Đọc câu chuyện của độc giả Lâm Thanh trên báo VietNamNet về người họ hàng vay nợ không trả dẫn đến mất tình anh em, tôi lại nhớ đến câu chuyện gia đình mình.
Đó cũng là bài học mà tôi phải rút kinh nghiệm để sau này không rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Chuyện xảy ra cách đây 5 năm. Lúc đó, hai vợ chồng tôi cưới nhau được 2 năm. Chồng tôi là người đàn ông chăm chỉ, tiết kiệm nên khi chúng tôi cưới nhau, anh có được khoảng 400 triệu đồng. Chúng tôi kết hôn, tiền mừng cưới và số vàng hai bên nội, ngoại cho được khoảng thêm 50 triệu đồng.
Số tiền đó, chồng đưa tôi giữ để sau này có thể dùng làm vốn. Nếu chưa kinh doanh, buôn bán gì, chúng tôi để dành đấy mua căn nhà vì 2 vợ chồng đang phải ở trọ.
Tuy nhiên trước khi tôi đến ngân hàng gửi tiết kiệm thì em gái tôi gọi điện. Em tâm sự, vợ chồng em đang khó khăn, cần tiền gấp để làm ăn. Trong khi đó, biết tôi đang có tiền nhàn rỗi vì vậy em đề nghị chúng tôi cho vay.
Em nói, nếu không vay được chị em trong nhà, vợ chồng em phải đi vay lãi ở ngoài.
Thương em gái lại áy náy về việc mình có tiền không cho em mượn nên tôi đồng ý với đề nghị của em.
Vì sợ chồng nói mang tiền về nhà mẹ đẻ nên chúng tôi thống nhất không nói gì với chồng tôi. Tôi cũng bắt em gái phải hứa rằng, khi nào chị cần tiền phải ngay lập tức trả cho tôi.
Cũng như nhiều người đi vay khác, em tôi hứa như đinh đóng cột sẽ hoàn trả khi nào tôi yêu cầu.
1 năm sau ngày tôi cho em gái mượn tiền, chồng tôi cần gấp một khoản 50 triệu đồng. Tôi yêu cầu em gái trả để đưa cho chồng nhưng em gái tôi trách chị mới cho mượn 1 năm đã đòi tiền. Tiền em đang đầu tư hết vào làm ăn nên không rút ra kịp.
Tôi phải quay sang vay bạn bè số đó để đưa cho chồng. Anh không hay biết về bí mật của tôi, vẫn nghĩ là số tiền tôi đi rút từ ngân hàng về.
Lo lắng, tôi yêu cầu em gái trong vòng 1 năm nữa phải hoàn lại số tiền 450 triệu đồng cho vợ chồng tôi. Nhưng thời gian đó, việc làm ăn của vợ chồng em gái đổ bể. Chồng em vì bị các chủ nợ ráo riết tìm nên bỏ trốn vào miền Nam. Em gái tôi phải một mình gánh khoản nợ trên.
Đương nhiên số tiền của chúng tôi cũng chưa được trả. Cuối cùng, chồng tôi cũng phát hiện ra sự việc khi anh cần tiền mà tôi không thể đưa cho anh.
Anh giận giữ vì tôi đã dùng số tiền trên mà không hề hỏi ý kiến anh. Vợ chồng tôi căng thẳng một thời gian dài. Vài năm sau đó, em gái tôi cũng dần thanh toán được các khoản nợ nhờ nhà chồng em bán căn nhà mặt phố, đất đai…
Tuy nhiên tiền của anh chị, em trả một cách rất chống đối. Thỉnh thoảng, em trả 50 triệu, lúc thì 30 triệu đồng… Thậm chí khi nhà em đã có tiền, em vẫn không muốn trả chúng tôi.
Tôi nói rất nhiều, có lúc căng thẳng có lúc như van xin, em mới chịu trả.
Thái độ mỗi lần trả là như ban ơn cho chúng tôi. Em còn nặng lời với anh rể khiến chồng tôi rất giận. Vậy mà, mẹ tôi không hề nhắc nhở em. Bà quay ra trách chúng tôi là anh chị mà không giúp em, lại còn đòi nợ em lúc khó khăn. Thực ra, thời điểm này, gia đình em đã giải quyết xong mọi việc, không còn khó khăn, chật vật nữa.
Cuối cùng còn 10 triệu đồng, sau 1 năm, em không thanh toán nốt, chúng tôi chán nản không đòi nữa. Nhưng từ đó, chồng tôi tuyệt giao với nhà ngoại. Anh vẫn chăm sóc vợ con, đi làm để vun vén cho gia đình nhưng mọi chuyện của nhà ngoại anh tuyệt nhiên không tham gia. Thấy con rể như vậy, nhà mẹ tôi càng ra sức trách móc. Vì vậy nhiều năm nay, mỗi lần lễ Tết, cũng chỉ có mẹ con tôi về ngoại.
Tôi buồn nhưng không thể trách chồng tôi. Đó là đồng tiền anh vất vả kiếm được chứ không xin xỏ ai. Nhưng em gái tôi lại không hiểu cho điều đó. Bởi vậy, mâu thuẫn nhiều năm nay của gia đình tôi không hề được hóa giải.
Vay nợ hàng trăm triệu không trả nhưng đi mua sắm, du lịch sang chảnh
Người ta nói cho vay nợ mới thấu lòng nhau. Quả thật, tôi đã rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười khi tiền cho vay không lấy được lại còn mất luôn tình cảm, quan hệ.
Độc giả giấu tên