords}

Hữu Châu lần đầu có vai chính điện ảnh.

- Phải hóa thân thành nữ, anh gặp những khó khăn gì trong quá trình quay phim?

- Tái dựng hình ảnh gánh hát lô tô làm gợi nhớ trong tôi ngày tháng đi hát trong gánh hát cải lương của gia đình. Cả đoàn, ai cũng phải ăn nằm ở gầm sân khấu. Khó khăn, vất vả nhưng ai cũng cháy bỏng đam mê, hết lòng vì nghệ thuật.

Còn khi quay phim, khó khăn lớn nhất của tôi là hóa thân thành phụ nữ, phải mặc áo ngực, quần độn mông. Tất cả đồ đó là mút, thời tiết ở miền Tây lại nắng gắt, vì thế sau 3-4 ngày tôi bị ngứa, nổi mẩn đỏ. Qua chuyện này mới thấy làm phụ nữ cực quá. Để có vẻ ngoài chỉn chu, các bạn quá nặng nề.

Đặc biệt, vai diễn này còn ghi dấu là vai chính đầu tiên của tôi trong điện ảnh. Ở sân khấu tôi có hàng trăm vai chính nhưng điện ảnh thì đây là vai đầu. Bất kỳ ai cũng vui và hạnh phúc khi được nhận vai chính.

- Người ta mặc định diễn viên chính ảnh hưởng phần lớn đến doanh thu phòng vé. Anh có bị áp lực về điều này?

- Ai cũng muốn phim mình được khán giả ủng hộ, sốt vé nhưng tôi nghĩ khi đóng phim, khoan hãy nghĩ đến điều cao xa, mình cứ cố gắng hoàn thành tốt vai trò của mình. Vì thế, khi quay phim, tôi tâm niệm nhiệm vụ của mình là làm tròn vai trước. Còn khen chê thì bản thân không dám nói trước mà hãy để khán giả đánh giá.

Thái Hòa gặp tôi, luôn có tiếng "dạ" trong câu trả lời

- Ngoài diễn kịch, đóng phim, công việc dạy học trò đem tới cho anh nhiều niềm vui. Vì sao trước đây anh từ chối nhiều lời mời đi dạy?

- Cách đây 20 năm, nhận được lời mời đi dạy nhưng tôi từ chối vì lúc đó chưa tin vào vị trí, khả năng của mình. Hơn nữa, tôi còn rất nóng tính. Đi dạy mà không có chữ nhẫn thì dạy được ai.

Đến khi tôi nghiên cứu được cách truyền đạt sao cho học trò hiểu. Bản thân lại bình tĩnh, rèn được chữ nhẫn thì tôi mới đi dạy. Bây giờ dạy học trò, 1-2 câu thoại có khi kéo dài từ 5h-9h tối, tôi cũng không nổi nóng.

Ngoài dạy chuyên môn còn dạy cách sống cho học trò. Vì thế, học trò của tôi không chỉ biết diễn mà còn đi chùa, lễ Tổ, sống có hiếu với cha mẹ.

{keywords}

Nghệ sĩ Hữu Châu từng giúp đỡ nhiều đàn em lúc khó khăn.

- Với những đàn em, anh giúp đỡ khi xưa, giờ trở thành người nổi tiếng, được săn đón. Họ đối với anh thế nào?

- Thái Hòa, Kim Huyền, Long đẹp trai… ngày mới ra trường, ở nhà tôi còn nhiều hơn nhà chúng. Khi trúng show, tôi nhắn chúng tụ tập ở nhà rồi dẫn đi ăn vịt. Khi chúng có tiền thì mua hủ tiếu cho tôi ăn.

Lúc đó các em còn lông bông, nếu về nhà nó thì sẽ khó có cơ hội làm nghề. Còn ở nhà tôi, chúng như được sống trong không khí làm nghề. Ngày nào tôi cũng nói chuyện về nghề, khiến chúng ấm lòng, ráng cố gắng bám trụ. Tôi chỉ dẫn cách diễn, kêu đi diễn. Sau này, chúng nổi tiếng cỡ nào nhưng khi gặp tôi, luôn có chữ dạ đi đầu. Tôi nghĩ khi mình thương thật thì chúng sẽ thương mình thật.

Nói như thế không có nghĩa tôi không la. Nếu chúng sai, tôi nói liền. Bây giờ chúng trưởng thành hết rồi, thấy gì không được, tôi sẽ gọi điện nhắc nhở nhẹ nhàng.

- 20 năm trước anh ở nhà lá, áp lực tiền bạc nặng nề. Mẹ anh phản ứng thế nào khi anh đưa nhiều đàn em đến ăn ở cùng?

