Mỗi bữa cơm cho gia đình 5 người chồng tôi giới hạn trong 100 nghìn đồng. Hôm nào vợ mua quá tay, thế nào anh cũng kêu ca suốt mấy ngày.

Tôi kết hôn gần 10 năm. Chồng làm kinh doanh, tiền bạc rủng rỉnh. Vì vậy cuộc sống của chúng tôi chẳng thiếu thốn đến mức phải kham khổ, tiết kiệm như một số gia đình khác.

Vậy mà chồng tôi vô cùng keo kiệt, bủn xỉn. Mọi chi tiêu sinh hoạt anh đều đưa ra quy định rất chặt chẽ.

Chưa hết, chồng tôi tính toán chi li đến mức vào siêu thị nhất định phải tìm hàng khuyến mãi. Anh cho rằng như vậy sẽ tích lũy được một khoản tiền.Mỗi bữa cơm cho gia đình 5 người bao gồm mẹ chồng tôi, 2 vợ chồng và 2 đứa con anh giới hạn trong 100 nghìn đồng. Hôm nào vợ mua quá tay, chồng tôi biết được, thế nào cũng kêu ca vài ngày.

Bên cạnh đó, chuyện điện nước sinh hoạt cũng phải trong "khuôn khổ". Mùa hè nóng nực, ba mẹ con tôi tắm gội nhiều, anh đùng đùng nổi giận, quát tháo ầm ĩ nhà cửa. Mùa đông, trời rét cắt da cắt thịt, chồng nhất quyết không cho dùng máy giặt mà yêu cầu cả nhà tự giặt quần áo của mình bằng tay.

Để giảm thiểu mức tiêu thụ điện, chồng tôi thay toàn bộ đèn trong nhà bằng loại tiết kiệm điện, ánh sáng yếu. Hai đứa nhỏ nhà tôi học bài với ánh đèn đó, lâu dần đều bị cận nặng. 

Ngày trước, mới tìm hiểu, thấy bạn trai tiết kiệm, đi chơi bao giờ cũng đun nước rồi để nguội ở nhà, đổ vào chai nhựa.

Đến công viên ngồi tâm sự, anh lấy ra 2 chiếc cốc, đổ nước vào uống. Lúc đó, tôi tỏ ra không vừa ý tuy nhiên anh phân tích uống như vậy đỡ mất vệ sinh lại để dành được khoản kha khá lo cho tương lai hai đứa sau này nên tôi tặc lưỡi bỏ qua.

Khi đó, chẳng hiểu sao tôi lại thấy chồng có nhiều ưu điểm đến thế. Anh không bao giờ tham gia các buổi nhậu, giao lưu bạn bè tránh việc phải đóng góp tiền. 

Cả năm anh sắm 1, 2 bộ quần áo loại bán ở lề đường. Để tiết kiệm tiền ăn, anh mua đồ về nấu nướng. Anh khéo léo, món gì chế biến cũng ngon miệng.

Có lúc tôi thầm nghĩ mình thật may mắn tìm được người đàn ông biết chăm lo, vun vén cho tổ ấm. Thế nhưng sau đám cưới, tôi mới thấm thía câu "hôn nhân là nấm mồ của tình yêu".

Ngay từ hôm cưới, tôi đã ngượng chín mặt vì thói quen tằn tiện của anh. Thay vì thuê bộ áo vest chú rể tươm tất, hợp thời trang, chồng tôi mượn ông chú bộ vest có "tuổi đời" ngót nghét 20 năm và chiếc sơ mi màu cháo lòng mặc.

Mang tiếng tôi lấy chồng là ông chủ cửa hàng bán nội thất mà xe hoa đón dâu thật thảm hại. Trời nắng chang chang, chiếc xe cũ hỏng điều hòa, tôi mồ hôi nhễ nhại, son phấn trôi, lem luốc cả khuôn mặt. Đêm tân hôn, hai vợ chồng đã cãi nhau một trận nảy lửa.

Tôi khóc lóc, đòi bỏ về nhà mẹ đẻ nhưng mẹ chồng nhân hậu đã giữ tôi lại, nhẹ nhàng khuyên nhủ. Mẹ chồng kể, khi chồng tôi còn nhỏ gia đình khó khăn, một mình bà bươn trải nuôi con, bữa đói bữa no.

Chồng tôi càng lớn càng thương mẹ, tính tiết kiệm của anh cũng xuất phát từ những năm tháng cơ hàn. Mẹ chồng  hứa, sẽ giúp tôi "điều chỉnh" con trai mình.

