Ngày 2/11, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây thị và cây gạo trong khuôn viên chùa Đống Phúc (Quảng Yên, Quảng Ninh).
Trong đó, cây thị có tuổi đời hơn 900 năm ở chùa Đống Phúc gắn liền bến Bạch Đằng Giang nơi làng cổ An Hưng ủng hộ cho nghĩa quân của Trần Hưng Đạo trong cuộc chiến lần thứ ba đánh tan quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng. Nó gắn liền với lịch sử dân tộc, gắn liền lịch sử vùng đất này và gắn liền di tích chùa Đống Phúc, di tích quốc gia Bạch Đằng Giang.
Thượng tọa Thích Thanh Lịch, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Trụ trì chùa Đống Phúc cho biết, đây là niềm tự hào chung của tất cả nhân dân trong vùng, cũng là sự động viên lớn đối với tăng ni Phật tử của chùa. Sự công nhận này sẽ góp phần bảo vệ cây quý, khơi dậy tinh thần bảo vệ môi trường, giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ các di sản của cha ông.
"Tại Quảng Yên đã có hai cây lim được công nhận cây di sản, thêm hai cây nữa ở chùa Đống Phúc khiến nhân dân nơi đây rất phấn khởi, tự hào với truyền thống lịch sử lâu đời, có ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Bồi bổ tinh thần yêu mến lịch sử quê hương cho người dân phật tử tín đồ, bồi dưỡng tinh thần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống chúng ta. Theo quan điểm đức Phật, con người phải sống hài hoà gắn bó với thiên nhiên mới có sự an lạc hạnh phúc thực sự", Thượng toạ Thích Thanh Lịch chia sẻ.
Theo Thượng toạ Thích Đạo Hiển, Phó trưởng ban kiêm chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh: Cây thị rất có ý nghĩa, là cây quý theo quan điểm Phật giáo, gỗ thị là loại gỗ duy nhất để khắc ván in kinh của các vị Tổ Phật giáo xưa kia. Gỗ thị rất đẹp, bền, không bị mối mọt, nứt, co giãn... nên được các vị tổ sư in dập các bản kinh điển đạo Phật. Đây là loại gỗ quý của nhà chùa.
"Cây gạo của chùa Đống Phúc có lịch sử hơn 400 năm, là cây hồn quê của dân tộc mình. Tâm hồn người Việt gắn với cây gạo, biểu tượng cho sự phồn thịnh, sung túc, no ấm của người Việt. Người Việt mong cầu cuộc sống có sự no đủ về thực phẩm lúa gạo, cây gạo gắn với biểu tượng no ấm, bền vững của người dân Việt Nam. Hoa gạo gắn với tình cảm, tinh thần của người Việt. Có câu dân ca: Mười hai bến nước con ơi/ Bến nào hoa gạo chẳng rơi cháy lòng. Hoa gạo đi vào tâm thức, tình cảm, văn thơ của người Việt, gắn bó với ký ức của người Việt.
Hiện nay Quảng Yên đang đô thị hoá nhưng vẫn giữ được những di tích, di sản như thế này là điều quý báu. Nó là di sản sống, là minh chứng cho lịch sử hùng hồn và lâu đời của vùng đất Quảng Yên lịch sử, càng có ý nghĩa hơn khi giữ được lịch sử, giữ được nét hồn quê. Những cây cổ thụ này là hồn cốt của các di tích, mà hiện nay đôi khi bị nhiều người bỏ quên", Thượng toạ Thích Đạo Hiển cho biết.
Có mặt tại lễ trao bằng, ông Đặng Huy Huỳnh - Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN khẳng định trải qua bao thăng trầm của lịch sử mà "cụ thị", "cụ gạo" vẫn phát triển xanh tốt, toả bóng mát cho bà con là điều vô cùng hạnh phúc. "Cụ thị", "cụ gạo" vẫn hiển hiện như là một minh chứng lịch sử, góp phần nâng tổng số cây di sản Việt Nam lên con số hơn 4.000.
Ngoài 2 cây thị, cây gạo trong khuôn viên chùa Đống Phúc, thị xã Quảng Yên còn lưu giữ 2 cây lim Giếng Rừng 700 năm tuổi, chứng tích của bãi cọc Bạch Đằng. Đây sẽ là các điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử ý nghĩa cho Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng.
Chùa Đống Phúc nằm sát bến Rừng, bên ngã ba tả ngạn sông Bạch Đằng, thuộc làng An Hưng cổ, nay thuộc phường Yên Giang, TX Quảng Yên (Quảng Ninh). Theo bia đá ghi lại trong chùa, ngôi chùa có từ thời nhà Lý - gắn liền với trận chiến lừng lẫy của Trần Hưng Đạo trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Tương truyền, nơi đây đã được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các bộ tướng đến lễ Phật cầu quốc thái dân an trước trận Bạch Đằng lịch sử năm 1288 và cũng là nơi lập đàn cầu siêu cho các chiến sĩ trận vong sau đó. Vì vậy, chùa mặc nhiên trở thành nơi ghi dấu thiêng và tưởng niệm đại thắng này.
|
Tình Lê
Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay
Triển lãm “Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay” đã khai mạc chiều 31/10, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.