Với 21 tản văn, ghi chép cùng bộ ảnh chọn lọc xoay quanh chủ đề biển đảo, “Nơi đầu sóng” của tác giả Lữ Mai và Trần Thành mang đến cho người đọc những phản ánh chân thực, sinh động nhất về đời sống của những người lính đảo và tất cả những gì thuộc về biển đảo quê hương.
Kỹ sư Trần Vũ Thành là chủ nhiệm các công trình ý nghĩa hướng về Trường Sa như: Máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác C-Sea, công nghệ vi sinh xử lý môi trường… và nhiều công trình đang ấp ủ. Tính đến nay, anh có 8 lần đi Trường Sa qua các mùa, tích lũy được nhiều trải nghiệm, luôn đau đáu những ý tưởng, giải pháp hữu ích để cải thiện cuộc sống tinh thần và vật chất cho quân dân nơi đảo xa, nhà giàn DK1.
“Nơi đầu sóng” đánh dấu sự kết hợp của hai tác giả, một người là kỹ sư yêu biển đảo và một nhà văn, nhà báo. |
Nhà thơ - nhà báo Lữ Mai, hiện công tác tại Ban Văn hóa - Văn nghệ Báo Nhân dân là một trong số ít hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội. Chị là tác giả của 6 tập sách, đa dạng về thể loại như: Thơ, truyện ngắn, tản văn… Tháng 5/2019, chị đã có chuyến công tác Trường Sa trên tàu KN 490.
Bản thảo cuốn sách được hoàn thành là kết quả của quá trình tích lũy, xử lý dữ liệu, nuôi dưỡng cảm xúc và lao động chữ nghĩa liên tục, nghiêm túc của hai tác giả. Dù mỗi người một công việc, nghề nghiệp khác nhau nhưng sự kết hợp luôn nhuần nhuyễn với tinh thần tất cả hướng về biển đảo quê hương và người lính biển.
Ý tưởng, nội dung cuốn sách được nhiều nhà phê bình, nhà văn, nhà báo ủng hộ nhiệt tình và nhận định đây sẽ trở thành tác phẩm thu hút chú ý của đông đảo độc giả, chiếm được cảm tình đặc biệt.
Đây là những câu chuyện mộc mạc, bình dị nhưng đầy cảm xúc của hai tác giả Lữ Mai và Trần Thành thông qua những trải nghiệm của mình khi nhiều lần được đến với Trường Sa, với biển đảo quê hương. Sách gợi lên niềm xúc động mạnh mẽ, gần gũi thân thuộc với Trường Sa và đa số những người chiến sĩ hay thân nhân của họ đều sẽ tìm thấy mình trong đó.
Ngày 30/8 tới đây tại Hà Nội, nhà báo Lữ Mai sẽ ra mắt cuốn sách “Nơi đầu sóng” và khai mạc triển lãm ảnh cùng tên giới thiệu tới công chúng 100 hình ảnh mới nhất, phản ánh trung thực các mặt hoạt động tại Trường Sa, Nhà giàn DK1, các lực lượng trên biển. |
“Khác với rất nhiều cuốn sách trước đó, “Nơi đầu sóng” không phải nghệ thuật hư cấu, mà là tản văn, tạp văn. Một dạng ghi chép, thấy sao ghi vậy. Chính vì thế, cuốn sách lại có sức hấp dẫn riêng. Đây là vẻ đẹp của sự thật. Cuộc sống của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió, con người và cảnh sắc ở một quần đảo được nhìn bằng con mắt đằm thắm, tinh tế mà không kém phần sâu sắc. Đây cũng là một cột mốc chủ quyền lãnh thổ mà các tác giả đã cắm cho Trường Sa, một vùng máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta”, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét.
“Nơi đầu sóng” do Nhà xuất bản Văn học phát hành. Dự kiến một phần số lượng sách sẽ được dành tặng các chiến sĩ Trường Sa, Nhà giàn DK1, người thân các anh nơi quê nhà. Phần còn lại sẽ được phát hành trên cả nước và các kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Toàn bộ kinh phí thu được dành làm quà tặng cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa.
Ngày 30/8 tới đây tại Hà Nội, nhà báo Lữ Mai sẽ ra mắt cuốn sách “Nơi đầu sóng” và khai mạc triển lãm ảnh cùng tên giới thiệu tới công chúng 100 hình ảnh mới nhất, phản ánh trung thực các mặt hoạt động tại Trường Sa, Nhà giàn DK1, các lực lượng trên biển. Điểm nhấn của triển lãm là hình ảnh đầy đủ về 15 Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Ngoài ảnh của các nhiếp ảnh gia, nhà báo triển lãm còn có ảnh của các nhân vật đặc biệt như: Chính ủy các Lữ đoàn thuộc Quân chủng Hải quân, bộ đội thi công nhà giàn, bộ đội trên đảo, đại biểu ra thăm đảo…Ngoài ra triển lãm trưng bày các hiện vật về quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1.
Tình Lê
Những câu hỏi đầy khắc khoải trong 'Gia đình trộm cắp'
“Gia đình trộm cắp” – cuốn tiểu thuyết khiến người đọc khắc khoải với câu hỏi “chúng ta thuộc về đâu?”.