Trong nhiều thập kỷ qua, thủ đô Paris của nước Pháp phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng cùng nhiều công trình xây dựng được triển khai. Tuy nhiên, thành phố đã trở nên 'xanh' và bớt ô nhiễm hơn nhờ những lệnh giãn cách xã hội được ban hành nhằm tránh sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Theo kế hoạch mới được công bố, chính quyền Paris muốn giảm thiểu tối đa lượng ô tô và biến nơi đây thành điểm đến có thể 'đạp xe 100%' vào năm 2026.
Với tổng mức đầu tư lên tới 250 triệu euro (tương đương 291 triệu đôla Mỹ), Pháp sẽ triển khai một đợt nâng cấp lớn về cơ sở hạ tầng dành riêng cho xe đạp để Paris trở thành một trong những thành phố thân thiện với xe đạp nhất thế giới.
Tổng cộng sẽ có 180 km làn đường riêng biệt dành cho xe đạp được xây mới cũng như 450 km các tuyến đường đi kết hợp. Theo báo cáo, 60 km đường mới dành cho xe đạp đã được xây dựng trong thời gian đại dịch diễn ra. Thành phố cũng sẽ bổ sung thêm 130.000 điểm đậu xe mới dành cho những người đi xe đạp.
Đây được coi là nỗ lực chính quyền thủ đô Paris trong việc tìm cách thay đổi tư tưởng của người dân với loại phương tiện thân thiện với môi trường này. Các đường phố mới cũng sẽ được ưu tiên hơn cho những người đi xe đạp hay sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt hay xe điện. Toàn bộ 20 quận của Paris cũng đều sẽ có những xưởng đầy đủ dụng cụ để người dân có thể tự sửa chữa xe đạp.
'Thủ đô xe đạp' là một trong rất nhiều sáng kiến của kế hoạch nhằm biến Paris thành một điểm đến thân thiện với môi trường trước thềm Thế vận hội Mùa hè 2024. Ngoài ra, giới chức thành phố này cũng phát động một chương trình trồng hơn 170.000 cây mới trên toàn thủ đô bên cạnh tuyên bố cấm triệt để ô tô trong bốn khu vực thí điểm.
Từ năm 2024, tất cả ô tô chạy bằng động cơ diesel sẽ bị cấm vào thành phố và đến năm 2030 ô tô chạy bằng xăng cũng sẽ bị cấm hoàn toàn ở Paris.
Thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo đã luôn ưu tiên những kế hoạch bảo vệ môi trường và mong muốn biến thủ đô nước Pháp thành 'thành phố xanh nhất Châu Âu' vào năm 2030.
Đối với những người đam mê xe đạp thì đây như một giấc mơ thành hiện thực. Nhưng cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp hiện tại của Paris vẫn còn 'khập khiễng' so với hình ảnh lấp lánh của thành phố trên toàn thế giới. Ngoài ra, kế hoạch này vẫn còn cần được Hội đồng thành phố xem xét và chính thức phê duyệt.
Tuy nhiên, theo truyền thông, chưa một thành phố nào trên thế giới có những bước đi táo bạo và chủ động như Paris. Dù trước đó, Amsterdam cũng đã cố gắng hạn chế du lịch đông đúc bằng việc cấm người dân cho thuê Airbnb ở một số quận. Hay Barcelona cũng lên kế hoạch tạo ra 21 quảng trường xanh mới cho người dân đi bộ.
Đỗ An (Tổng hợp)