Cũng chính nhờ mẹ chồng mà hai vợ chồng tôi mới ở với nhau đến hôm nay. Đôi khi tôi muốn giải thoát bản thân mình nhưng thấy bà bắt đầu già yếu, hơn nữa, tình cảm hai mẹ con chẳng khác nào ruột thịt, tôi cũng không đành lòng.

5 năm sau khi về làm dâu, mẹ chồng khuyên tôi, nếu muốn thoải mái tiêu pha, tốt nhất không nên phụ thuộc chồng. Biết con dâu thích cắm hoa, bà cho tôi 10 triệu đồng để đi học nghề.

Sau đó, nhờ bà đầu tư, tôi mở được cửa hàng bán hoa tươi. Thu nhập thuộc loại cao so với các tiệm khác.

Từ ngày có kinh tế riêng, những thói quen "đáng sợ" của chồng chẳng làm tôi bận tâm. Vì muốn giữ hòa khí gia đình, tôi không cự cãi, lớn tiếng với anh.

Mọi việc mẹ con vẫn nghe theo ý chồng nhưng thích mua gì, đến đâu chơi ba mẹ con chủ động đi với nhau, không cho chồng biết. Bởi vậy, cuộc sống bên người chồng hà tiện, gia trưởng cũng đỡ mệt mỏi.

Cho đến gần đây, hành xử của chồng khiến tôi thật sự chán ngán. Hôm đó, là sinh nhật mẹ chồng. Tôi quyết định bỏ tiền túi, tổ chức bữa tiệc kỷ niệm ở nhà hàng, mời một số anh em họ hàng và bạn bè thân thiết của bà đến. Chi phí khoảng 5 triệu đồng.

Cả bữa tiệc diễn ra thuận lợi, vui vẻ. Đến khi ra về, tôi nhờ mọi người đưa mẹ chồng và các con về nhà trước.

Hai vợ chồng ở lại thanh toán tiền. Chồng tôi say sưa ngồi ngoài cửa hút thuốc, đợi vợ. Thấy tôi trong nhà hàng đi ra, anh hỏi ngay xem tổng số tiền hết bao nhiêu.

Nghĩ là ngày vui của mẹ anh, nếu tôi có chi tiêu quá tay, chồng cũng không ý kiến gì nên tôi thành thật trả lời.

Nghe vợ nói, anh sa sầm mặt, suốt từ lúc lên ô tô cho đến khi về nhà, anh không ngớt lời chì chiết tôi vì tiêu xài hoang phí.

Trong lòng tôi dấy lên nỗi bực tức vô cùng, dẫu sao đây cũng là khoản chi thích đáng, dành cho mẹ anh. Cơn giận bốc lên ngùn ngụt, tôi quay ra cãi lại.

Chồng bất ngờ vung tay tát mạnh khiến tôi xây xẩm mặt mày. Tôi quyết định đưa hai con về nhà ông bà ngoại và kiên quyết ly hôn.

Từ hôm đó, ngày nào mẹ chồng cũng đến thuyết phục, khuyên tôi nghĩ lại, tha thứ cho chồng. Về phần chồng tôi, thấy vợ bỏ đi, anh tỏ ra ăn năn, hối lỗi, hứa sẽ thay đổi. Để chứng minh, anh thường xuyên mua hoa và quà gửi sang nhà ngoại.

Lúc này tôi rối bời quá, liệu tôi quay về, chồng có thay đổi không hay lại được vài ngày vẫn chứng nào tật đó?

Mong các độc giả cho tôi lời khuyên hợp lý. Xin cảm ơn!

Mời độc giả tham gia bình luận gỡ rối cho các bài viết trong chuyên mục "Tâm sự" bằng cách nhập "Nội dung bình luận" phía cuối bài và ấn nút "Gửi bình luận", hoặc gửi chia sẻ về địa chỉ email: [email protected] Các bình luận thú vị, có giá trị sẽ được chọn đăng trên chuyên mục và nhận nhuận bút từ Tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!
Biệt thự vườn 4000 m2 ở Ba Vì của nữ giảng viên đại học

Biệt thự vườn 4000 m2 ở Ba Vì của nữ giảng viên đại học

 Rời xa thành phố ồn ào, nữ giảng viên đại học cùng người chồng Hàn Quốc xây biệt thự vườn rộng 4000 m2 ở Ba Vì (Hà Nội).

Nguyễn Ngọc (Thái Bình)