Khoảng thời gian cận Tết, khi người người, nhà nhà bàn chuyện mua sắm, chi tiêu Tết, tôi lại thấy chạnh lòng.
Tôi kết hôn được hơn 3 năm. Người ta nói thời gian đầu sau hôn nhân, cuộc sống đầy màu hồng vậy mà chúng tôi lại xảy ra rất nhiều bất đồng ngay từ khi vừa cưới. Nguyên nhân là tôi và gia đình chồng không hòa hợp nhau.
Chồng tôi sinh ra trong gia đình có 5 người con (4 trai, 1 gái). Gia đình anh trước đây ở quê. Sau này các con lên Hà Nội học và ở lại lập nghiệp, bố mẹ anh cũng bán căn nhà cũ ở một tỉnh miền Trung chuyển ra thủ đô.
Các anh, chị được dựng vợ gả chồng đều ra ở riêng, chỉ có chồng tôi là con trai út nên ở cùng bố mẹ.
Dù ra thủ đô nhưng ông bà vẫn giữ nếp sinh hoạt cũ. Nghĩa là vào buổi sáng, cả nhà dậy từ rất sớm, sau đó ăn sáng rồi mới đi làm.
Nhà chồng tôi không bao giờ ăn ở ngoài hàng quán, mẹ chồng tôi đi chợ đầu mối từ sáng sớm để mua bán được rẻ và tươi hơn. Tất cả quần áo, bà đều yêu cầu giặt tay vì giặt máy vừa tốn điện lại làm phai màu vải.
Các công việc đó, từ ngày tôi về làm dâu đều được mẹ chồng giao phó.
Ngoài ra, nhà chồng mỗi năm còn mấy chục đám cúng giỗ. Vào những ngày này, gia đình chồng rất coi trọng. Các con, cháu dù ở đâu, bận gì cũng phải xin nghỉ làm, về nhà từ rất sớm. Con trai, con rể chỉ việc ngồi buôn chuyện chờ mâm bê lên, trong khi đó các cô con dâu tất bật trong bếp.
Ăn xong, con trai, con rể 'ngồi chơi xơi nước' hoặc kéo nhau ra quán hát karaoke trong khi phụ nữ cắm mặt vào dọn dẹp.
Vào ngày lễ Tết, 'truyền thống' đó cũng không khác là bao, thậm chí còn nhiều tiệc, nhiều cỗ bàn hơn.
Từ ngày mùng 1 đến mùng 5, mẹ chồng thường xuyên gọi các con về. Mỗi lần về, những người phụ nữ lại phải tất bật lo mâm cỗ.
Khi các ông chén tạc chén thù, chị em tôi dù ăn xong trươc vẫn phải đợi chờ để dọn dẹp. Sau các cuộc rượu bia, chồng tôi say xỉn đến không biết đường về. Năm nào sau dịp Tết, anh cũng phải đi bệnh viện khám vì đau dạ dày do uống quá nhiều.
Vì thế Tết thành nỗi ám ảnh trong tôi. Năm vừa rồi, vào dịp Tết, chán cảnh bàn cỗ ê hề, tôi quyết định đặt vé để 2 vợ chồng đi du lịch.
Chồng tôi không muốn mẹ phật ý nhưng vì tiếc tiền nên đành đi cùng tôi. Chúng tôi đi nước ngoài đến mùng 5 Tết mới về. Gia đình chồng tôi vô cùng phẫn nộ. Khi chúng tôi vừa về đến sân bay, ông bà đã yêu cầu về nhà để họp gia đình.
Trong buổi họp đó, chồng tôi im lặng chịu trận nhưng tôi không thể im lặng. Tranh cãi xảy ra, tình hình căng thẳng khiến mẹ chồng tôi tăng huyết áp và ngất xỉu. Nhà chồng thấy thế gọi bố mẹ tôi sang để ‘trả con dâu’.
Không cần đợi họ phải đe dọa, tôi cũng dọn đồ đạc ra khỏi nhà vì bị xúc phạm và nhiều mâu thuẫn dồn nén quá lâu.
Tôi dọn ra ngoài ở vài tháng, chồng tôi vẫn muốn hàn gắn nhưng anh yêu cầu tôi phải quay lại xin lỗi bố mẹ chồng. Nếu gia đình chồng chấp thuận, tha lỗi, tôi mới được quay về.
Khi nghe thông báo từ phía chồng, tôi chán ngán không muốn trả lời. Chúng tôi ly thân và đang tiến tới hoàn tất thủ tục ly hôn khi cả hai đều không tìm được tiếng nói chung…
Con trai vỡ nợ, mẹ chồng tôi đòi quà biếu Tết là chuyến du lịch nước ngoài
Giữa lúc đang đầu đầu vì vỡ nợ, chồng thất nghiệp, mẹ chồng sang nhà đề xuất năm nay tôi biếu bà chuyến du lịch vào dịp Tết.
Độc giả Phùng Thị Thu H.