- Dự án nhạc kịch HOPE khép lại với một đêm diễn tràn đầy năng lượng “The Sound Of Hope” sâu chuỗi lại cả ba vở “Đêm hè sau cuối”, “Góc phố danh vọng” và “Mộng ước không xa vời”.

Từng ra mắt hai vở Góc phố danh vọng và Đêm hè sau cuối từ cách đây 5 năm nhưng tới tháng 10 năm ngoái, dự án nhạc kịch HOPE của Nguyễn Phi Phi Anh mới thực sự bùng nổ và tạo nên hiện tượng tại Hà Nội. 13 đêm diễn vào tháng 10 của Đêm hè sau cuối và 8 đêm diễn của Góc phố danh vọng vào tháng 11 đều “cháy” vé. Khi nhạc kịch Việt Nam dành cho giới trẻ vẫn là một cái gì đó xa vời, HOPE giống như một làn gió mới mẻ, lạ lẫm tạo nên sự bất ngờ cho khán giả thủ đô. 

Giữa tháng 4 vừa qua, HOPE khép lại 35 buổi diễn bằng một đêm “vỹ thanh” tối 12/4 khi sâu chuỗi cả ba vở Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuối và Mộng ước không xa vời trong vòng hai tiếng rưỡi. 

{keywords}
Một cảnh trong vở nhạc kịch 'Mộng ước không xa vời'

Ban đầu, Nguyễn Phi Phi Anh và êkíp công bố trên truyền thông vỏn vẹn và khiêm tốn rằng, đó sẽ là một đêm Gala - The Sound of Hope diễn lại những trích đoạn được yêu thích trong cả ba vở. Tuy nhiên, đạo diễn 26 tuổi đã có một quyết định táo bạo khi viết một kịch bản mới kết hợp cốt truyện giữa cả ba vở để tạo nên một vở mới quy tụ toàn bộ các nhân vật được “nhớ mặt, thuộc tên” của HOPE. Chỉ vài ngày ít ỏi luyện tập và ghép sân khấu nửa ngày trước khi diễn, “PPAN và đồng bọn” đã có một đêm diễn tràn trề năng lượng, phiêu hết mình và thăng hoa, đầy ngẫu hứng. 

Trong số ba vở diễn của HOPE, Đêm hè sau cuối có lượng fan đông đảo nhất bởi câu chuyện phù hợp với đại chúng, cách kể có đầu có đuôi và những bài hát trình diễn quen thuộc. Góc phố danh vọng được Phi Anh viết năm 21 tuổi thì mạnh về vũ đạo và ở tiểu tiết nhưng tổng thể lại hơi dài và lan man. 

Mộng ước không xa vời được viết khi đạo diễn trẻ đã trưởng thành hơn nên có ưu điểm về kịch bản nhưng lại mang dấu ấn cá nhân quá nhiều. Vẻ như, với vị đạo diễn 9x này, mỗi lần anh trở lại thì đều mang theo bí mật. Với, đêm “Vỹ thanh,”  câu chuyện được dẫn dắt một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu từ Đêm hè sau cuối, chuyển sang Mộng ước không xa vời rất nhịp nhàng để rồi khép lại đầy hứng khởi cùng Góc phố danh vọng. 

{keywords}
Hình ảnh trong vở 'Góc phố danh vọng'

Qua ba vở diễn, HOPE đã xây dựng được những nhân vật rất độc đáo, để lại dấu ấn sâu đậm với khán giả như bà Thìn uy quyền, bà Tị luôn tỏ ra lanh lợi, khôn ngoan, mợ Vân nham hiểm – sexy, Roxanne yêu kiều – quyến rũ, Flynn si tình, Doctor Dung điên loạn, Màu Hồng hồn nhiên, tưng tửng… Ngay cả dàn nhân vật phụ như bầy chim non thích “quẩy” của Góc phố danh vọng, từ hai hầu gái của mợ Vân trong Đêm Hè sau cuối đến hai nam y tá của Doctor Dung trong Mộng ước không xa vời cũng để lại nhiều ấn tượng và tiếng cười. 

