- Sau khi đọc bài phát biểu trong buổi làm việc với VTC của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, anh có nhắn tin cho Bộ trưởng, anh có thể tiết lộ nội dung cuộc nói chuyện?
Sau khi đọc bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên văn tôi có nhắn cho anh: “Anh Hùng ạ! Chí Trung đã đọc toàn văn bài phát biểu của anh về VTC hôm 9/6, dài nhưng Chí Trung không bỏ sót chữ nào vì quá hay và quá đúng. Đúng không chỉ cho VTC mà còn đúng cho nhiều ngành nghề hoạt động khác, kể cả lĩnh vực nghệ thuật”. Và anh Hùng đã nhắn lại cảm ơn.
Chí Trung chia sẻ: "Mất tiền được kinh nghiệm, mất vợ được tự do nhưng mất hy vọng thì mất hết". |
Tôi thấy câu chữ trong này không chỉ dành cho VTC mà dành cho định hướng phát triển của những tập thể, cá nhân, những khát vọng và những mong muốn của từng cá thể. Tôi cảm nhận được điều đó vì tôi đã từng trở thành người như thế của những năm trước đây. Ví dụ trước đây tôi làm trưởng Đoàn kịch 2 (Nhà hát Tuổi trẻ) thì đoàn gần như đã là hạt nhân của Nhà hát, còn tôi là hạt nhân cảm xúc của đoàn. VTC 30 năm đã thành công và bây giờ chu kỳ là phải đổi mới. Đây là chu kỳ quá lâu cho đơn vị làm về công nghệ. Bài phát biểu của Bộ trưởng không chỉ đúng với VTC mà cả những đơn vị, ngành nghề, cá nhân mà muốn đổi mới. Nó không chỉ tốt cho tập đoàn mà tốt cho từng cá nhân.
Có câu: "Mất tiền được kinh nghiệm, mất vợ được tự do nhưng mất hy vọng thì mất hết". Hy vọng ở đây có thể link sang niềm tin. Niềm tin đầu tiên không phải lời nói sáo rỗng của ai đó, kể cả của những nguyên thủ mà nằm trong nội tại ở mỗi người. Vì vậy, tôi luôn tôn trọng niềm tin của riêng anh. Khi bạn là một chủ thể tốt sẽ trở thành một sinh thể mạnh và tạo ra một tập thể mạnh. Điều tôi tâm đắc là nữa là VTC phải tìm được cá nhân trong nội tại của VTC để tự làm mới mình và biết tôn trọng giá trị cũ.
- Nhà hát Tuổi trẻ do anh quản lý vẫn đang tự làm mới mình và tôn trọng giá trị cũ?
Nhà hát Tuổi Trẻ cũng từng như vậy và đơn vị nào cũng cần như vậy. Mọi người hay nghĩ rằng thay thầy thay tướng nhưng với đơn vị có tính giá trị cốt lõi phải cần được gìn giữ mặc dù mình có thể thay đổi về phương thức, tư tưởng và suy nghĩ. Tất nhiên, giáo dục giá trị cốt lõi ở mỗi đơn vị nó phải nằm trong truyền thống nữa. Truyền thống không nằm ở trong phòng trưng bày mà nằm ở việc từng ngày, từng giờ, từng công việc đều nhắc đến giá trị cốt lõi của một đơn vị, hay rộng ra là một tập thể hay một tập đoàn.
Với Nhà hát của tôi thì giá trị cốt lõi là phục vụ thanh niên và thiếu nhi, phục vụ khán giả trẻ. Vì không chỉ đơn giản là những buổi diễn, những chương trình phục vụ con em cùng thời kỳ mà còn là khán giả tương lai của sân khấu sau này. Mình phải nhìn xa như vậy. Thực ra các con trẻ cùng thời kỳ mình hiện tại nhưng sau này chúng cũng sẽ lớn lên. Chưa kể đó là những chủ nhân tương lai của đất nước thì việc phục vụ thế hệ trẻ chính là giá trị cốt lõi của Nhà hát. Những lời nói của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tôi đọc rất thấm!
- Với vai trò Giám đốc, anh đã đi gần hết sứ mệnh của mình với Nhà hát Tuổi trẻ, anh sẽ truyền lại cho thế hệ sau, từ việc tâm đắc với bài phát biểu này là gì?
Tháng 6 năm sau tôi mới nghỉ hưu. Tuy nhiên, tôi chỉ nói là những giá trị cốt lõi, tôi sẽ để lại cho đời Giám đốc thứ tám. Giám đốc không làm nên lịch sử của Nhà hát, một chủ tịch không làm nên tập đoàn mà tất cả anh em trong tập thể phải vững được niềm tin, vững được giá trị cốt lõi. Việc vòng quay đơn vị, sự suy thoái, phát triển hay sự tái sinh của đơn vị đều có thật, vấn đề là hạt nhân cảm xúc phải giữ. Giống như anh Hùng nói là phải giữ giá trị cốt lõi thì mới có điểm tựa cho vòng quay phát triển. Trục xe mà không giữ được thì bánh xe sẽ đổ thôi.
Và giá trị cốt lõi của Nhà hát là gì? Đó là phục vụ khán giả. Tuy nhiên không chỉ phục vụ theo chiều ngang, đó là bán vé rồi tăng doanh thu, thu nhập cho nghệ sĩ. Điều đó là đương nhiên nhưng phục vụ cho điều cao hơn đó là cho mong muốn, khát vọng và nhu cầu thẩm mỹ của những khán giả thế hệ kế tiếp.
- Dịch Covid-19 có phải khó khăn lớn nhất từ trước tới nay của anh trên cương vị lãnh đạo cũng như thành viên Nhà hát mà anh chứng kiến không?
