“Một nghề đầy rủi ro”, đó là lời khẳng định của anh Lương Văn Hảo (SN 1984), tài xế lái xe container đúc kết sau hơn 10 năm cầm tay lái rong ruổi qua nhiều cung đường.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, tài xế này dành rất nhiều thời gian để nói về những cung đường hiểm trở anh đã qua với dốc, đèo và những màn sương mù.
“Có những ngày lái xe ở vùng Tây Bắc, trời mù sương, tầm nhìn lái xe thấp, đường trơn trượt không dễ dàng gì để điều khiển một chiếc xe container trung bình dài khoảng 20m, nặng hàng chục tấn”, anh khẳng định.
Hàng anh chuyên chở là vật liệu xây dựng như sắt, thép… Cung đường của anh bắt đầu từ Hà Nội đến khắp các tỉnh miền Bắc.
Nhiều lái xe thừa nhận: "Đây là một nghề đầy rủi ro". Trong ảnh là anh Đinh Quang Tiền, tài xế sinh năm 1988, đang trên một hành trình. |
“Có những ngày thời tiết xấu, ở những đoạn khó đi, chúng tôi chỉ dám di chuyển ở vận tốc 5-10km/giờ” anh Hảo bộc bạch.
Tuy vậy, bên cạnh những khó khăn trong quá trình vận hành, các tài xế container còn đối mặt với nhiều rủi ro như gặp phải trộm cướp, sơn tặc.
Khi nhận chuyên chở hàng nghĩa là tài xế hoàn toàn chịu trách nhiệm về hàng hóa. Số hàng bị hư hại, mất tài xế đều phải đền bù theo hợp đồng. Bởi vậy việc bảo vệ, giữ gìn hàng hóa là điều được anh Hảo cũng như các lái xe đặt lên hàng đầu.
“Nhưng không phải lúc nào tài xế cũng có thể cảnh giác cao độ”, anh nói.
“Trộm có thể lấy tất cả mọi thứ mà chúng tháo được ra như ắc quy, bộ đề xe, hộp đen…”, nam tài xế nói tiếp.
Tại cung đường Pháp Vân - Thanh Trì, nhiều năm trước, còn có tình trạng kẻ trộm dùng thanh sắt tiếp cận các xe container đang dừng đỗ bên đường. Chúng dùng thanh sắt này gõ vào phía sau xe để “kiểm tra” tài xế. Nếu nghe tiếng động, tài xế xuống xe thì chúng bỏ đi. Ngược lại tài xế ngủ say, sẽ bị các đối tượng trộm đồ.
“Có lần bạn tôi chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai và người này dừng xe tại một điểm để nghỉ ngơi. Khi tài xế ngủ say, kẻ xấu dùng bình xịt thuốc mê qua gioăng cửa kính ô tô vào bên trong. Thuốc mê làm tài xế ngủ mê mệt nên lúc tỉnh dậy điện thoại, ví, tài sản cá nhân khác… đều bị cuỗm sạch”, anh Hảo chia sẻ.
Anh Hảo chia sẻ về những rủi ro lái xe container có thể gặp trên đường. |
Một vụ mất trộm khác mà anh Hảo nhớ diễn ra cách đây 5- 6 năm tại Vàng Danh (Uông Bí, Quảng Ninh).
Qua một đoạn đường xấu nên anh lái xe ở tốc độ thấp. Nhân cơ hội đó, trộm tiếp cận rồi trèo lên phía sau cậy cửa vào trong container. Chúng lấy hàng ném xuống đường để đồng bọn nhanh chóng mang đi.
“Xe dài và cao nên khi trộm đột nhập, nhiều tài xế không phát hiện ra”, anh Hảo nói tiếp.
Tuy nhiên giới lái xe container cho rằng việc mất đồ trên không phổ biến bằng việc bị hút trộm dầu. Theo lời anh Hảo, 1 bình nhiên liệu của xe container trung bình chứa 400-500lít dầu. Giá dầu hiện nay là hơn 16 nghìn đồng/l. Vì vậy mỗi lần bị hút trộm dầu, tài xế phải đền một số tiền không nhỏ.
Anh Hảo còn nhớ về vụ mất cắp dầu mà bạn anh là nạn nhân. Lần đó, bạn anh Hảo dừng xe và chợp mắt giữa một hành trình dài. Kẻ trộm dầu ăn mặc lịch sự, ngồi trên một chiếc xe con tiếp cận xe container của bạn anh Hảo.
Chuẩn bị trước khi bắt đầu một hành trình mới |
Tên trộm bình thản mở khóa bình nhiên liệu của container sau đó dùng máy bơm điện hút dầu từ xe container sang thùng trữ (được đặt sẵn trên xe con từ trước).
Vụ việc xảy ra chỉ trong vài phút, xong việc người này phóng xe ô tô đi. Một người dân gần đó nhìn thấy nhưng vì sợ bị trả thù nên không dám hô hoán báo cho tài xế.
Vì vậy chuyện tài xế phải mang can đựng dầu dự trữ bắt xe một quãng rất xa để mua dầu bù vào cho xe chạy không phải là chuyện hiếm.
“Nếu trộm mở khóa bình nhiên liệu để hút dầu thì chúng tôi chỉ phải đền tiền dầu. Nếu trộm dùng kích thủy lực làm thủng đáy bình xăng để hút dầu ra thì tài xế còn phải vất vả hơn nữa”, anh Hảo lắc đầu chia sẻ thêm.
Phút hoảng loạn, người phụ nữ xúc động được tài xế xe ôm 'giải cứu'
Suốt ngày rong ruổi trên phố, ông Dũng (SN 1965, tài xế xe ôm) vừa mưu sinh vừa để mắt canh chừng những tên cướp, bảo vệ tài sản cho người dân.
Nam Phương - Minh Anh