Ngày 20/10, Bộ Thông tin và Truyền Thông tổ chức trực tuyến hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm và định hướng phát triển bền vững lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành trong điều kiện dịch Covid-19”. Hội thảo có sự tham gia của các đơn vị xuất bản, nhà sách trên cả nước.

Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, hội thảo là dịp để các đơn vị xuất bản, các doanh nghiệp trao đổi với nhau những khó khăn gặp phải từ đó cần điều chỉnh chính sách pháp luật như thế nào cho phù hợp và cần sự hỗ trợ từ nhà nước như thế nào để ngành xuất bản tiếp tục phát triển. Ông Phạm Anh Tuấn cũng muốn nghe trực tiếp từ hội thảo này ý kiến của các đơn vị trong giai đoạn Covid-19 vừa qua đã thay đổi gì trong đơn vị mình, đem lại giá trị gì cho doanh nghiệp của mình,...

{keywords}
 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn.

Áp dụng công nghệ để giảm nhân công, tăng năng suất

Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành khẳng định năm 2020, trung bình toàn ngành có sự suy giảm tới 40%. Tuy nhiên, con số này không đánh giá sự suy giảm ngành một cách nguy hiểm. “Đây là xu hướng tiêu cực của ngành xuất bản trong toàn bộ khu vực chứ không riêng Việt Nam”, ông Nguyễn Nguyên nói.

Ông Nguyễn Nguyên cho rằng, sự đứt gãy nguồn nguyên liệu đầu vào – nguồn bản thảo là khó khăn đầu tiên mà ngành gặp phải. “Giấy in biến động, có loại tăng 60%. Các doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất, điều này làm cho nguồn lực doanh nghiệp đẩy tới chân tường. Sức mua thị trường giảm dẫn tới thị trường bị thu hẹp. Xu hướng thế giới đi vào xuất bản điện tử - là lối thoát và cũng là xu hướng phát triển lâu dài", ông Nguyễn Nguyên chia sẻ.

Với lĩnh vực In, ông Nguyễn Văn Dòng - Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam cho biết, 2/3 doanh nghiệp ngành In thuộc nơi bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 bao gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai cho nên ngành này thực sự khó khăn chồng chất khó khăn.

“80% doanh nghiệp In giảm doanh thu, 83% doanh nghiệp In giảm lợi nhuận, thiếu thợ chính, không đủ thợ bảo trì, thiếu nguồn cung ứng, 28% đơn vị phải ngưng sản xuất 3 tại chỗ, 75% doanh nghiệp ngành In tỏ ra bi quan, số còn lại hy vọng sản xuất kinh doanh được phục hồi. Hiện nay, mối lo ngại lớn nhất là sự đứt gãy chuỗi khách hàng, khả năng sớm phục hồi khá thấp, 15% khách hàng nước ngoài ngừng đơn hàng tại Việt Nam và chuyển sang các đơn vị khác trong khu vực. Cho nên, việc nối lại chuỗi khách hàng này sẽ rất khó khăn. Ít việc, số lao động rời ngành In gia tăng hàng ngày”, ông Nguyễn Văn Dòng nêu khó khăn.

Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam kiến nghị: “Chính phủ nên có các biện pháp phù hợp, tránh nhiêu khê các thủ tục, đáp ứng tiêm vắc-xin cho doanh nghiệp, miễn giảm 30% thuế thu nhập, giảm 30% thuế giá trị gia tăng, không tiến hành những cuộc kiểm tra liên ngành các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp để doanh nghiệp tập trung sản xuất”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho rằng, không riêng gì ngành In mà các ngành khác nguyên liệu đầu vào cũng sẽ tăng, vì vậy muốn phát triển, ngành In bắt buộc phải áp dụng công nghệ để không quá phụ thuộc vào lao động phổ thông.

Ông Đỗ Quang Hưng, đại diện Công ty giải pháp Minh Đức, đơn vị chuyên cung cấp thiết bị về ngành In chia sẻ, công ty mình có nhiều giải pháp để tích hợp các công nghệ, giảm nhân lực, tăng năng xuất lao động. Nhất là trong thời điểm Covid-19 này nhân công cho ngành In đang khó khăn nên phía đơn vị này đề xuất các đơn vị nên có chủ trương định hướng cụ thể tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp để kết hợp các giải pháp có lợi. 

Về phía đơn vị phát hành, đại diện Fahasa cho biết, từ tháng 6-9 là thời điểm kinh doanh cao điểm của đơn vị này và nó mang lại doanh thu cao. Nhưng do dịch rơi vào đúng dịp này nên ảnh hưởng nặng, gặp nhiều khó khăn. Thời gian này, Fahasa chỉ tập trung kinh doanh trên điện tử và chủ yếu sách giáo khoa cho học sinh - mà mảng này chỉ là mảng nhỏ trong lĩnh vực kinh doanh của Fahasa. Thêm vào đó, dịch bệnh khiến đơn hàng cũng dồn ứ nhiều, không hiệu quả.