- Tôi nghĩ khi giúp thì giúp cho đúng chứ không vô tình tạo nghiệp cho họ. Có những đứa tôi không giúp vì không cảm nhận được lòng yêu nghề của chúng. Ngược lại, cảm thấy các em có tố chất và yêu nghề, tôi luôn sẵn lòng.

Mà giúp chúng có tốn tiền bao nhiêu đâu. Tôi cho các em ăn cơm chứ có phải tặng quần áo, nhà xe đâu mà tốn. Bù lại, tôi nhận được nhiều tình thương của các em. Bỏ thêm một lon gạo mà cả nhà rần rần. Chúng ở cùng khiến tôi vui vẻ hơn, quên đi sự thiếu thốn, nghèo khổ của mình. Má tôi cũng sống vô tư lắm, không nghĩ tới tiền bạc.

{keywords}
NSƯT Hữu Châu dạy học trò cách diễn và cả cách sống.

Trải qua nhiều nghịch cảnh giúp tôi sống an nhiên

- Người ta bảo anh dạy học chỉ là niềm vui, không đặt nặng tiền bạc, anh nói gì về điều này?

- Đúng thế. Tôi xác định đi dạy là niềm vui. Tiền nuôi sống tôi là từ đóng kịch, phim ảnh. Lĩnh được bao nhiêu tiền dạy học, tôi đưa các em đi chơi, đi ăn hết. Vừa qua, tôi tổ chức đi Vũng Tàu cho các em.

Mọi người cứ nhìn theo hướng tôi cho các em nhiều như dạy các em kiến thức, dẫn đi ăn nhưng tôi lại không thấy các em cho lại tôi rất nhiều. Đó là sự thanh xuân, cuộc sống tất bật, lúc nào cũng vui cười. Những lúc tôi muốn đi chơi, cần người chở thì các em chở đi chơi. Thầy thèm chuối chiên, các trò chạy mua tới, ăn 8 tháng không hết.

Nhiều người đi dạy mà sợ học trò phản, giấu nghề, còn tôi chưa từng sợ điều đó. Tôi nghĩ khi mình gieo nghiệp lành sẽ được đáp lại nghiệp lành. Mình đã thương các em hết chưa mà nghĩ nó phản.

Sau khi khóa học kết thúc, học trò ít gặp thầy thì cũng không nên trách mắng. Chả lẽ nhờ chúng chở đi, chúng báo bận thì tức giận sao? Ngược lại, mình mừng cho chúng vì có công việc. Làm thầy ai chẳng muốn trò thành công, được nhiều công việc. Còn chỗ nào nói xấu thì mình đi chỗ khác. Ở tuổi này để ý làm gì những sân si, chỉ cần vui cười là được.

{keywords}

Hữu Châu sống an nhiên, vui vẻ dù không lấy vợ, có con.

- Điều gì đã khiến anh thay đổi từ người nóng tính trở nên sống an nhiên, tự tại như thế?

- Nhà tôi nghịch cảnh kinh khủng nhưng mọi người đều vượt qua tỉnh bơ. Có lẽ mọi người học tính của bà nội tôi – luôn kìm nén, giấu nỗi đau vào trong. Tôi còn nhớ khi cô Thanh Nga mất, bà không nhỏ một giọt nước mắt nhưng một tháng sau tóc bạc trắng đầu.

Trải qua nhiều chuyện sóng gió nên tôi đối diện với mọi sự trên đời đơn giản lắm. Ngay cả với cái chết, tôi cũng không sợ hãi. Cuộc sống không nói trước được điều gì nên ngày nào còn sống thì vui ngày đó và hết mình với những người mình thương yêu.

- Không lấy vợ, không có con, ở tuổi U50, anh có từng cảm thấy cô đơn, chạnh lòng?

- Tôi đã không nghĩ đến chuyện này nhiều năm qua. Không lập gia đình nhưng tôi không cảm thấy cô đơn. Trên đời có nhiều thứ hạnh phúc mà. Giờ này mà tôi còn nuôi thêm ai thì mệt lắm, không chịu nổi đâu.

Tôi coi học trò cũng như con. Nhiều phụ huynh còn đưa roi, để tôi đánh nếu học trò hư. Tôi sẽ đánh khi chúng diễn không được, ngu quá hoặc làm biếng, diễn dối. Điều đặc biệt là học trò đứng yên cho tôi đánh. Tôi đánh, chửi xong thì chúng còn cười trừ bởi chúng biết tôi đánh vì thương chúng, mong chúng tốt hơn.

Ở tuổi này tôi chỉ có mong đừng bị bệnh, có sức khỏe để đi làm. Cực lạc không ở đâu xa do ở trong người mình, tự mình tạo nên.

Theo Zing