Trong 20 tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, những công nghệ tưởng như tới từ tương lai đã dần xuất hiện và trở nên phổ biến. Ngày nay, dường như những việc như quét mã QR hay hộ chiếu vaccine điện tử đã không còn xa lạ với nhiều người.

Ngành du lịch thế giới năm 2020, lần đầu tiên ghi nhận lượng khách quốc tế sụt giảm kỷ lục tới hơn 1 tỷ lượt so với năm 2019. Có thể việc sử dụng khẩu trang nơi công cộng sẽ không còn bắt buộc ở nhiều điểm đến nhưng những ứng dụng công nghệ dưới đây sẽ tiếp tục có mặt trong các hành trình du lịch trong tương lai.

{keywords}

Steve Shur, Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ Du lịch cho biết 'Người tiêu dùng sẽ mong đợi những công nghệ khiến họ tự tin hơn khi đi du lịch. Và một số thay đổi đáp ứng được điều này chắc chắn vẫn sẽ tồn tại'.

Trên thực tế, Pew Research đã tiến hành một cuộc khảo sát với 915 nhà lãnh đạo chính sách, nhà nghiên cứu khoa học cũng như các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau và tất cả đều dự đoán rằng, vào năm 2025, cuộc sống hàng ngày của chúng ta thậm chí có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các thuật toán, công việc từ xa và điều mà một số người hiện nay vẫn nói tới là 'viễn thông mọi thứ'.

Mặc dù, các công nghệ như kiểm soát hộ chiếu nhận dạng khuôn mặt có thể giúp việc đi lại an toàn hơn và hiệu quả hơn, nhưng vẫn có những mặt trái bao gồm lo ngại về quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu và công nghệ thiên vị. Dưới đây là một số đổi mới công nghệ mà các du khách có thể tìm hiểu thêm và cân nhắc khi sử dụng.

{keywords}

Khi đại dịch toàn cầu khiến nhiều hoạt động du lịch bị đóng băng thì các bảo tàng và điểm đến nổi tiếng đã tích cực sử dụng thực tế tăng cường (Augmented reality) và thực tế ảo (Virtual Reality) để triển khai những buổi triển lãm hay các trải nghiệm trực tuyến.

Xplore Petra, một ứng dụng ra mắt tháng 6/2020, mang tới cho người sử dụng trải nghiệm khám phá những điểm khảo cổ nổi tiếng nhất Jordan được tái hiện tinh xảo tới từng chi tiết nhỏ nhất của các đống đổ nát. Hay Lights over Lapland, một công ty du lịch ở Bắc Cực đã cho ra mắt trải nghiệm VR để thể hiện vẻ đẹp huyền ảo của Cực quang.

{keywords}

Hậu đại dịch, VR và AR có thể nâng tầm các chuyến đi thực tế bằng cách thêm vào những trải nghiệm mới như mô phỏng hành trình leo lên đỉnh Matterhorn thuộc Bảo tàng Giao thông Thụy Sĩ của Lucerne. Bảo tàng Hunt ở Limerick, Ireland cũng phát triển một dịch vụ thực tế ảo cho phép du khách thưởng lãm vẻ đẹp của kiệt tác tranh hơn 500 năm tuổi của Hieronymus Bosch.

{keywords}

Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Paris cũng có một triển lãm AR về các loài động vật đã tuyệt chủng. Hay Bảo tàng Quốc gia Singapore đã phát triển một ứng dụng mang tên 'Câu chuyện của rừng', nơi du khách sẽ lạc vào một khung cảnh ảo được tạo ra từ gần 70 bức vẽ thiên nhiên trong bộ sưu tập của bảo tàng.

Trong khi đó Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia của Viện Smithsonian ở Washington.DC đã sử dụng AR để tái hiện những loài động vật từ thế kỷ 19 bằng chính các bộ xương được trưng bày tại đây.

{keywords}

'VR sẽ không thể thay thế du lịch truyền thống nhưng chắc chắn vẫn hiện diện trong đó không thể tách rời', Anu Pillai, CEO điều hành Trung tâm Kỹ thuật số tại Wipro cho biết.

{keywords}

Để giúp quản lý tốt hơn việc đảm bảo giãn cách, nhiều thành phố, các sân bay và bảo tàng trên thế giới đã thử nghiệm và triển khai công nghệ kiểm soát đám đông bằng các robot chuyển vùng, thông báo bằng cảm biến khi nhận thấy mức độ đông đúc quá giới hạn.

{keywords}

Khi lượng lớn khách du lịch trở lại các điểm đến nổi tiếng ồ ạt sau đại dịch, những phương pháp và thiết bị tương tự được cho là sẽ giúp ngăn chặn tình trạng du lịch quá mức.