Bà Nguyễn Kim Thoa - CEO Tân Việt Books cho biết, đợt dịch vừa qua, các nhà sách, hệ thống xuất bản của Tân Việt phải dừng. Chưa bao giờ đơn vị phải nợ tiền thuê nhà nhưng hiện nay đã phải xin khất chủ cho thuê. Dù chính phủ có nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp nhưng bà Nguyễn Kim Thoa chưa thấy có văn bản nào giảm thuế cho doanh nghiệp, triển khai chính sách hỗ trợ tới đơn vị mình.

Tuy nhiên, để tự cứu lấy mình vượt qua đại dịch, Tân Việt Books đã triển khai kênh bán hàng online, xác định đầu tư vào công nghệ để có thể phát triển lâu dài trong điều kiện mới. Bà Kim Thoa khẳng định: “Xuất bản là đầu vào, phát hành là đầu ra, sách là hàng hoá của trí tuệ, tri thức nên phải giải quyết bài toán đầu ra hợp lý”.

Chia sẻ về kinh nghiệm của đơn vị mình trong thời gian qua, bà Kim Thoa cho biết, thời gian được ở nhà nhiều nên bà đã xây dựng chương trình “Chung tay lan toả văn hoá đọc cộng đồng”, số đầu tiên livetream trên trang cá nhân của Tân Việt Books là kiến thức chọn sách, giới thiệu những đầu sách hay, đặc biệt là sách cho các em nhỏ.

“Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi mong muốn những gì biết được sẽ được lan toả tới cộng đồng. Nếu không có dịch, có lẽ chúng tôi đã khánh thành không gian văn hoá đọc cộng đồng đầu tiên. Đây là không gian mà chúng tôi lên ý tưởng từ việc kết hợp nhà văn hoá cũ, đầu tư tủ sách vào để trở thành không gian văn góp phần nâng cao dân trí đọc trong cộng đồng. Thêm vào đó, tôi cũng đã sáng tác được mấy bài hát về sách để bằng âm nhạc, lan toả tình yêu sách tới được nhiều người hơn”, bà Kim Thoa chia sẻ.

Đại diện Fahasa và Tân Việt Books đồng kiến nghị, phải xem sách là mặt hàng thiết yếu trong bất cứ hoàn cảnh nào chứ không chỉ mỗi sách giáo. “Trên truyền hình rất nhiều chương trình giải trí nhiều nhưng về sách chưa có, ngoại trừ trước kia có chuyên mục Mỗi ngày một cuốn sách trên VTV1. Tôi đề nghị có nhiều chương trình giới thiệu sách sâu hơn nữa”, bà Thoa kiến nghị thêm.

Xây dựng nền tảng dùng chung

Sau khi nghe ý kiến từ các đơn vị xuất bản, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đồng cảm và chia sẻ sự khó khăn vất vả của các đơn vị xuất bản, phát hành.

"Kể cả khi chưa có dịch Covid-19, ngành xuất bản cũng đã khó khăn. Tôi đề nghị Cục Xuất bản, các đơn vị phát hành làm việc nghiêm túc, nghiên cứu nghiêm túc chính sách của nhà nước và những vướng mắc từ đó đề xuất kiến nghị chính quyền địa phương, cơ quan chủ quản. Ngành xuất bản cần căn cơ, đi vào phần ngọn, không đi vào phần gốc coi bạn đọc là thị trường để đẩy mạnh văn hoá đọc. Văn hoá đọc tốt lên thì mới có thị trường, phát hành được sách. Phải nâng cao chất lượng sách, tìm hiểu cuốn sách giá trị để giới thiệu với bạn đọc", Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.  

Qua đại dịch, nếu đơn vị nào biết áp dụng công nghệ thì giá thành hạ. "Phải thay đổi công nghệ nếu muốn tồn tại, ứng dụng công nghệ trên cơ sở dùng chung và chung tay phát triển văn hoá đọc. Đối với đơn vị truyền thông nên có mục giới thiệu các cuốn sách hay và viết về nhân vật thành công nhờ đọc sách từ đó lan toả được văn hoá đọc tới cộng đồng", Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn chỉ đạo tại hội nghị.

Tình Lê

Cuốn sách truyền cảm hứng sống mạnh mẽ cho phụ nữ

Cuốn sách truyền cảm hứng sống mạnh mẽ cho phụ nữ

Luôn nói có với cơ hội là bí quyết đi đến thành công của cựu siêu mẫu Maye Musk (mẹ tỷ phú Elon Musk) – hình mẫu người phụ nữ khí chất tài năng đang ở độ tuổi ngoài 70.