NSƯT Linh Phước hiện đang công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM. Ông được giới chuyên môn đánh giá là một trong những nghệ sĩ tài năng và có nhiều đóng góp cho nghệ thuật hát bội, từng giành nhiều huy chương vàng trong các cuộc thi về bộ môn này. Sau ánh hào quang sân khấu, cuộc sống của ông khó khăn, một phần vì bệnh tật đeo đuổi.

Chia sẻ với VietNamNet, hiện ông đang sinh sống cùng vợ và hai người con tại một căn nhà nhỏ ở quận 12. Suốt 10 năm qua, ông mắc bệnh tiểu đường. Căn bệnh biến chứng khiến mạch máu bị tắc nghẽn dẫn đến việc ông phải cưa mất chân. Ông suy sụp vì vốn yêu nghề hát bội, trước đây luôn được diễn vai chính nhưng giờ phải tập đi với chân giả, chờ vết thương thuyên giảm để có thể quay trở lại sân khấu.

Tinh thần suy sụp vì phải cưa chân

Sức khỏe của ông sau ba lần phẫu thuật như thế nào? Ông gặp khó khăn gì trong sinh hoạt? 

Hiện tại, sức khỏe của tôi cũng tạm ổn định sau 3 lần phẫu thuật. Nói thật, khó khăn trăm bề. Lần đầu tiên là tiểu phẫu nhỏ, chỉ cưa một ngón chân út nhưng khoảng mười ngày sau các ngón chân bị sưng tím. Sau đó phải phẫu thuật động mạch, bác sĩ cưa khoảng nửa bàn chân.

Từ khi phát hiện chân mỏi và lạnh cho đến khi phải phẫu thuật, ông trải qua những gì?

Bệnh này khiến mạch máu không nuôi được hết bàn chân. Vậy nên, tôi phải cắt chân tới trên mắt cá nếu không sẽ bị hoại tử cả chân.

Lúc đầu, mỗi lần đi hát về tôi đều cảm thấy rất mỏi và lạnh chân, nhưng cứ nghĩ là mệt bình thường, chỉ lấy dầu xoa bóp. Rồi một ngày, các ngón chân đều lạnh toát, mới vào bệnh viện tiểu phẫu. Họ nói tôi bị máu đông, nên tôi nghĩ vấn đề cũng đơn giản. Tiểu phẫu xong vài ngày cả ngón chân đen xì, bầm tím hết. Đến khi cưa còn nửa chân, vết thương vẫn đau liên miên, đau đến mức tôi gần như ngất lịm.

{keywords}
Nghệ sĩ Xuân Phước nhiều đêm không thể ngủ được vì cơn đau kéo đến.

Sau ba lần phẫu thuật, ông chưa thể làm nghề lại, kinh tế của ông có bị ảnh hưởng nhiều?

Khi làm nghề, tôi có dành dụm ít nhiều nhưng tiền để chữa bệnh rồi thuốc men, mỗi lần ra vào viện cũng gần như cạn sạch. Phẫu thuật tốn kém rất nhiều nên anh chị em trong nhà mỗi người cũng cho một ít nhưng kinh tế vẫn chưa thể ổn định.

Ông đã vượt qua cú sốc phải cưa đến nửa bàn chân ra sao?

Lúc đó, tinh thần tôi suy sụp hoàn toàn. Nếu mất một ngón, hay hai ngón chân vẫn còn theo nghề được, bây giờ chỉ còn nửa chân không biết phải làm thế nào. Sau khi phẫu thuật lần 3, hễ nhìn xuống chân là tôi khóc. Tôi quay sang nhìn vợ, hai vợ chồng đều khóc…

Hiện tại, tinh thần cũng khá hơn và quen dần với cái chân này, tôi vẫn tập đi hằng ngày với chiếc chân giả dù vết thương cũng còn đau nhiều nhưng cũng phải cắn răng mà chịu.

Vết thương đỡ đau nhức, tôi vẫn dạy và hát lại bình thường

Người thân đã bên ông ra sao sau 3 lần phẫu thuật?

