“Siêu bão”, kẻ thù vô hình Covid-19 quét đến đâu, sự rối loạn, ngừng trệ, thậm chí là tê liệt xuất hiện ở đó. Những nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, châu Âu,… cũng lao đao vì đại dịch. Nhiều quốc gia phải tạm đóng cửa biên giới, các Chính phủ ban bố lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, yêu cầu giãn cách xã hội…
Việc nhiều nước trên thế giới phải sống trong tình trạng phong tỏa giãn cách xã hội là chưa từng có tiền lệ. Trong 2 năm, người dân dần quen với những khẩu hiệu như “Ở nhà là yêu nước”, “Xin hãy ở yên trong nhà” để bảo vệ bản thân và cộng đồng trước kẻ thù vô hình Covid-19.
Cuốn sách “Kẻ thù vô hình” là sản phẩm đầu tiên do Viện Khoa học Giáo dục và Môi trường cùng Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch thực hiện nằm trong Dự án lấy nghiên cứu khoa học làm hạt nhân, người dân làm trung tâm nhằm cung cấp kế sách chiến lược sống chung cùng đại dịch. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các tập thể cá nhân tham gia dự án.
Với kết cấu gần 500 trang, “Kẻ thù vô hình” là công trình nghiên cứu ghi chép và thu thập tư liệu hình ảnh công phu của nhiều tác giả trên mọi miền đất nước trong suốt 2 năm qua khi dịch Covid-19 hoành hành tại Việt Nam.
Virus SARS-CoV-2 với kích thước chỉ có thể nhìn thấy qua kính hiển vi mà làm đảo lộn cuộc sống toàn cầu; đã gây ra thảm họa làm hàng triệu người chết, hàng trăm ngàn trẻ mồ côi. Làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và biết bao nhiêu tập đoàn, công ty sụp đổ. Nó liên tục đột biến, ẩn náu, né tránh được cuộc tầm soát và tìm cách xâm nhập, phá huỷ lá phổi con người.
Nhưng, cũng như trước bao nhiêu đại dịch khác, con người không chịu bó tay. Lần này cũng thế, các nhà khoa học đã cho thấy khả năng ứng phó trước đại dịch. Vũ khí hữu hiệu là vắc xin cùng các biện pháp phòng vệ 5K đã phong toả và ngăn chặn đà tiến của Covid-19.
Phân tích nguy cơ dịch bệnh toàn quốc trên nguyên lý khoa học tự nhiên cho chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh, để chúng ta không thể mãi sợ hãi việc xuất hiện các dịch bệnh bùng phát và xuất hiện biến thể mới trong tương lai.
Với “Kẻ thù vô hình” chúng ta phải xây dựng các “phòng tuyến” để ngăn chặn đà lây nhiễm của chúng. Đặc điểm tự nhiên và xã hội thích hợp cho lây truyền dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những giải pháp dựa theo các nguyên lý khoa học để bảo vệ và ngăn chặn ngay từ ban đầu khi các đợt dịch bệnh tiếp theo có nguy cơ bùng phát.
Những nguyên lý khoa học được trình bày dễ hiểu và hấp dẫn trong cuốn sách là tài liệu nghiên cứu quý báu của các cấp bộ ngành trong việc xây dựng chiến lược lâu dài, kế sách bền vững sống chung với đại dịch.
Một điểm rất thú vị trong cuốn sách là phần giới thiệu, sử dụng các bài thuốc đông y, thuốc dân gian để tăng cường khả năng miễn dịch. Những bài tập thể dục, phong trào thể thao rèn luyện sức khỏe để qua đó nâng cao sức đề kháng của con người chống lại virus. Xuyên suốt cuốn sách là những góc nhìn, những bài học, những tấm gương người tốt việc tốt, những đề xuất kiến nghị với trách nhiệm của các tổ chức cá nhân theo tinh thần: Mỗi người dân là một chiến sĩ; cả nước cùng chống giặc.
Còn rất nhiều nội dung thú vị trong gần 500 trang sách “Kẻ thù vô hình”. Điều khiến nhiều đọc giả tâm đắc và có lẽ cũng là thông điệp mà những người làm sách muốn gửi gắm là chúng ta đừng sợ hãi; đại dịch sẽ kết thúc vào năm 2023. Và không có lý gì mà loài người đã vượt qua bao nhiêu thử thách lại bất lực trước đại dịch này.
Ngay sau khi cuốn sách ra mắt, một phần lợi nhuận từ công tác phát hành được nhóm tác giả và nhà xuất bản trích ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 và hỗ trợ những trẻ em gặp khó khăn sau đại dịch lần này.
“Kẻ thù vô hình” hiện có bán tại tất cả các trang thương mại điện tử và hệ thống các nhà sách trên cả nước.
Hàn Anh