Georges Blanchard là người Pháp, nói thạo tiếng Việt. Ông hiện là giám đốc và là người sáng lập Liên minh Phòng, chống mua bán người Việt Nam, gọi tắt là AAT. Sau nhiều lần chuyển chỗ, hiện trụ sở AAT đặt trong con hẻm nhỏ đường D1 (phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Trong căn nhà thuê 3 tầng, chỗ nào ông Georges cũng treo những tấm bằng khen, kỷ niệm chương được tặng do làm thiện nguyện. Người đàn ông năm nay 58 tuổi nói: ‘27 năm sinh sống và làm việc tại TP.HCM tôi vẫn ở nhà thuê, chưa có xe ô tô nhưng có đời sống rất hạnh phúc’.

Đưa ra một cuốn sách tựa: Where dreams bloom (Ước mơ của các loài hoa), có hình ảnh của 12 cô gái, nội dung bằng tiếng Anh, ông Georges cho biết, đó là dự án mà ông và các cộng sự đang thực hiện.

12 cô gái có tên của 12 loài hoa khác nhau. Mỗi cô là một hoàn cảnh, một câu chuyện, nhưng đều chung cảnh đáng thương, từng có nguy cơ bị lạm dụng tình dục, bị bán sang nước ngoài làm các nghề nhạy cảm.

{keywords}
Ông Georges cho biết, sau hơn 27 năm ở Việt Nam ông đã ăn được phở, cơm, các món ăn đường phố, nhưng việc học tiếng Việt rất khó. 'Tôi nói được tiếng Việt, nhưng nhiều từ tôi không hiểu. Tiếng Việt rất khó', Georges nói.

Cô gái có biệt danh Tulip, SN 1997, quê Bến Tre sinh ra trong gia đình nghèo. Bốn năm trước, đang học lớp 10 cô phải nghỉ học, lên TP.HCM ở chung với một cô gái bán dâm tìm việc làm.

Công việc ban đầu của cô là phụ bán quán cà phê. Sau đó, vì cuộc sống khó khăn, lại phải gửi tiền về cho gia đình, cô chấp nhận đi bán dâm khi mới 17 tuổi và có nguy cơ rơi vào tay tổ chức buôn bán người.

'Mỗi tháng em ấy gửi về nhà 2 triệu đồng và giấu việc mình làm. Tôi tiếp cận, em ấy bày tỏ, muốn được đi học lại. Sau khi được hỗ trợ học nghề làm móng tay, em ấy giờ đang làm cho một tiệm tóc', Georges nói và cho biết, hiện 12 cô gái đang được an toàn và đều có việc làm ổn định. Vốn dĩ ông  lấy tên các loài hoa để đặt cho các cô gái là muốn giữ sự riêng tư, bí mật cho các cô.

Georges sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở thủ đô Paris, Pháp. Năm 1975, cậu bé Geoges bước qua tuổi 14 thì gia đình xảy ra biến cố, ba mẹ ly hôn. Cậu phải bỏ học, đi làm thợ hồ cho một công ty xây dựng nhà ở tại Pháp.

Sau ba năm đi làm, tiết kiệm được tiền, Goerges đến trung tâm thiện nguyện ở thủ đô Paris xin ở để đi học lại. Song song đó, ông tiếp tục đi làm thêm, phụ giúp các việc ở trung tâm và tham gia các hoạt động thiện nguyện. 

{keywords}
Rất nhiều cô gái, sau khi được Georges giải cứu đã tình nguyện tham gia tổ chức AAT, đi giúp đỡ các nạn nhân khác. Ảnh: NVCC.

Những năm sau đó, nhờ học chăm chỉ, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, Georges trở thành giám đốc một tổ chức tình nguyện và giám đốc công ty du lịch tại Pháp.

Nói về việc đến Việt Nam định cư, người đàn ông có vợ Việt và hai cô con gái cho biết, năm học lớp 8, ông được học với một vài bạn người Việt vừa mới sang Pháp định cư.

‘Chúng tôi da trắng, mắt xanh, cao lớn. Còn các bạn ấy da vàng, tóc đen, người rất thấp. Lúc đó, tôi thấy rất lạ’, Georges nói và bắt đầu tò mò, đặt nhiều câu hỏi về đất nước, con người Việt Nam.

Tháng 12/1992, đọc được thông tin nhiều trẻ em Việt không được đến trường vì cha mẹ khó khăn, chàng thanh niên người Pháp quyết định đến TP.HCM, tự học tiếng Việt, bỏ tiền đến các vùng quê nghèo ở các tỉnh miền Tây xây cầu, xây trường học, mở lớp học tình thương. 

