Ngày 15/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam, coi đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia, hình thành nên những người dân có trí tuệ.
Con số đáng lo ngại
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ chia sẻ một thực tế đáng buồn cho ngành xuất bản cũng như ngành thư viện nói chung. Theo thống kê của Cục Xuất bản, hàng năm chúng ta xuất bản được trên 400 triệu bản bản sách nhưng thực tế trong đó trên 300 triệu bản là sách giáo khoa, chỉ còn chưa đến 100 triệu bản là sách tham khảo.
Công nghệ phát triển, mạch nguồn văn hoá đọc vẫn tồn tại. |
“Vậy chia trên đầu dân, mỗi người trung bình một năm chưa đọc đến 1 cuốn sách tham khảo. Việc đọc sách cũng chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Còn ở các vùng sâu, vùng xa cơ hội để người dân tiếp cận với sách còn nhiều khó khăn. Nếu chúng ta quan tâm đúng mức, đầu tư đúng mức thì văn hóa đọc sẽ xây dựng nền tảng văn hóa trong một đất nước, một quốc gia tốt đẹp hơn và phát triển hơn”, bà Khúc Thị Hoa Phượng bày tỏ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong một lần giao lưu với độc giả về văn hoá đọc có chia sẻ rằng, các bạn thơ, bạn văn của ông vô cùng lo lắng khi càng ngày công nghệ càng phát triển sẽ khiến độc giả rời xa sách. Tuy nhiên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khá bình tĩnh ‘trấn an’ rằng, công nghệ có phát triển tới đâu sách sẽ không mất đi và mạch nguồn của văn hóa đọc vẫn tồn tại theo cách riêng của nó.
Những cú hích
Trong đợt Covid-19 vừa qua, nhiều hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc và quảng bá xuất bản phẩm trong nước bị hoãn vô thời hạn, hàng loạt nhà sách truyền thống phải đóng cửa hoặc hoạt động với khung giờ hạn chế; một số đơn vị buộc phải cắt giảm lương, giảm nhân viên. Trong tình thế đó, nhiều đơn vị xuất bản trong nước đã chủ động vượt khó bằng cách đẩy mạnh kênh bán online và doanh số có xu hướng tăng vượt trội.
Không để văn hoá đọc bị gián đoạn, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tổ chức Hội sách trực tuyến quốc gia với hơn 10.000 cuốn sách được đưa tới tận tay bạn đọc, chủ yếu đến vùng sâu vùng xa trong vòng 1 tháng. Điều này cho thấy thói quen và nhu cầu mua sách từ kênh thương mại điện tử của độc giả trong nước đã có.
Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" của Bộ VHTTDL do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau 3 năm thực hiện đã có những tín hiệu tích cực.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) cho biết, văn hóa đọc bước đầu có sự lan tỏa trong nhiều địa phương, trong đó có những mô hình thư viện cộng đồng đã trở thành nơi học tập trọn đời, trở thành điểm hẹn tri thức của nhân dân. Một trong những hành động cụ thể được thực hiện trong năm 2019 là cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc do Bộ VHTT&DL tổ chức lần đầu tiên trên phạm vi toàn quốc đã thu hút hơn 536.000 bài dự thi đến từ 4.400 trường học các cấp đã có sức lan tỏa lớn.
Thói quen và nhu cầu mua sách từ kênh thương mại điện tử của độc giả trong nước đã có. |
Nhiều tổ chức, cá nhân tâm huyết, cùng tình yêu với sách đã lặn lội tới các vùng miền, tạo dựng những tủ sách, phát triển các mô hình đọc sách trong cộng đồng như “Sách ơi mở ra”, dự án “Sách hóa nông thôn”, chương trình “Bán trái cây xây tủ sách”; nhiều mô hình thư viện tư nhân, không gian đọc sách, tủ sách dòng họ... tạo điểm sáng trong phát triển văn hóa đọc.
Mới đây, Vụ Thư viện và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cũng ký kết chương trình phối hợp công tác nhằm phát triển văn hóa đọc và học tập suốt đời cho phụ nữ, trẻ em, gia đình và cộng đồng. Đây được coi là cú hích để phát triển văn hoá đọc bởi lẽ, phát triển văn hoá đọc từ trong gia đình sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đến toàn cộng đồng.
“Tôi hy vọng từ sự hợp tác này sẽ có nhiều thành công trong việc xây dựng và duy trì thói quen đọc sách, thúc đẩy nhu cầu và phát triển văn hóa đọc trong gia đình, cộng đồng, đặc biệt cho đối tượng giới nữ (bao gồm phụ nữ, trẻ em gái, học sinh, sinh viên nữ…).
Một gia đình ham đọc sách là minh chứng cho một xã hội ham học hỏi. Tôi hy vọng sẽ có nhiều hoạt động để thúc đẩy cho những mục tiêu chúng ta đặt ra là làm sao cho mọi người có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin tri thức hơn, biết chọn được nhiều cuốn sách hay hơn, đồng thời có nhiều cơ hội để học tập suốt đời hơn", bà Ngà nhấn mạnh.
Không chỉ thực hiện ký kết các văn bản hợp tác, Vụ Thư viện cũng đang phối hợp với nhiều đơn vị xây dựng Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam”.
Đề án này được xây dựng nhằm nâng cao năng lực của thư viện tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đảm bảo cung ứng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu người sử dụng; chủ động ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, tham gia bảo đảm an ninh, an toàn, công bằng xã hội trong cung cấp thông tin và tri thức phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí, của nhân dân; góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện và phát triển đất nước bền vững...
Để lan toả hơn nữa phong trào văn hoá đọc tới đông đảo công chúng, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục phát triển các chương trình đọc sách. |
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam nhận định, trong thời đại kỹ thuật số, thông tin mạng xã hội và internet có tác động không nhỏ tới cộng đồng, ở chừng mực nào đó khiến cho chúng ta lo lắng.
Chính vì thế, để lan toả hơn nữa phong trào văn hoá đọc tới đông đảo công chúng, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục phát triển các chương trình đọc sách như: Ngày sách Việt Nam, phố sách, hội sách xuân; thường xuyên tổ chức các giải thưởng về sách để cổ vũ cho các đơn vị phát hành thực hiện những bộ sách giàu văn hóa…
Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, một số địa phương đã làm rất tốt việc này trong đó có Hà Nội, TP.HCM… và cần phải nhân rộng hơn ở các tỉnh, thành khác.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News cho rằng, trong thời đại giới trẻ thích đọc mạng xã hội, internet hơn là sách báo truyền thống thì Bộ VHTT&DL cùng các đơn vị phát hành sách uy tín, các phương tiện truyền thông nên có nhiều đợt giới thiệu tốp những cuốn sách hay dành cho các đối tượng độc giả. Cách làm này nhằm hướng dẫn, định hướng cho người đọc những sản phẩm văn hóa uy tín trong vô vàn những cuốn sách đang bán trên thị trường.
Tình Lê
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cảnh báo khan hiếm văn học cho thiếu nhi
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng sự khan hiếm của văn học thiếu nhi là một cảnh báo. Ngay ở Hội Nhà văn Việt Nam, lâu nay giải thưởng cho văn học thiếu nhi hầu như không có.