Sau đêm Vỹ thanh, không chỉ Nguyễn Phi Phi Anh mà cả dàn diễn viên cũng cho thấy sự trưởng thành qua thời gian, theo từng đêm diễn. Mặc dù tổng thể đôi chỗ vẫn hơi dài và lan man nhưng điểm quan trọng nhất của Vỹ thanh là giữ được “lửa” đam mê khiến khán giả “lên đồng” theo đến phút cuối cùng. 

{keywords}

Các nhân vật ở ba câu chuyện khác nhau khi kết hợp lại, cùng đứng trên một sân khấu đã có sự phối hợp rất mượt, rất khít. Thậm chí, họ diễn, hát và múa hồn nhiên, tùy hứng như giỡn. Sự thả lỏng, duyên dáng và thăng hoa của diễn viên và nhạc công đêm 12 khiến khán giả bất ngờ và thán phục.  

Có những diễn viên phải đóng nhiều vai như Hứa Thanh Tú (vai mợ Vân, Mina), Trương Hoàng An (vai Đào, Doctor Dung) hay hai diễn viên diễn cả ba vở là Minh Quân Bùi và Quân Lee đều bóc tách được từng nhân vật mà họ thể hiện rất tốt dù đang diễn trong cùng một câu chuyện. Nhiều màn kết hợp gây bất ngờ mạnh mẽ như lúc Roxanne được êkíp của Doctor Dung chữa bệnh bằng ca khúc Stronger (Kelly Clarkson). 

Đi qua 35 đêm diễn vắt từ tháng 10,11/ 2016 sang đến tháng 2,3,4/2017, ba vở diễn riêng biệt  của PPAN từng nhận vô số lời khen nhưng cũng không ít ý kiến trái chiều. Bằng con mắt của một đạo diễn trưởng thành và đã có nhiều kinh nghiệm qua 35 đêm diễn, Nguyễn Phi Phi Anh biết chắt lọc những cái tinh túy nhất ở cả ba vở để đưa vào kịch bản Vỹ thanh. Không còn quá gồng như cách thể hiện từ 5 năm trước, sự trưởng thành của Phi Anh thể hiện ở cách tiết chế chi tiết và tạo nên những cảm xúc “ đủ và đỉnh” cho Vỹ thanh.

Vẫn mang dấu ấn cá nhân nhưng hướng tới khán giả nhiều hơn, Vỹ thanh khép lại với cảm xúc dữ dội và đầy nhiệt huyết tuổi trẻ khi những giai điệu của hai ca khúc Teenage Dream – The Edge of Glory vang lên. Khán phòng như vỡ òa khi cả dàn diễn viên lẫn khán giả cùng đứng lên nhún nhảy, hò reo. Đó chính là những cảm xúc quý giá nhất của nhạc kịch, khi người diễn và người xem cùng tương tác. 

Cá nhân người viết bài cho rằng, đúng vào đêm diễn cuối cùng ấy, tên gọi “Mộng ước không xa vời” mới phát huy hết ý nghĩa của nó. Một dự án đầy tâm huyết, đầy mơ mộng và hoài bão nhưng không hão huyền của một êkíp còn rất trẻ. 

{keywords}
Đạo diễn 9x Nguyễn Phi Phi Anh

Trộm nghĩ, khúc vỹ thanh sẽ rất tuyệt vời nếu Đêm hè sau cuối, Góc phố danh vọng, mộng ước không xa vời và “The Sound Of Hope” HOPE được diễn riêng và trình diễn thêm nhiều lần nữa nhưng điều đó không chỉ phụ thuộc vào Nguyễn Phi Phi Anh. 

Ở tuổi 26, đạo diễn 9x chắc chắn đã tìm được những mộng ước riêng và sẽ tiếp tục theo đuổi, dù là ở nhạc kịch hay điện ảnh đi chăng nữa. 

HOPE rồi cũng qua đi nhưng niềm hy vọng và mộng ước mãi ở lại, khó phai như khúc vỹ thanh tuổi trẻ, của tình yêu và ước mơ đầy khát vọng, đam mê của “PPAN và đồng bọn.” 

Nguyên Minh