Tôi là người mẹ từng bỏ con khi 22 tuổi, năm 1993. Khi đó, chồng tôi mới mất, con trai mới 16 tháng tuổi. Đau buồn vì sự ra đi của chồng, nhà nghèo rách mồng tơi, tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao cho con có cơm ăn, được sống trong nhà ngói, được ngủ trên giường có nệm.
Sau nhiều ngày đắn đo, tôi quyết định mang con vượt hơn 200 km đến bỏ trước cổng một cô nhi viện ở Sài Gòn.
Dịp cuối năm, thời tiết Sài Gòn se lạnh vào sáng sớm và chiều tối. Tôi bắt chuyến xe đêm từ nhà đến nơi bỏ con thì trời vừa sáng. Đội cho con chiếc nón, mặc quần áo, quấn thêm chiếc khăn bên ngoài cho con đỡ lạnh, tôi đứng quan sát một lúc khá lâu mới quyết định bỏ con trước cổng khi không thấy ai để ý mình. Tôi cũng để lại giấy khai sinh của con, tên, năm sinh, quê của mình để sau này dễ tìm lại con hơn.
Sau đó, tôi đứng ở một góc khuất quan sát xem tình hình ra cao. Con nằm đó khoảng gần 5 phút thì khóc ré lên. Tim tôi đau nhói, nước mắt rơi, đôi chân muốn chạy lại bế con trở về quê. Đúng lúc đó, bác bảo vệ và mấy cô trong cô nhi viện nghe tiếng khóc của con thì chạy ra bế vào. Ý định của tôi bị dừng lại.
Sau đó, tôi xin làm phục vụ quán ăn gần cô nhi viện để vừa làm kiếm tiền, vừa nghe ngóng tình hình của con. Dù có ý định sẽ đón con về, nhưng tôi không biết khi nào làm được. Tôi mất hết thông tin về con khi quyết định đến Bình Dương làm công nhân.
Mười năm sau, tôi lấy chồng. Sinh con lần thứ hai khó tôi mới hiểu được nỗi đau khi không có con bên cạnh. Tôi đến cô nhi viện nghe ngóng những thông tin về con.
Vì từng bỏ con, tôi không dám tiếp xúc với ai trong cô nhi viện cả. Trở lại phòng trọ, tôi buồn, khóc và hối hận. Nỗi đau chỉ nguôi ngoai khi tôi sinh được con với người chồng thứ hai. Rồi cuộc sống cứ vậy bình lặng qua đi.
Hai năm trước, một người gọi cho tôi nói, họ đối chiếu thông tin trong hồ sơ tìm kiếm gia đình của một chàng trai thì biết, tôi là mẹ cậu ấy. Họ hỏi tôi thêm thông tin về con, năm sinh, quê quán, nơi từng bỏ con rồi xin cúp máy.
Khoảng một tháng sau, họ gọi lại và xin xuống nhà tôi, có cả cậu thanh niên đi cùng. Vừa nhìn cậu thanh niên, tôi nhận ra ngay đó là con mình, vì ánh mắt, khuôn mặt, cái miệng, cái mũi ấy không khác ngày con còn nhỏ. Tôi muốn gọi tên con, ôm con vào lòng nhưng không được. Cậu thanh niên dè chừng và muốn xét nghiệm ADN, dù đối chiếu thông tin hoàn toàn trùng khớp.
Khi đó, tôi được biết, con được một gia đình khá giả người nước ngoài nhận nuôi khi 8 tuổi. Ở bên đó, con được đi học, được sống trong sung sướng. Hiện, con đang là một giáo viên. Con muốn tìm lại gia đình để biết mình sinh ra ở đâu, biết được lý do vì sao mình bị bỏ.
Kết quả ADN của tôi và cậu thanh niên trùng khớp. Nhóm người tìm kiếm gia đình cho con giúp đã có một buổi để hai mẹ con tôi gặp nhau.
Con vẫn nhìn tôi lạnh lùng, không ôm, không thể nói chuyện vì chúng tôi khác ngôn ngữ. Ra về, con bắt tay tôi nói cảm ơn đã sinh ra con. Rồi con nói, dù tìm thấy nhau nhưng hãy cứ như trước kia, sống mỗi người một nơi. Bây giờ, con phải lo cho ba mẹ nuôi, cho cuộc sống của con, không thể lo lắng cho tôi được. Kinh tế của con cũng không khá giả là mấy. Nước mắt tôi cứ vậy rơi suốt đoạn đường về nhà mà không hiểu vì sao.
Con ơi! mẹ xin lỗi khi đã sinh ra con mà không thể nuôi con. Con biết không, Mẹ khó khăn, nhưng mẹ sẽ không phụ thuộc con về kinh tế đâu. Gặp được con, thấy con được như hôm nay, mẹ mừng lắm. Bây giờ, mẹ chỉ mong con mạnh khỏe, sống vui. Còn mẹ thì sẽ mãi mãi hối hận vì quyết định bỏ con năm xưa. Mẹ ngàn lần xin lỗi con trai nhé.
'Là một bà mẹ đơn thân, tôi rất ghét cuối tuần'
Cha mẹ nói chung đều chờ đợi ngày này để có thời gian dành cho gia đình của họ, lên kế hoạch bày vẽ ăn uống hoặc cho bọn trẻ đi chơi. Còn tôi, một bà mẹ đơn thân, tôi ghét cay ghét đắng cuối tuần.
Mẹ của con