– Cây cỏ quanh trường quay mà bị dẫm nát họ nhổ hết đi và cho trồng lại, cành cây chặt rồi để cạnh hòn đá cũng dọn, cọc đóng thì đem cần cẩu máy dò nhổ bằng hết.
Với vai trò là họa sĩ thiết kế, họa sĩ Vũ Huy là người Việt Nam duy nhất được đoàn làm phim Kong: Skull Island mời tham gia vào quá trình quay tại Ninh Bình. VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Vũ Huy để tìm hiểu về quá trình sản xuất của đoàn làm phim nổi tiếng Hollywood tại Việt Nam.
- Được biết trong ê kíp của đoàn làm phim 'Kong: Skull Island', anh là người Việt Nam duy nhất tham gia vào quá trình sản xuất. Vai trò của anh là gì?
Tôi đóng vai trò làm họa sĩ thiết kế để xây dựng bối cảnh mang dáng dấp 1 ngôi làng của người bản xứ tại Ninh Bình.
Trong 3 địa điểm đoàn làm phim Kong: Skull Island tiến hành quay tại Việt Nam là Sơn Đoòng, Hạ Long và Ninh Bình thì Ninh Bình là nơi duy nhất đoàn làm phim cần đến một người có kinh nghiệm để xây dựng bối cảnh mang tính chất bản địa của một vùng nhiệt đới.
Vì sao họ chọn tôi vì sao thì tôi không biết nhưng có thể do trước đây tôi từng tham gia sản xuất những bộ phim nước ngoài làm tại Việt Nam như Người Mỹ trầm lặng, Ký ức Điện Biên nên có thể họ mời.
Quá trình dựng bối cảnh phim Kong: Skull Island tại Ninh Bình |
- Làm việc với một ê kíp sản xuất của một bộ phim bom tấn, điều gì khiến anh cảm thấy ấn tượng nhất ở họ?
Có thể nói do đây là một bộ phim bom tấn nên sự đầu tư tiền bạc và nhân lực để sản xuất là rất lớn. Yêu cầu về tính chuyên nghiệp của họ cũng rất cao.
Chính vì vậy khi họ nói với tôi họ cần gì, sau khi trao đổi xong họ đồng ý thì tôi sẽ được làm một cách thoải mái để sáng tạo mà sẽ không chịu bất cứ sự can thiệp nào.
Đấy là điều mà tôi cảm thấy ấn tượng vì không giống như khi làm việc với nhiều hãng tư nhân tại Việt Nam, nhiều người không biết gì lại ra gò ép chỉ đạo phải làm thế này thế khác.
Họa sĩ Vũ Huy: 'Bình đẳng giữa mọi người là điều nhìn thấy trong đoàn làm phim Mỹ'. |
Chưa kể với đoàn làm phim Mỹ điều tôi thấy thích ở họ đó là sự hòa đồng và bình đẳng giữa mọi người. Từ đạo diễn đến diễn viên, tất cả ăn cơm cũng đều xếp hàng và ăn cùng nhau, rất bình đẳng.
- Trong quá trình tham gia sản xuất với đoàn làm phim chuyên nghiệp như vậy, anh có cảm thấy áp lực hay gặp phải khó khăn gì không?
Tôi không gặp phải khó khăn gì quá lớn, thậm chí là thuận lợi vì bối cảnh tôi phải làm ít phức tạp hơn rất nhiều các bộ phim khác thậm chí là phim Việt Nam.
Tại sao tôi nói thế? vì phim Việt Nam nhiều khi phải làm bối cảnh đồn giặc Pháp thì nào là xe ô tô, dù, súng, pháo, lựu đạn... đủ thứ còn ở đây khi tôi làm cũng chỉ là lồng gà, nơm cá, tre, nứa, lạt, bùn đất... nên dễ dàng hơn rất nhiều.
- Anh có nghĩ việc đoàn phim lớn của Hollywood sang Việt Nam chọn bối cảnh sẽ là cơ hội quảng bá du lịch cũng như đất nước, con người Việt Nam mà ta nên tận dụng?