Một lần, đang chuẩn bị mở lớp học tình thương ở quận 4, Georges nhận được tin báo, có hai bé gái ở lớp học tình thương do mình tổ chức bị bắt cóc. Một mặt ông báo tin cho công an nhờ giúp đỡ, mặt khác ông lần theo đường đi của kẻ bắt cóc theo mô tả của những người chứng kiến, mục đích cứu được hai bé gái. 

'TP.HCM giáp biên giới Campuchia, tôi nghĩ ngay đến việc hai bé sẽ bị bán qua bên đó. Ngay lập tức tôi lên đường. May mắn, vừa đến biên giới thì tôi gặp. Những kẻ bắt cóc khai, thấy hai bé dễ thương nên bắt sang Campuchia bán cho các tổ chức hoạt động mại dâm', Georges nhớ lại và cho biết. Sau đó, được Bộ Công an giúp đỡ, ông quyết định thành lập tổ chức AAT vào năm 2003.

‘Khi đi làm thợ hồ ở Pháp, tôi ở trong nhà chứa của nhiều cô gái mại dâm. Họ bị đánh đập, bắt phục vụ trong đau đớn. Họ muốn thoát ra con đường đó mà không được’, Georges nói thêm về quyết định làm công việc nguy hiểm của mình.

{keywords}
Georges trong những lần đi tiếp xúc với các gia đình nạn nhân trong nạn buôn bán người. Ảnh: NVCC.

Thời gian đầu, tổ chức của ông hoạt động cầm chừng. Sau đó, đường dây nóng của tổ chức phải hoạt động ngày đêm để tiếp nhận, giải đáp, hướng dẫn những nạn nhân gọi đến cầu cứu.

Mỗi khi nhận được tin báo của các nạn nhân, Georges cùng các tình nguyện viên khác đến nơi nạn nhân đang gặp nguy hiểm đóng giả làm khách, nhân viên phục vụ hoặc người đi đường để tiếp cận, tìm hiểu thông tin. Sau đó, ông kết hợp với chính quyền sở tại giải cứu nạn nhân.

Với sự tài tình, bất chấp hiểm nguy, đến nay Georges đã giải cứu được hơn 2.500 nạn nhân từ Malaysia, Lào, Thái Lan, Singapore... trở về. Ông cho biết, chính vì làm công việc đi cướp bát cơm của những người hoạt động phi pháp nên ông liên tục nhận tin nhắn, cuộc gọi đe dọa sẽ ‘xử’, nhưng Georges không sợ. Điều ông sợ nhất là biết các phụ nữ, trẻ em đang gặp nguy hiểm mà không giải cứu được họ.

Linh là nạn nhân bị bán qua Thái Lan rồi lại bị bán sang Malaysia. Một lần mượn được chiếc điện thoại của khách, cô báo tin cho Georges nói địa chỉ nơi mình đang bị giam giữ.

Nhận tin báo của Linh giữa đêm, Georges lên đường ngay vì nghĩ, nếu mình chậm giờ nào Linh sẽ gặp nguy hiểm giờ đó. 

Vừa đáp chuyến bay đến Malaysia, ông lập tức liên hệ với chính quyền nhờ giúp đỡ sau đó đến địa chỉ nơi Linh bị giam. Hơn ba ngày tiếp cận, ông cũng cứu được Linh. Đưa cô trở về TP.HCM, ông giúp cô đi học nghề, hòa nhập cộng đồng.

Tuy vậy, Georges cho biết, do hiện nay có nhiều khó khăn, tổ chức của ông phải hoạt động cầm chừng việc giải cứu các nạn nhân từ nạn buôn bán người. Thay vào đó, ông cùng các tình nguyện viên tích cực đi khuyên bảo, giúp đỡ những cô gái, bé gái hoạt động mại dâm có nguy cơ là nạn nhân của nạn buôn bán người. Nhiều cô gái sau đó đã tình nguyện tham gia tổ chức của ông để giúp đỡ các nạn nhân khác.

Từng làm việc với Georges, bà Lê Thị Hà, nguyên Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, Georges là người hoạt động rất tích cực trong việc phòng chống, buôn bán người và hỗ trợ các nạn nhân.

Hiện, ông và tổ chức AAT không chỉ giải cứu các nạn nhân mà còn giúp họ có việc làm, hòa nhập cộng đồng. 'Tôi rất trân trọng những đóng góp của Georges cho quyền lợi của phụ nữ Việt', bà Hà nói.

Mẹ nuôi bán nhà và xe sang, dành 8 tỷ chữa bệnh cho cậu bé bị bỏ rơi

Mẹ nuôi bán nhà và xe sang, dành 8 tỷ chữa bệnh cho cậu bé bị bỏ rơi

Suốt bốn năm qua, người phụ nữ này chấp nhận bán xe, bán nhà, lấy tiền nuôi dưỡng, cứu sống đứa con nuôi mắc bệnh nan y.

Tú Anh