Venice là một trong những thành phố du lịch theo dõi, giám sát lượng khách du lịch bằng hàng loạt các camera cảm biến. Từ đó, nhà chức trách có thể đưa ra những kế hoạch quản lý và giới hạn lượng khách cho phép. Ngoài ra, họ cũng cho đặt những cổng điện tử tại các lối vào chính của thành phố để kiểm soát triệt để lượng người ra vào.

Simone Venturini, quan chức du lịch hàng đầu của Venice trả lời New York Times 'Chúng tôi biết từng phút có bao nhiêu người đang đi qua và họ sẽ đi đâu. Do đó có thể kiểm soát hoàn toàn thành phố'.

{keywords}

Amsterdam, cũng là một trong những thành phố đang phải vật lộn với vấn nạn du lịch quá mức, đã phải tiến hành hàng loạt các biện pháp như kiếm soát lượng khách du lịch bằng việc phát hành những Thẻ Thành phố của Amsterdam, thu phí cố định vào các viện bảo tàng và phương tiện giao thông công cộng. Beach Check UK vừa được ra mắt vào mùa hè này sẽ thông tin chi tiết nhất về mức độ đông đúc của hàng chục bãi biển dọc bờ biển Anh và hướng dẫn du khách nên tránh đi vào các khu vực này giờ cao điểm.

Christopher Imbsen, Giám đốc Phụ trách Du lịch Bền vững tại World Travel & Tourism Council cho biết 'Công nghệ có thể thu thập dữ liệu và phân tích nhằm giúp con người đưa ra các quyết định tốt hơn'.

{keywords}

Hàng loạt các bệnh viện trên thế giới đã sử dụng phương pháp chiếu xạ diệt khuẩn bằng tia cực tím UV-C trong suốt hơn hai thập kỷ qua. Giờ đây, công nghệ này đang được sử dụng rộng rãi hơn ở khắp các sân bay, phòng gym, rạp chiếu phim để ngăn ngừa sự lây lan của virus.

Peter Veloz, Giám đốc điều hành của UltraViolet Devices, công ty sản xuất công nghệ khử trùng bằng tia cực tím cho biết 'Công nghệ làm sạch UV-C đang ở thời kỳ hoàng kim'.

{keywords}

UV-C có đặc tính diệt khuẩn chống lại COVID-19 và các chất độc hại khác, cả trong không khí và trên các bề mặt. Tùy thuộc vào vị trí, các thiết bị UV-C sẽ được lắp đặt trên tay vịn thang cuốn hoặc thông qua các robot được trang bị ánh sáng để khử trùng khi chúng di chuyển tại các sân bay.

Nếu được lắp đặt và vận hành đúng cách, hệ thống UV-C có thể tiêu diệt tất cả các loại vi khuẩn và vi trùng. Ngay cả những con bọ cúm theo mùa cũng có thể bị tiêu diệt trước khi chúng bắt đầu lây lan. 'COVID-19 có thể đến và đi, nhưng thứ sẽ không biến mất là những mầm bệnh bình thường', Veloz nói.

{keywords}

Mã QR hay mã phản hồi nhanh là một loại mã vạch ma trận hai chiều mà người sử dụng có thể thao tác đơn giản bằng các thiết bị thông minh. Đây là công nghệ được sử dụng rộng rãi nhất tại các nhà hàng từ những ngày đầu của đại dịch.

{keywords}

Tuy nhiên, sự tiện lợi này cũng đồng nghĩa với việc quyền riêng tư của một lượng lớn những người sử dụng trên thế giới đang bị thu thập. Các du khách cũng nên biết rằng mã QR có thể bị tấn công và xâm phạm trái phép vào các tài khoản thẻ tín dụng. Do đó, các chuyên gia khuyên bạn nên cài đặt thêm những ứng dụng bảo mật như Kaspersky QR Scanner để đưa ra cảnh báo khi phát hiện mã không an toàn.

{keywords}

Những ứng dụng theo dõi và phát hiện các ca nhiễm bệnh 'nở rộ' trong đại dịch. Những tập đoàn công nghệ lớn như Apple hay Google cũng đã thêm chức năng theo dõi liên lạc vào phần mềm của những dòng điện thoại thông minh mới, cho phép người dùng lựa chọn tham gia để nhận cảnh báo nếu họ tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh.

{keywords}

Elizabeth Ruebush, một nhà phân tích cấp cao về bệnh truyền nhiễm và chính sách tiêm chủng tại Hiệp hội các quan chức y tế vùng lãnh thổ và bang Mỹ cho biết 'Chúng tôi chưa từng thấy công nghệ nào phát triển nhanh chóng trong thời gian đại dịch diễn ra nhanh như công nghệ theo dõi này'.

Các công nghệ khác, chẳng hạn như văn bản tự động, bản đồ nhiệt virus hay thậm chí cả camera quan sát với tính năng nhận dạng khuôn mặt có thể theo dõi các bệnh truyền nhiễm khác hoặc giúp chúng ta sẵn sàng đối mặt với những đại dịch tiếp theo trong tương lai.

Đỗ An (Theo National Geographic)