Mùa Covid này tôi thấy trong 9 phần rủi có 1 phần may, để tất cả sống chậm lại và suy nghĩ nhiều hơn, xem xét lại chính mình để thấy không có gì nhỏ cả, phải làm từ cái nhỏ dẫn đến cái lớn. Qua việc toàn xã hội bị ngừng trệ, tôi cũng được nghỉ ngơi và chăm lo cho bản thân mình, cũng như làm mới những tác phẩm. Bản thân những diễn viên cũng phải trau chuốt và cô đọng lại. Cũng như vở cũng thế, trước kia làm có thể làm ào ào nhưng bây giờ phải kỹ càng hơn. Mặc dù có sự thoả hiệp nhưng sự thay đổi đúng là có thật.
Trước khi nói khó khăn tôi sẽ nói suy nghĩ tích cực riêng của mình với Covid. Đó là tôi được nghỉ ngơi sau 43 năm ở Nhà hát không bao giờ nghỉ. Tôi biết ăn sáng tại nhà, uống cà phê nhâm nhi, nghĩ ngợi, làm việc online, đọc báo, xem phim, hưởng thụ cây xanh, khí trời. Bên cạnh đó, tôi cũng lo là nguy cơ quen với sự hưởng thụ rồi chẳng muốn đi làm nữa, rồi hình thành những thói quen khó bỏ lắm.
- Nhưng rõ ràng là đời sống nghệ sĩ của nhà hát bị ảnh hưởng?
Sân khấu đã khó khăn từ trước Covid rồi chứ không phải Covid mới lao đao. Cuối năm 2019, cơ chế đã giảm những diễn viên trẻ và đào thải ra hệ thống bằng những quy định rất cứng nhắc của ngành nghệ thuật. Những vai chính như hoàng tử, công chúa không được hợp đồng và chuyển sang đơn vị khác còn lại toàn vua cha, thái thượng hoàng… thì làm gì?
Điều nữa là khán giả cũng ngày càng ít ỏi. Rồi các nhà tài trợ cũng vất vả trong mùa dịch này. Họ cũng chống đỡ về sự tồn tại của chính họ, huống hồ họ còn đi tài trợ nữa. Mà trong công tác thiếu nhi không thể không có tài trợ. Vì diễn cho thiếu nhi nên vé rất thấp, thậm chí diễn tặng cho các đơn vị nữa như các bệnh viện, trường học… Khán giả cũng ngại vào rạp nên lại càng khó khăn nữa. Sân khấu “chết” hoàn toàn.
Tuy nhiên, sân khấu ngoài Hà Nội chúng tôi có bao cấp nên còn đỡ hơn sân khấu trong TP.HCM, sân khấu trong TP.HCM phải trả rất nhiều khoản, mặc dù không thu được bao nhiêu. Diễn viên trong TP.HCM họ làm rất nhiều nghề để kiếm sống. Diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ họ rất vất vả và vẫn đợi chờ, đặt niềm tin sau Covid. Ngày nào lãnh đạo chúng tôi cũng ngồi và nói về Covid.
Sân khấu cho dù rất khó khăn, dù bị truyền hình, smartphone hay truyền thông thế giới dồn vào bước đường cùng thì nó vẫn có một chỗ đứng nhất định và khán giả nhất định dành cho sân khấu. Các diễn viên và lãnh đạo Nhà hát cũng như ngành nghệ thuật nói chung đều hiểu điều đó, sân khấu sẽ không mất đi, vẫn trường tồn với cuộc đời. Sân khấu là giá trị cốt lõi về tâm, về truyền thống nên không bao giờ mất đi, nó chỉ ngắc ngoải và chuyển từ dạng này sang dạng khác thôi.
- Để không ngắc ngoải thì sân khấu phải tiếp tục làm mới mình?
Tôi có niềm tin rằng sân khấu vẫn còn nhưng phải làm mới. Phải giữ lấy giá trị cốt lõi và chấp nhận những công việc thời cuộc để tồn tại và giữ được khát vọng của anh em diễn viên trong thời buổi mới. Có thể không còn 600, 1.000 khách nhưng còn 60, 100 khách. Tuy nhiên, lúc ấy giá vé sẽ cao hơn, giá trị con người cũng tăng hơn. Phim ảnh, truyền hình đồng hành với sân khấu trong việc nuôi sống người diễn viên. Người diễn viên nói chung có thể tồn tại nhiều điều khác nhau để thoả mãn niềm mong ước được sống cùng sân khấu.
Vòng quay hình sin lên xuống sẽ có từng thời kỳ, không thể nào thay đổi xu thế theo ý mình được. Tôi tin rằng mỗi con người cần hưởng thụ không khí sân khấu thì bọn tôi sẽ trở lại. Khi ấy dù ít người thôi nhưng ghế ngồi sẽ rộng ra, sân khấu sẽ to hơn. Những giá trị ấy sẽ nâng tầm sân khấu lên. Tôi nghĩ rằng không vội, sân khấu có thể kéo dài gần 1000 năm, vì đời người là hữu hạn, chúng ta còn có thể làm được nhiều thứ nữa cho sân khấu.
Tình Lê
Chí Trung: Nhiều người chất vấn tôi sao đóng Táo quân sau khi đã nói dừng
“Nhiều người chất vấn: Sao anh kêu dừng Táo quân giờ lại đòi đóng? Nhưng, tôi không phải người tự ái để nói vậy rồi sĩ diện không diễn nữa. Làm sao phải thế? Tôi thích diễn thì diễn, thích dừng thì dừng”, nghệ sĩ Chí Trung chia sẻ.