Sáng nay, một trận cãi vã lớn đã xảy ra trong gia đình tôi. Mới sáng sớm, tôi không muốn căng thẳng nhưng mọi chuyện như giọt nước tràn ly, khiến tôi không thể kiềm chế được. Nguyên nhân cũng là do sự thiếu minh bạch trong việc chi tiêu của vợ tôi. Tôi xin chia sẻ để độc giả cùng phân giải giúp…

{keywords}
 

Vợ chồng tôi kết hôn cách đây 3 năm. Tôi hơn vợ 7 tuổi vì vậy khi tôi đi làm và thành lập một công ty riêng thì vợ tôi vẫn đang học ở một trường cao đẳng. Do cô ấy có bầu nên chúng tôi làm đám cưới khi cô ấy chưa tốt nghiệp. Sau khi ra trường, bận con nhỏ nên vợ tôi cũng không đi xin việc ở đâu. Cô ấy đồng ý ở nhà chăm con đến khi cháu đi nhà trẻ, mới đi làm.

Đợt đó, tôi kiếm ra tiền nên cũng không muốn vợ con vất vả. Nhờ bố mẹ tôi hỗ trợ, chúng tôi cũng may mắn có xe và nhà riêng. Hàng tháng, tôi đưa cho cô ấy 25 triệu đồng để chi tiêu các khoản như bỉm, sữa cho con, đi chợ… cho gia đình gồm 2 vợ chồng và con nhỏ. Ngoài ra, các khoản tiền khác như mua sắm nội thất, quần áo, đối nội đối ngoại, ăn uống nhà hàng, du lịch… đều do tôi chi trả.

Khi quen nhau, tôi cũng biết hoàn cảnh của gia đình vợ không mấy dư giả nhưng vì yêu cô ấy nên tôi hoàn toàn không có sự so đo, tính toán. Không chỉ vậy, suốt 3 năm kết hôn, tôi cũng thường xuyên biếu tiền bố mẹ vợ. Có lần, mẹ vợ bị mất điện thoại, tôi biếu bà tiền mua cái mới.

Thấy bộ bàn ghế nhà vợ cũ, tôi cũng chi tiền đặt mua bộ mới tặng ông bà. Em gái vợ muốn đổi xe máy, tôi cũng hỗ trợ hơn một nửa. Thậm chí, đường dẫn vào nhà vợ là đường đất, trời mưa thì lầy lội, ngày nắng thì bụi mù. Nhiều lần về, thấy bố mẹ vợ than vãn, tôi cũng đứng ra kêu gọi mấy hộ xung quanh chung nhau làm đường.

Bản thân tôi bỏ ra một nửa kinh phí để làm. Việc này khiến bố mẹ vợ vô cùng nở mày nở mặt. Đặc biệt khi hàng xóm khen ông bà có con rể thoáng tính.

Như vậy, tôi không hề so so, tính toán hay keo kiệt với nhà vợ. Vậy mà vợ tôi lại làm những điều khiến tôi vô cùng bức xúc. Trước mặt, mỗi khi tôi đề xuất biếu nhà vợ cái này, cái kia, cô ấy đều chối từ. Cô ấy bảo: “Ông bà khó khăn nhưng vẫn còn sức lao động, anh không phải biếu đâu”.

Nhưng sau lưng, vợ tôi lại âm thầm chuyển tiền về cho gia đình. Khoản chi tiêu do chồng đưa hàng tháng, cô ấy đều bớt 1/3 để chuyển về cho nhà mẹ đẻ. Vì vậy, tháng nào cô ấy cũng kêu hết tiền chi tiêu và tôi phải đưa thêm.

Ngoài ra, những lần bố mẹ chồng tôi cho tiền cháu, vợ tôi đều cầm hết. Cô ấy không chi tiêu, mua sắm cho con như lời bố mẹ chồng dặn mà âm thầm biếu lại bố mẹ đẻ.

Do con gái chu cấp nên bố mẹ vợ tôi nghỉ hẳn việc làm thuê. Ông bà sống bằng số tiền con gái gửi về hàng tháng.

Tôi rất bực cái kiểu lén lút của vợ nên đôi lần bóng gió, bảo cô ấy làm gì cũng nên minh bạch, báo hiếu cha mẹ là điều nên làm nhưng đừng giấu giếm làm mất lòng tin giữa hai vợ chồng. Nhưng vợ tôi “vâng, dạ” rồi đâu lại vào đấy.

Nếu như chuyện làm ăn thuận buồm xuôi gió, tôi cũng âm thầm bỏ qua nhưng gần đây việc làm ăn của tôi không thuận lợi. Tôi buộc phải cắt giảm các khoản chi tiêu nhưng vợ tôi không chịu hiểu.

Cô ấy vẫn tìm cách lén lút gửi tiền về cho nhà đẻ. Không chỉ gửi tiền ăn uống, mua sắm vật dụng cô ấy còn cho bố mẹ đi du lịch, tiền ma chay, hiếu hỉ, sửa căn bếp mới…

Gần đây nhất, tôi có việc cần nên đã bảo vợ đưa lại khoản tiền 200 triệu đồng trước đây tôi từng đưa vợ giữ. Vậy mà cô ấy nói ráo hoảnh là không còn đồng nào. Cô ấy lý giải, tưởng là tôi đưa để lo chi tiêu trong nhà nên đã chi hết. Tôi nghe mà ngỡ ngàng, yêu cầu vợ kê khai khoản chi tiêu đó thì vợ tôi khóc lóc, trách chồng “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”.

Mấy hôm nay tôi chán nản, phần vì công việc làm ăn, phần vì người vợ chỉ biết vun vén cho nhà đẻ mà không biết nghĩ cho chồng. Tôi nên làm thế nào để vợ và gia đình vợ hiểu ra?

Độc giả Phúc Quang

Tôi muốn đón mẹ chồng về ở chung vì chị dâu quá đáng

Tôi muốn đón mẹ chồng về ở chung vì chị dâu quá đáng

Bức xúc với anh chồng và chị dâu, vợ chồng tôi đón mẹ chồng lên thành phố ở cùng nhưng tôi cũng lo lắng không biết quyết định này có đúng đắn không.