Tiếp sau Cảm ơn vì đã được thương, tác giả Minh Phúc tiếp tục ra mắt cuốn Cảm ơn vì đã cạnh bên (NXB Trẻ). Cuốn sách được viết với dạng tản văn, bằng lối viết thong dong nhẹ nhàng. Mỗi bài viết là một kỷ niệm nho nhỏ, đi kèm chiêm nghiệm của tác giả. Cuốn sách truyền đi thông điệp sống chậm không phải là bỏ đi những gánh trách nhiệm trong đời để được nhẹ nhàng mà là tập trung trân trọng từng điều đã có và đang có.

{keywords}
 

Mỗi kỷ niệm nhỏ trong đời ghép lại với nhau, "khiến cho ký ức trở thành những cuốn phim riêng tư, đặc biệt và đầy sinh động. Chúng làm liền những tổn thương và mất mát, giúp tôi nhận rõ mình, nhận rõ người, nhận rõ những thứ cần trân trọng".

Tác giả tự mô tả mình là "Người sống và làm việc tại TP.HCM. Thích trồng hoa và cây trái ở ban công. Là mẹ một chú bé tên Bùm”. Hơn thế nữa, chị là một người đọc nhiều, viết nhiều và có tâm hồn nhạy cảm. Vì vậy văn của chị đọc dễ chịu như một ngày trời nóng, sau giấc ngủ trưa, uống một ly nước mát, còn thoảng mùi rễ tranh do mẹ nấu. Sách gồm ba phần: Nhớ - Thương- Nhà.

Trích đoạn sách: 

Trong nỗi niềm miên man và hoảng hốt với tháng ngày qua ngõ, với những nhớ quên vốn dĩ khi tuổi đời cũng chồng chất lên rồi, thỉnh thoảng tôi nghĩ, may mà mình còn Viết. Viết – như một cách để tôi chấm một dấu Nhớ, phết một dấu Thương, cột chắc Nhà trong lòng  mình. Tất cả chúng được làm thành  từ những kỷ niệm nhỏ nhẻ, chúng khiến cho ký ức trở thành những cuốn phim riêng tư, đặc biệt và đầy sinh động. Chúng cũng làm liền lạc lại những tổn thương và mất mát, giúp tôi nhận rõ mình, nhận rõ người, nhận rõ những thứ cần trân trọng. Như người nông dân, mãi yêu thương và chăm bón đất của mình, cây của mình, tôi gom nhặt ký ức – chúng đã sẵn sàng để nảy mầm xanh – từ mảnh đất nhỏ bé nơi tâm khảm mình. Chúng là những kết nối để tôi hiểu vì sao mình trở thành người như hiện tại mình đang là. Từ những ký ức nhỏ bé này, tôi chợt nhận ra, mình chỉ có thể giản dị và thiết tha với cuộc sống – khi những vẻ đẹp lặng lẽ này được tôn quý, vun trồng.Hẳn như người nông dân, có lúc cũng sẽ kinh ngạc trước sắc màu rực rỡ lại sinh từ những bông hoa vậy.

Ký ức của tôi, chúng cũng nhiều màu sắc như bông hoa dại trên đồng hay bên vệ đường. Những bông hoa không quá nổi bật, nhưng nhờ sắc màu này, mà những thứ bên cạnh chúng trở nên sống động hơn. Có thể, ký ức đó bao gồm những bữa ngồi bên thềm nhà với má, ngắm chậu vạn thọ nở hết từng bông vàng rực, má nói: mới Tết đó mà hết Tết rồi, nhanh quá bây. Đúng là nhanh quá, khiến cho con bé nhỏ xíu thủa nào là tôi, giờ bên cạnh má, mái đầu cũng pha sương điểm bạc. Nhưng, còn được ngồi bên má hồi này, như ngồi bên một miền thương đầy tràn mà cũng thấp thoáng niềm quặn thắt. Không dám nghĩ thì cũng sẽ tới ngày của những cuộc chia ly mất còn, những cuộc chia ly phân mảnh thân thể mình ra, và chắc chắc là rất lâu sau đó, những mảnh rời của đời mình mới được tạm thời dán lại. Ký ức đó có thể bao gồm là mùi hương xa, nghe qua liền vụt nhớ. Là niềm cảm động giản dị trong hành động thương yêu. Chúng như những lớp “bụi quý” lấp lánh mỗi ngày mà nếu cất công quét dọn và gìn giữ, đến một lúc biết đâu sẽ đúc được một Bông hồng vàng.

Ký ức còn có thể là nội, là ngôi nhà, là chiếc cầu, là cái cây chiếc lá. Hay là cả một tuổi thơ mê mải lúp xúp trên đồng ruộng, dang nắng với đứa bạn xóm quê. Hứa hẹn với nhau sẽ cùngnhau thân thương đến lớn, lúc đó đâu có biết sau này, mỗi cuộc đời người đều có riêng từng số phận. Mỗi số phận đều khó khăn để chống đỡ, để vượt qua trong hành trình của trưởng thành. Bởi vì may mà mình còn Viết. Viết – được xem như là kiểu của một sự khơi nguồn - nên ký ức dường như là một dòng sông chảy mãi. Tôi như “con cá ở trong biển nước” của chính mình, gom nhặt những giản dị đời sống, để cùng phơi lên chút nội tâm. Nhưng, có thể bạn sẽ gặp đâu đó là mình, là quê nhà, là hương thơm... trào dâng lại trong bạn một niềm hân hoan mới mẻ. Như cái lộc non của cây vẫn vươn lên khát khao, mà mỗi lần nhìn vào đó, tôi thấy mình cần phải vui trong đời sống ít niềm vui này. Như vừa bừng dậy sau một cơn đau, ta bỗng thiết tha hơn với từng ngày ta sống. Thời gian như gió bay vèo, nhưng nếu ta không nắm giữ những khoảnh khắc nhỏ bé này, thì biết bao giờ mới rung động thật sự. Như nhà thơ Pháp Pierre Emmanuel thốt những câu bàng hoàng: Tại sao vĩnh cửu xanh màu lá cây? Ôi đau đớn không lời /Cành dương xỉ còn khép lại

Kẻ nào chưa cảm thấy trong lòng mình ru khẽ lên những chiếc lá đầu mùa thì không bao giờ biết được vĩnh cửu...May mắn thay ta có mắt để nhìn, có tim để thương, có đầu óc để thấu đáo, có tấm lòng thẳm sâu chân thành để đối đãi cùng nhau. Và, may mắn thay, như tôi đó, dù sao vẫn còn có một “thổ ngơi thơm phức hồn ma cũ” (Bình Nguyên Lộc) –đó là nhà, là quê – để những lúc bộn bề, có thể nằm vùi trong từng nhung nhớ, để khẽ khàng lại, chậm mình lại hơn và rồi bước ra khỏi vũng tối của mình một cách mạnh mẽ, vững vàng. Những giản dị nhỏ bé này, xin cảm ơn vì đã cạnh bên!

Tình Lê

Hành trình làm mẹ hạnh phúc

Hành trình làm mẹ hạnh phúc

Là bà mẹ 3 con, tác giả Huyền Vy thấu hiểu những trăn trở và áp lực của những người mẹ và đã đúc kết để viết nên cuốn sách "Hành trình làm mẹ hạnh phúc".