Kho tàng tiếng Việt giàu có là niềm tự hào của mỗi chúng ta bao nhiêu, thì "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" cũng là một thách thức để sử dụng tiếng Việt đúng và hay bấy nhiêu. Thành ngữ và tục ngữ được coi là túi khôn dân gian, trong đó đúc kết những tri thức tập thể về thế giới tự nhiên và xã hội của ông cha ta.
Trong túi khôn dân gian đó, phần thành ngữ được sử dụng trong đời sống nhiều hơn cả. Chúng ta sử dụng hàng ngày, nhưng để hiểu và giải thích cặn kẽ các thành ngữ thì không phải dễ dàng. Việc sử dụng thành ngữ giúp lời nói hàng ngày, câu văn trong văn bản trở nên ngắn gọn, trong sáng nhưng vẫn hàm nghĩa sâu xa, nói ít hiểu nhiều. Vì vậy nắm được ý nghĩa của các thành ngữ thông dụng sẽ làm giàu thêm vốn từ, linh hoạt trong cách sử dụng, duyên hơn trong cách nói cũng như cách viết.
Trước nhu cầu của mọi người, đặc biệt là các bạn học sinh về việc tìm hiểu kho tàng thành ngữ tiếng Việt, Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt cuốn sách độc đáo và hữu ích Thành ngữ bằng tranh sau hơn 3 năm biên soạn, chỉnh lý và thực hiện.
Người biên soạn cuốn sách - nhà thơ Nguyễn Thị Hường Lý đã chọn cách giải thích dễ hiểu nhất, trực diện với từng thành ngữ để người đọc có được thông tin nền, chuẩn về nó. Ví dụ Thành ngữ bằng tranh giải thích về thành ngữ “dương dương tự đắc” như sau: “Dương dương: từ tượng hình có nghĩa là nhơn nhơn. Tự đắc: Tự cho mình là hay, là giỏi. Đây là hành động tự đắc ý, thỏa mãn với việc làm của mình mà kiêu ngạo, vênh váo với mọi người. Ý nói: vênh vang, đắc chí một cách kệch cỡm”.
Được sắp xếp theo thứ tự chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, hơn 300 thành ngữ trong Thành ngữ bằng tranh xứng đáng là một cuốn từ điển thành ngữ mini cần thiết để các bạn học sinh và mọi người đang sử dụng tiếng Việt hàng ngày, người nước ngoài học tiếng Việt tra cứu, tìm hiểu.
Hơn 300 bức tranh theo trường phái hý họa sẽ khiến bạn phải cười mỉm, cười khà, cười phá lên với sự thông minh và dí dỏm của người họa sĩ khi "dịch" thành ngữ ra tranh đấy. Họa sĩ Nguyễn Quang Toàn đã lựa chọn lối vẽ hý họa linh hoạt, hiện đại gần gũi với phong cách biếm họa báo chí để tạo ra một câu chuyện bằng hình, qua đó thêm một lần nữa tác động đến thị giác của độc giả, tạo ấn tượng sâu và nét hơn về thành ngữ được minh họa.
Họa sĩ Nguyễn Quang Toàn có sẵn trong mình sự hóm hỉnh duyên dáng gần với lứa tuổi học trò, anh được biết đến là người vẽ tiếp chuỗi cười của bộ truyện tranh Tý Quậy nổi tiếng sau họa sĩ Đào Hải.
Tình Lê
Cuốn sách dành cho bạn đọc yêu thích ngôn ngữ
Từ điển cảm xúc tập 2 là “công cụ” giúp nhiều bạn trẻ tra những từ hay và lạ từ nhiều ngôn ngữ trên thế giới để viết status, 'chém gió',...