­Sau khi tôi trải qua ba lần phẫu thuật, vợ tôi gầy xuống hẳn. Tôi suy sụp một, vợ suy sụp mười. Từ lúc phát bệnh hay ra vào viện cũng chỉ một mình vợ đỡ đần. Tôi có hai người con, đứa con gái lớn sắp ra trường, còn đứa con trai nhỏ chỉ mới học lớp 8. Con thấy mình như vậy nó cũng đau lòng lắm. Lúc đó, tôi phải nằm viện nên ở nhà cũng có bà ngoại từ Trà Vinh lên phụ giúp.

{keywords}
 NS Trịnh Kim đến thăm hỏi và động viên NS Xuân Phước.

Chắc hẳn các nghệ sĩ, khán giả đã động viên tinh thần ông rất nhiều?

Hội nghệ sĩ ở Nhà hát cũng thường đến thăm, có cả ca sĩ Thanh Thúy (Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) và gầy đây là NSƯT Trịnh Kim Chi. Họ biết hoàn cảnh của tôi nên thỉnh thoảng ghé thăm để động viên và hỗ trợ. Gặp bạn bè trong nghề khiến tôi cảm thấy nhớ, muốn vết thương mau lành để còn được hát tiếp.

­Nghề hát bội nhiều năm nay rất khó khăn, sau khi dịch bệnh bùng phát đến nay vẫn chưa thể sáng đèn nhưng tôi rất biết ơn vì khán giả vẫn quan tâm đến mình. Khi được lắp chân giả và có thể đi lại như bình thường tôi sẽ quay trở lại với nghề để tiếp tục diễn, tiếp tục hát cho quý vị khán giả.

Nếu có thể hoạt động nghệ thuật lại, ông dự định sẽ làm gì?

Nếu vết thương đỡ đau nhức, tôi vẫn lên nhà hát để dạy và hát lại bình thường. Nhưng hát bội thì phải múa, tôi vẫn có thể hát và múa cho những vai nhẹ như vai vua hay vai quan văn quan cũng được. Múa những động tác nhẹ không ảnh hưởng đến vết thương.

Khi được lắp chân giả, bên sản xuất cũng đảm bảo sự đi lại, tôi sẽ quay trở lại với sâu khấu vì bây giờ tôi đi lại hay sinh hoạt thường ngày cũng tạm ổn. Bệnh tình thế này chỉ cần được đứng trên sân khấu hát là tôi vui rồi. Tôi yêu nghề nên dù diễn hát kép chính hay kép phụ vẫn sẽ diễn.

Vì sao ông vẫn nhất quyết muốn ở lại với nghề dù bệnh tật cản trở?

Nghề nghiệp thì không thể nào bỏ được, tôi nhớ lắm. Tôi không muốn chỉ ngồi không ở nhà khi vẫn còn dạy, truyền đạt được cho những thế hệ sau tiếp nối giữ nghề. Đi dạy cũng có thu nhập hằng tháng, có thể xoay xở trong những lúc khó khăn.

Nếu không lạc quan, tôi cũng không làm được gì, dù u sầu hay oán trách cũng không lấy lại được cái mình mất. Tôi còn hai đứa con, trách nhiệm của người làm cha phải lo lắng nên tôi phải lạc quan vì vẫn còn gia đình bên cạnh. Bạn bè đồng nghiệp và khán giả cũng yêu thương quý mến.

Tôi yêu nghề, nhớ nghề lắm nên phải cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này để còn quay trở lại sân khấu, để giữ lửa cho nghề hát bội.

Mai Thụy

Sau Thương Tín, Trịnh Kim Chi giúp đỡ Mạc Can và nhiều nghệ sĩ khó khăn

Sau Thương Tín, Trịnh Kim Chi giúp đỡ Mạc Can và nhiều nghệ sĩ khó khăn

Phó chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM Trịnh Kim Chi đã thay mặt quỹ Chăm lo nghệ sĩ dành chút thời gian của mình đến thăm hỏi các cô chú nghệ sĩ đang bệnh nặng và có hoàn cảnh khó khăn.