10 ngôi mộ trước cửa nhà
Ở cuối con hẻm nhỏ trên đường Gò Cát, phường Phú Hữu, Quận 9, TP.HCM là 2 căn nhà cấp bốn của cha con ông Đặng Văn Sỹ, 67 tuổi. Bên hông nhà ông trước đây là khu nghĩa địa, với hàng ngàn ngôi mộ. Hiện các phần mộ đã dời đi hết. Khu đất rộng hàng ngàn m2 đang có kế hoạch phân lô bán nền.
Trước nhà ông Sỹ là 10 ngôi mộ, xây tạm bằng gạch, rào bằng lưới, nằm kề nhau. Có phần mộ đổ bê tông bằng với mặt đất. Trên mộ không có bia mộ, bát hương.
Các ngôi mộ được xây gạch, che bằng lưới. Bên cạnh là chuồng gà của con trai ông Sỹ. Ảnh: T.A. |
Ông Sỹ cho biết, đó là ‘nơi ở’ của ông bà cố, ông bà nội, các anh chị em nhà ông. Họ mất đã lâu.
Người đàn ông quê gốc Sài Gòn cho biết, những năm 60, phường Phú Hữu chủ yếu là đất nông nghiệp và đầm lầy. Người dân nơi đây mưu sinh bằng nghề trồng lúa, chăn nuôi trâu bò, lợn, gà vịt… Khi người thân trong gia đình mất, không có tiền mua đất trong nghĩa trang, họ tận dụng đất vườn làm nơi chôn cất.
‘Chôn người thân trong phần đất nhà mình là để tiện cho việc hương khói, chăm sóc mồ mả. Khi còn sống thương, thì khi mất vẫn thương’, ông Sỹ nói.
Hiện nay, việc chôn cất người mất trong vườn nhà ở địa phương không còn nữa. Nhiều gia đình đã di dời mộ người thân đi nơi khác, nhưng gia đình ông Sỹ thì chưa. ‘Tôi nghĩ, ông bà đã mất, được ‘nằm’ cạnh mình thì tình yêu vẫn còn đó’, ông Sỹ giải thích lý do đến nay, trước nhà mình vẫn còn 10 ngôi mộ.
Nuôi gà trên mộ người chết
Ông bà cố ông Sỹ có nhiều con. Khi lập gia đình, họ xây nhà ngay trên đất ba mẹ để lại làm chỗ ở. Rồi các con cháu lớn lên, lập gia đình cũng xây nhà ở đất ông bà ở. Thành ra, bây giờ, con hẻm ông Sỹ ở, nhà cửa san sát nhau.
Đàn gà hàng trăm con đi lại trên mộ người mất. Ông Sỹ cho biết, hằng ngày, cha con ông đều thắp hương cho ông bà xin phép việc mình đang làm. Ảnh: T.A. |
Mấy năm nay, con trai ông Sỹ tận dụng phần đất thừa cạnh 10 ngôi mộ của ông bà làm chuồng, mua gà Đông Tảo, gà tre, gà thả vườn về nuôi rồi bán ra thị trường.
‘Trước khi mất, ông bà tôi có dặn con cháu sống phải biết tu chí làm ăn, yêu thương nhau. Việc chôn cất, thờ cúng chỉ làm đơn giản. Ngày con dựng chuồng nuôi gà, tôi có làm cỗ xôi, con gà, mua hoa, trái cây về thắp hương khấn xin ông bà phù hộ cho cháu làm ăn. Con tôi nuôi đã mấy năm rồi, công việc khá thuận lợi’, ông Sỹ nói.
Ban ngày, con trai ông Sỹ thả đà gà ra ngoài cho chúng chạy nhảy, tìm thức ăn. Ban đêm, anh cho vào chuồng đóng cửa lại. Đàn gà cứ thế đậu, đi lại, tìm thức ăn, phóng uế trên các phần mộ.
Đến nay, ông Sỹ vẫn chưa muốn dời các phần mộ người thân đi nơi khác. Ảnh: T.A. |
Ông Sỹ giải thích: ‘Phần đất này trước đây trũng lắm, cứ mưa là nước đọng. Giờ tôi đã đắp lên cao. Nuôi gà ở đó, nhưng cha con tôi dọn vệ sinh hằng ngày, dùng nước rửa thường xuyên'.
'Tôi nghĩ, ông bà ai cũng muốn con cháu làm ăn thuận lợi, cuộc sống no đủ, không ai muốn con cháu nghèo đói hết. Với người đã mất, mình thờ cúng hay làm gì chỉ cần có tâm là được', ông Sỹ nói thêm.
Cụ bà 50 năm sống ở nghĩa trang Sài Gòn, chứng kiến nhiều cảnh lạ
Nhìn những người nghiện nằm trên các phần mộ, bà Xuân Hương chỉ biết lẳng lặng đi vào nhà đóng cửa lại…
Diệu Thuần