Ca khúc nhạc phim 'Hương vị tình thân' phần 2
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Hương vị tình thân là một trong những bộ phim truyền hình “ăn khách”, thu hút lượng người xem rất cao trong thời gian vừa qua. Trong đợt giãn cách xã hội tại TP.HCM, tôi có dịp theo dõi đầy đủ 71 tập trong phần một của bộ phim, mặc dù trước đó đã từng xem trọn bộ bản gốc My Only One, vốn là một siêu phẩm đạt rating cao của Đài KBS (Hàn Quốc). Cũng vì hào hứng với series phim truyền hình được remake này mà bản thân đã đọc không ít bình luận trên diễn đàn bộ phim và bất ngờ nhận ra dù được đánh giá là “bom tấn” phim Việt, với sức hút không thua kém gì Về nhà đi con năm 2019 nhưng Hương vị tình thân vẫn nhận rất nhiều lời khen chê của công chúng.
Bản thân tôi, cũng như nhiều khán giả Việt, trước nay vẫn luôn hồ nghi vào chất lượng các bộ phim remake lại từ kịch bản nước ngoài, đặc biệt là phim Hàn Quốc. Thực tế đã cho chúng ta thấy rất nhiều bộ phim Việt chọn mua kịch bản nước ngoài và remake lại để thuần Việt hơn như Hậu duệ mặt trời, Vua bánh mì, Ngày ấy mình đã yêu, Glee… đều chịu không ít lời phê bình từ công chúng. Đi ngược với làn sóng ấy, không thể phủ nhận sức hấp dẫn của Hương vị tình thân, dù kịch bản đã được làm lại lại từ Hàn Quốc nhưng vẫn đủ sức “làm mưa làm gió” màn ảnh Việt Nam bởi những tình huống lôi cuốn, chặt chẽ góp phần tăng tính liên kết giữa các nhân vật hơn.
Điểm cộng cho kịch bản của Hương vị tình thân chính là việc biết khai thác các mối quan hệ mâu thuẫn mẹ chồng - con dâu, vợ - chồng rất thuần Việt trên nền tảng một câu chuyện cảm động về tình cha con. Khán giả truyền hình đa phần đều rất đồng cảm với nhân vật ông Sinh, khi chứng kiến những khát khao mãnh liệt muốn được yêu thương và bảo vệ Nam nhưng vì mặc cảm tù tội mà không dám thừa nhận con gái mình. Tình cha con, dù trong bất kỳ thời điểm nào của bộ phim này, đều được đẩy lên đến cao trào, gây xúc động cho người xem. Khéo léo trong cách sử dụng chất liệu đời thường, biết cách tạo nhiều nút thắt - mở, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng và đội ngũ biên kịch đã góp phần tạo nên hiệu ứng đa chiều cho bộ phim
Tuy nhiên, Hương vị tình thân vẫn còn tồn tại khá nhiều hạn chế trong cách xây dựng tính cách nhân vật, đặc biệt là ở chặng cuối của phần một. Đầu tiên phải kể đến là việc xây dựng quá đà hình ảnh những bà mẹ với nhiều phẩm chất cực đoan gây ức chế cho khán giả truyền hình như bà Xuân, bà Sa, bà Bích. Nếu như bà Sa toan tính, không từ thủ đoạn với người ngoài và con cái, bà Bích chua ngoa, ham mê vật chất thì bà Xuân lại khiến khán giả “trầm cảm” vì vô số những hành xử trịch thượng, quá quắt khi ra sức ngăn cản tình cảm của hai nhân vật chính.
Bên cạnh đó, điểm trừ của kịch bản cũng xuất phát từ nhân vật chính - giám đốc Long. Dù được xây dựng như hình tượng những anh chàng bad boy (trai đểu) trên màn ảnh, đào hoa nhưng rất thông minh, thận trọng. Tuy nhiên, cách hành xử của nhân vật Long những tập gần đây lại khó hiểu, vô lý thậm chí gây ức chế khiến tôi nhiều khi chỉ muốn tắt tivi và tôi tin nhiều khán giả truyền hình cũng đồng cảm với mình.
Cụ thể trong những tập phim gần đây, khi bà Xuân, vì mong muốn tìm một người con dâu “môn đăng hộ đối” nên ra sức cấm đoán mối quan hệ yêu đương giữa con trai minh và Nam. Ngay khi Nam phải chịu sự công kích từ nhiều phía gia đình anh, Long lại không hề động viên, an ủi. Thay vào đó, anh dẫn cô đi mua quần áo, tư vấn việc học tiếng Anh, gợi ý cho cô sang công ty khác làm việc.
'Hương vị tình thân': Điểm trừ của kịch bản xuất phát từ giám đốc Long |
Hành động dù xuất phát từ ý tốt đẹp nhưng hoàn toàn sai thời điểm, gây thêm ác cảm về sự giàu nghèo của nhân vật nam chính khiến khán giả rất thất vọng. Đỉnh điểm của chuỗi sự việc này là việc Long một mực khẳng định bà Bích là người trộm vòng vàng, dẫn đến việc Nam phải ra đi. Điều này dường như đi ngược với cách xây dựng nhân vật chính với bản tính thận trọng, khi trước đó không lâu anh vẫn còn rất dè chừng với mẹ con Khánh Thy.
Việc xây dựng kịch bản một bộ phim remake, dù được đánh giá cao về khả năng bùng nổ trên màn ảnh Việt, nhưng vẫn còn nhiều tình tiết khiên cưỡng, hơi xa rời thực tế, cách khai thác tâm lý nhân vật chưa thấu đáo đã khiến Hương vị tình thân nhận được vô số lời bình luận của khán giả. Thiết nghĩ, phản ứng dù tích cực hay tiêu cực của công chúng, vô hình chung, đã trở thành “sợi chỉ vàng” nối kết cảm xúc, kích thích tối đa lượng khán giả hào hứng theo dõi xuyên suốt 71 tập phim Hương vị tình thân trên sóng truyền hình VTV1. Rất mong chờ sự thay đổi và những chuyển biến tích cực hơn ở phần hai của bộ phim.
Bạn đọc Tuyết Như (TP.HCM)
Nếu bạn có ý kiến, hãy gửi cho chúng tôi vào địa chỉ: [email protected]. Ý kiến của bạn có thể không trùng với quan điểm của bài viết đã đăng trên VietNamNet.
'Hương vị tình thân' hấp dẫn hay gây ức chế?
'Hương vị tình thân' đã phát sóng tới phần 2, trải qua 72 tập phim và không ngừng gây tranh cãi, bàn tán.