Nếu tôi nói là có là tôi nói dối vì đoàn làm phim họ cũng chỉ mượn bối cảnh vùng nhiệt đới ở Việt Nam để quay chứ không muốn nói đến bất kì 1 dân tộc hay một quốc gia nào vào trong phim cả. Nếu họ không nói là cảnh quay trong phim này là ở Việt Nam thì chắc khán giả cũng sẽ ít ai biết. Họ quay ở đâu cũng vậy, đó là sự thực.
Cái tôi có thể làm đó là khiến họ, những nhà sản xuất nước ngoài thay đổi cách nhìn về những người làm điện ảnh tại Việt Nam mà thôi. Tôi muốn họ biết Việt Nam cũng có những người làm việc chuyên nghiệp, thậm chí là những bộ phim cần tính nghệ thuật, cần tính chuyên nghiệp còn nhiều hơn một số người trong đoàn làm phim của họ.
Hình ảnh hậu trường trong phim Kong: Skull Island |
- Được biết vấn đề bảo vệ môi trường, cảnh quan của đoàn làm phim 'Kong: Skull Island là rất nghiêm ngặt, vậy trong quá trình làm việc với đoàn làm phim, anh chắc cũng sẽ phải tuân thủ những quy định của họ?
Giữ gìn môi trường là văn hóa chung của các nước văn minh, đặc biệt với điện ảnh lại càng phải nghiêm ngặt. Đoàn làm phim Kong: Skull Island là một đoàn làm phim chuyên nghiệp nên họ rất có ý thức bảo vệ môi trường, thậm chí là hơn cả mức mình muốn.
Tôi lấy ví dụ như cây cỏ quanh trường quay mà bị dẫm nát họ nhổ hết đi và cho trồng lại, cành cây chặt rồi để cạnh hòn đá cũng dọn. Rồi những cọc sắt và tre đóng xuống đất để làm bối cảnh sau khi quay xong họ yêu cầu phải dùng máy dò nhổ cho bằng hết vì không muốn trẻ con chăn trâu vấp hoặc ngã vào sẽ nguy hiểm.
Đoàn làm phim Việt Nam làm cũng có ý thức nhưng cũng không kĩ như họ. Như cái cọc, có khi chúng ta lấy búa đóng tụt xuống sâu vài chục cm là xong chứ cần gì phải nhổ lên. Họ yêu cầu vậy khiến chúng tôi phải mang cả cần cẩu ra để rút, cọc dài 2 mài đóng xuống sức người rút sao lại.
Tôi nghĩ có thể ngoài việc không muốn tạo một tiền lệ xấu cho những đoàn làm phim sau thì lý do chính với họ là họ không muốn bị kiện. Họ là đoàn làm phim lớn, việc bị kiện vì những điều nhỏ nhặt này không đáng khiến họ phải làm như vậy.
- Anh đã xem những đoạn phim hậu trường mới công bố chưa? Với những cảnh quay tại Việt Nam, anh thấy thế nào?
Tôi có xem qua trailer của họ, và tôi cảm thấy bất ngờ vì những gì được xem khác hoàn toàn so với trên trường quay.
Kĩ thuật dựng của họ quá tốt. Lúc quay tại Ninh Bình 3 ngày trời liên tục mưa nhưng trong phim thì trời nắng và ánh sáng chiếu vào khuôn mặt của các diễn viên và cỏ cây như thật. Thậm chí có cảm giác họ thích biến ngày thành đêm trên phim cũng làm được chứ đừng nói là nắng.
- Có kĩ thuật tốt như vậy, theo anh sao họ phải đến Việt Nam để quay mà phải không dựng trong trường quay?
Diễn trong trường quay rồi vẽ dựng lại sẽ rất tốn kém. Và quan trọng khi diễn viên được diễn thật trước bối cảnh thật cảm xúc sẽ tốt hơn rất nhiều là diễn trong trường quay. Với điện ảnh quan trọng là cảm xúc nên việc diễn trong bối cảnh thật rất cần thiết.
- Cám ơn anh về cuộc trò chuyện.
H.Hoàng