Các đại biểu trong hội nghị. |
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP được xây dựng đạt mục đích định hướng phát triển nghệ thuật, phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.
Nghị định đã thống nhất hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại, đầu tư kinh doanh, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường nghệ thuật biểu diễn và tiến tới hội nhập nền thương mại toàn cầu.
Theo đó, nghị định 144/2020 so với các văn bản trước đây được điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế, thống nhất với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
Cụ thể, Nghị định sẽ cắt giảm và đơn giản hoá nhiều thủ tục hành chính để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước; khắc phục vấn đề tác động giới và quy định điều kiện bao quát hơn đối với thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu; quy định cụ thể các trường hợp dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thu hồi danh hiệu, giải thưởng, huỷ kết quả cuộc thi, liên hoan được tổ chức tại Việt Nam; áp dụng biện pháp hậu kiểm đối với hoạt động lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật; quy định biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên hệ thống phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử…
Một điểm được đánh giá là cốt lõi trong nội dung đổi mới của Nghị định 144 là việc phân cấp trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với những hoạt động nghệ thuật biểu diễn tại địa phương đó.
NSƯT Trần Ly Ly. |
Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng cần thắt chặt công tác kiểm soát, quản lý về nội dung biểu diễn nghệ thuật của các đơn vị.
Đại diện Sở Văn hoá Hà Nội đồng tình với những sửa đổi mới của Nghị định 144/2020. So với trước đây, những thay đổi trong nghị định có nhiều ưu điểm, tạo điều kiện hơn cho các nghệ sĩ, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật.
Tuy nhiên, ông cũng nêu ý kiến trái chiều về việc đưa các chương trình thời trang xếp vào danh sách những hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Đồng thời, đại biểu bày tỏ mong muốn quy định sát sao việc hơn về kiểm duyệt nội dung trước khi cấp phép: “Thực trạng ngày nay cho thấy chúng ta khó kiểm soát được về nội dung biểu diễn, từ trang phục tới bài hát của các ca sĩ. Ví dụ các bài hát có lời bằng tiếng Anh chúng ta cần yêu cầu dịch ra tiếng Việt để dễ quản lý và kiểm tra nội dung”.
Hội nghị cũng ghi nhận được thái độ bức xúc của đại diện các cơ quan quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật trước tình trạng các đoàn hát tư nhân “treo đầu dê, bán thịt chó”.
Phó giám đốc Sở VH&DL Hà Giang, bà Triệu Thị Tình bộc bạch: “Cần làm chặt chẽ việc xử lý sai phạm khi xin cấp phép biểu diễn. Nhiều đoàn nghệ thuật tư nhân thường lên xin phép một nội dung, đến lúc trình diễn lại là nội dung hoàn toàn khác. Họ quảng cáo với người dân là mời ca sĩ nọ, nghệ sĩ kia rồi đến buổi diễn lại viện nhiều lý do cáo lỗi. Nhiều lần như vậy là thành lừa đảo, người dân họ phàn nàn rất nhiều”.
Tại hội nghị, các đại biểu tham gia đóng góp nhiều ý kiến về nghị định mới. Chia sẻ với VietNamNet, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam NSƯT Trần Ly Ly cho biết : “Mặc dù chưa có nhiều thời gian để hiểu về nghị định, nhưng qua sự phổ biến từ ban ngành, tôi thấy nghị định mới đã nới rộng khung quy định hoạt động cho anh chị em nghệ sĩ, giúp chúng tôi được sáng tạo nhiều hơn. Thế nhưng vì những nới rộng quy định nên cũng sẽ tồn tại nhiều nguy cơ xấu”.
Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định số 144/2020/NĐ-CP tại Đà Nẵng vào 7/4 và tại TP.HCM vào 9/4.
Phương Linh - Mỹ Duyên
Cuộc sống của NSND Diệp Lang và vợ trên đất Mỹ ra sao?
10 năm sang Mỹ định cư cùng gia đình, NSND Diệp Lang mong mỏi trở về thăm quê. Thế nhưng ước nguyện mãi không thực hiện được do ông tuổi già, sức yếu.