Trở về nhà sau hành trình 2 ngày 1 đêm chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San (2.965 m) - đỉnh núi cao thứ 9 tại Việt Nam thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, chị Nguyễn Thị Thăng Long (Trang Long) vẫn chưa hết xúc động.
Đây là chuyến leo núi "bão táp" với chị khi thời tiết thay đổi đột ngột, cực kì khắc nghiệt, lạnh giá. Nhưng bù lại, chị không chỉ được ngắm tuyết rơi mà còn tận mắt chứng kiến "khu rừng thủy tinh trong truyền thuyết" trên đỉnh núi.
Chị Trang Long chụp ảnh khi tuyết rơi trên đường chinh phục Nhìu Cồ San
Nhìu Cồ San trong tiếng dân tộc H'Mông có nghĩa là "sừng trâu". Núi nằm ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cách Sa Pa khoảng 60 km.
Chị Long đã lên kế hoạch cho chuyến đi Nhìu Cồ San từ trước Tết Nguyên Đán. Chị và các thành viên trong nhóm tập luyện thể lực, chuẩn bị tư trang rất kĩ càng.
"Nhóm mình dự định đi săn mây và ngắm hoa đỗ quyên sớm. Nhưng trước ngày khởi hành một tuần thì thời tiết thay đổi, dự báo mưa to, gió lạnh tràn về, thêm vào đó là nhiều thành viên nhiễm Covid-19", chị Long cho biết.
Ngày khởi hành, cả nhóm chỉ còn 10 thành viên. Đoàn di chuyển từ Sàng Ma Sáo vào chân núi Nhìu Cồ San bằng xe ôm. Quãng đường 7km gập ghềnh, nhiều đoạn chị Long cảm giác như "sắp bắn khỏi xe", "bật tung lên không trung".
Trời mưa lớn tầm tã. Khi đoàn đến chân núi thì một số porter dẫn đường cho biết, cây cầu trên cung đường Thác Ong nhóm định đi đã bị sập, nước dâng cao, rất nguy hiểm. Cả đoàn đành quay ngược lại, chuyển sang cung đường qua bãi thả dê.
Thời tiết khắc nghiệt nhưng cả đoàn đều động viên nhau cố gắng, biết đâu may mắn có thể gặp "khu rừng thủy tinh trong truyền thuyết" và thấy tuyết rơi
Theo chị Long kể, sau khoảng nửa tiếng leo núi, cơn mưa bắt đầu nhỏ đi, sương tan dần, tầm nhìn rộng hơn. Lúc này cả đoàn mới nhận ra con đường phía trước là dốc đứng, toàn sình lầy. "Gần như mình leo bằng cả chân và tay. Dự định ban đầu là đoàn sẽ mất 4 giờ để đến lán nghỉ nhưng nhóm mình đi mất 6 giờ", chị nói.
Khi đoàn chị Long đến lán thì trời bắt đầu đổ mưa lớn, nhiệt độ giảm sâu nhanh chóng. Cả đoàn tranh thủ ăn tối, thay quần áo đã ướt, và vào trong chăn nằm giữ ấm. "Đến 12 giờ đêm, mưa đổ ào ào, gió giật mạnh và rít lớn. Tiếng mưa đập vào mái tôn ầm ầm làm mình lo sợ. Mình hoang mang không biết ngày mai có thể tiếp tục chinh phục đỉnh núi hay không", chị Long nhớ lại.
5h sáng hôm sau, các porter đánh thức cả đoàn. Lúc này, nhiệt độ trong lán khoảng 2 độ C. "Các porter thông báo tình hình thời tiết và nói: ai còn đủ sức thì dậy ăn sáng, tiếp tục leo lên đỉnh núi. Dự kiến thời gian leo khoảng 2 tiếng. Nếu ai cảm thấy không khỏe thì có thể ở lại lán chờ mọi người", chị Long kể.
Lúc đó, không khí trong lán khá trầm. Mọi người đắn đo việc đi tiếp hay quay đầu do thấy thời tiết quá khắc nghiệt. Đúng lúc này, ai đó phía ngoài lán reo lên: "Nước đóng băng rồi".
"Nghe thấy vậy, không ai bảo ai, cả đoàn bật dậy sửa soạn, ăn sáng, tưng bừng khí thế lên đường", chị Long chia sẻ.
