Hơn 5 năm làm dâu nhà chồng, năm nào cũng vậy, cứ mùng 3 tôi mới được về nhà ngoại ăn Tết. Lúc này ở quê, nhiều người đã đi làm, không khí Tết cũng không còn nhiều nữa.
Còn nhớ năm đầu tiên đi lấy chồng, tối giao thừa tôi phải trốn ra ngoài khóc vì nhớ bố mẹ. Nhiều năm trôi qua, cảm giác trống trải khi không được ở bên bố mẹ thời khắc sang năm mới vẫn làm tôi thấy nôn nao khó chịu.
Tôi buồn vì bao năm không được về ăn Tết nhà bố mẹ đẻ |
Bố mẹ có 3 cô con gái, tất cả đều đi lấy chồng xa. Năm nào Tết đến ông bà cũng lủi thủi một mình, chờ mong ngày con cháu về. Tôi đã từng nói với chồng về chuyện về quê ăn Tết sớm thậm chí về đón giao thừa ở nhà ngoại nhưng chồng nhất định không đồng ý.
Khi cưới thì anh nói ngon nói ngọt, khi về làm dâu rồi thì anh bắt đầu “lật mặt”. Đã thế, mẹ chồng tôi lại khó tính, lúc nào cũng chỉ coi nhà mình là nhất. Vừa bước chân về nhà chồng chưa được bao lâu, mẹ chồng đã ra đủ quy tắc và việc làm cho con dâu. Lúc này tôi mới biết, mình đang sống cùng người mẹ chồng như thế nào. Vậy nên bao năm tôi cẩn trọng từng câu từng chữ, từng việc làm để không làm phật ý mẹ. Nhưng chồng tôi nào hiểu cho sự vất vả và cố gắng của tôi.
Năm hết Tết đến, tôi còn bận đi làm đến sát ngày mới được nghỉ nhưng việc sắm sửa Tết mẹ chồng cũng không bao giờ động vào. Mẹ coi đó là việc của tôi. Nhiều lúc tôi tự hỏi, ngày chưa có con dâu, việc sắm Tết là do ai làm? Tại sao khi tôi về mọi việc lại đổ dồn lên đầu tôi?
Đi lấy chồng xa đối với con gái và bố mẹ đẻ đều thiệt thòi. Chặng đường về nhà hơn 100km, không phải muốn là về được bởi còn công việc, con cái. Vậy nên tôi muốn tranh thủ ngày nghỉ dài như các dịp lễ, Tết được về thăm bố mẹ sớm. Quanh năm ở nhà chồng, nếu ngày Tết dành nhiều thời gian hơn cho bố mẹ đẻ cũng là chuyện đương nhiên. Nhưng có vẻ chồng tôi chưa bao giờ cho suy nghĩ đó là đúng nên anh một mực “lấy chồng thì phải theo chồng, đừng mơ tưởng nhà ngoại”.
Năm nào nhắc chuyện về sớm chồng tôi cũng mặt nặng mày nhẹ. Vợ chồng giận nhau sang tận năm mới thì quả là không hay. Tôi cũng không muốn đôi co với mẹ chồng. Vậy nên người ngậm đắng nuốt cay là tôi.
Năm nay, tôi nghe nói cả nhà chị chồng tôi về nhà ngoại ăn Tết. Mẹ chồng biết tin thì gọi điện nói tôi sắm sửa thêm nhiều đồ vì gia đình tăng khẩu phần ăn. Con gái mẹ sẽ về từ 28 Tết, sang mùng 2 mới về nội. Tự nhiên nước mắt tôi chảy dài.
Nghe con gái về ăn Tết, mẹ vui như "mở cờ trong bụng", vậy tại sao mẹ lại cấm cản tôi? Còn nhớ hôm vừa rồi khi tôi mở lời nói năm nay xin về quê ngoại ăn Tết rồi mùng 2 lên, mẹ chồng tôi đã mắng tôi “vuốt mặt không kịp”. “Lấy chồng rồi mà lúc nào cũng nhà ngoại nhà ngoại. Lấy chồng thì phải theo chồng, bố mẹ cô cũng hiểu chuyện đó. Cô không lo Tết thì ai lo? Nhà này không phải ai muốn làm gì cũng được, nhà phải có nóc, có quy củ, gia phong. Cô thích về ăn Tết với bố mẹ cô thì cứ tự bắt xe mà về cho hết Tết, ra giêng rồi lên”.
Mẹ chồng tôi nói vậy để dằn mặt nhưng chồng tôi cũng không một câu bênh vực vợ. Anh còn lườm nguýt, mắng tôi không biết điều. Anh chỉ tay vào mặt tôi mà nói: “Muốn đi thì đi luôn đi”.
Nghĩ lại, nước mắt tôi lăn dài. Mẹ đối xử với con gái người khác như vậy nhưng tại sao khi biết tin con gái về ăn Tết, mẹ lại vui mừng đến thế? Không lẽ chỉ có mẹ có con gái, chỉ có mẹ mong con gái và cháu ngoại về sum vầy còn bố mẹ tôi thì không? Đã thế, mẹ còn bắt tôi mua sắm bao nhiêu đồ đạc để tiếp đãi nhà chị chồng nhưng mẹ chưa từng hỏi tôi một câu tiền bạc thế nào.
Hôm nay thấy mẹ nói chuyện với con gái, xúi con bảo chồng mỗi năm ăn Tết một nhà mà tôi chỉ biết đứng khóc. Chị chồng về được vậy tại sao tôi lại không?
Độc giả T.M
Vắng mẹ, Tết này chẳng thể đủ đầy
Xuân này, mẹ tôi đã về trời, xa quê mãi mãi. Mẹ ra đi trong một chiều đầu thu, tiết trời oi nồng. Thời khắc đó đối với tôi, không gian như lắng lại, ngừng trôi.