Nhóm chị Long có một số thành viên cao tuổi nên tốc độ di chuyển khá chậm, bị tụt lùi phía sau so với các đoàn khác. "Trời lạnh, đường trơn trượt nên bản thân mình cũng dò dẫm từng bước một", chị Long kể.
Bỗng nhiên, một vài thành viên nhận ra có tuyết rơi. Ban đầu, họ còn nửa tin nửa ngờ, tưởng đây là cơn mưa đá. Tuy nhiên, tuyết rơi ngày càng nhiều và hiện rõ màu trắng trên những đôi găng tay đen. "Đúng tuyết thật rồi! - một bạn porter nói. Cả đoàn bỗng hò reo như những đứa trẻ, thích thú ngắm, chụp ảnh. Khoảnh khắc thấy tuyết rơi như liều thuốc tăng lực giúp đánh tan mệt mỏi", chị Long hạnh phúc nhớ lại.
Sau khi đón tuyết rơi, cả nhóm tiếp tục leo lên đỉnh núi. Lúc này, xuất hiện trước mắt chị Long và cả nhóm là rừng băng trắng muốt. Lần đầu tiên chị Long chứng kiến nhiều hoa, lá, cây, cỏ đóng băng, trong veo như vậy. Đây chính là hình ảnh "khu rừng thủy tinh" mà những người mê leo núi hay truyền tai nhau.
Bất chấp sình lầy lạnh buốt, ai cũng tranh thủ chụp ảnh kỉ niệm. "Cả đoàn chụp ảnh đến khi tay tê cứng, cước đỏ lên mới đi tiếp. Ai cũng hân hoan nên cùng nhau vượt dốc cao, trơn, lầy, quyết chạm đỉnh Nhìu Cồ San. Cuối cùng, đoàn mình tới đỉnh sau 4 giờ", chị Long chia sẻ.
Cây cối đều phủ băng
"Đường lên Nhìu Cồ San rất trắc trở, phải băng qua các địa hình khác nhau: rừng già, thác, suối, đường đá, dốc đứng... nhiều đoạn không có đường mòn. Cung đường càng khó gấp bội khi gặp mưa lớn, rét đậm rét hại. Nhưng những người bạn đồng hành của mình thật gan dạ, không hề nghĩ tới hai từ bỏ cuộc, luôn lạc quan trong buốt giá. Khung cảnh thiên nhiên kì vĩ hiện ra như là phần quà dành cho sự cố gắng của nhóm", chị Long chia sẻ.
Chị Long bắt đầu hứng thú với những chuyến đi từ khi 13 - 14 tuổi. Năm 2010, khi 24 tuổi, chị Long lần đầu tiên "bén duyên với núi rừng". Năm đó chị chinh phục đỉnh Fansipan cùng một nhóm khoảng 60 thành viên. Đêm đầu tiên, trời đổ mưa lớn, nhiệt độ giảm đột ngột, 1/3 số thành viên rút lui, từ bỏ mục tiêu chạm đến "nóc nhà của Đông Dương".
Chưa nhiều kinh nghiệm, thể lực còn yếu nhưng chị Long vẫn "vừa leo, vừa bò", quyết lên đỉnh Fansipan. Sau chuyến đi ấy, chị bắt đầu "nghiện" leo núi và chinh phục để thách thức bản thân.
"Lần đầu leo núi, điều mình sợ nhất không phải lạnh, mưa... mà là "vắt". Đến giờ đi nhiều chuyến, mình vẫn ớn lạnh khi thấy vắt", chị Long chia sẻ. Sau này chị Long từng chinh phục nhiều tuyến trekking khác nhau.
"Nếu chưa từng xuống nước, bạn không thể biết nước mát thế nào. Nếu chưa từng ở trên đỉnh núi cao, bạn sẽ khó tưởng tượng những ngôi sao đêm lấp lánh ra sao. Và nếu chưa từng trekking, bạn sẽ khó mà hiểu hết những cảm xúc sau hành trình trải nghiệm gian nan, "hành xác" ấy hạnh phúc đến đâu. Với mình, mối chuyến đi không phải chỉ để chinh phục mà còn để khám phá, khám phá chính bản thân kỳ diệu của mình!", chị Trang Long chia sẻ.
Linh Trang