- Sau cú tát của chồng, người vợ bị sang chấn tâm lý. Chị luôn miệng gào thét rồi giật tóc, xé quần áo. Có lúc, chị ta tại lao đầu vào tường rồi nằm lăn ra đất…

Vừa cúp máy sau cuộc điện thoại tỏ tình của một gã đàn ông, dược sĩ Nguyễn Thanh Huyền (SN 1983, nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội) lại nhanh tay nhấc máy khi tiếng chuông điện thoại đổ. Tuy nhiên lần này, nội dung cuộc điện thoại vẫn là những thông tin trêu đùa khiến chị Huyền chau mày.

{keywords}
Nhân viên cấp cứu 115 trong ca trực tổng đài

“Gã thanh niên này quấy rối suốt từ ca trực hôm qua đến nay. Anh ta gọi lên tổng đài gần 100 cuộc gọi. Lúc anh ta tỏ tình, lúc nhại tiếng điện thoại viên, lúc lại rên rỉ ỉ ôi đến phát sợ”, chị Huyền nói.

“Kể cũng lạ, anh ta gọi điện trêu điện thoại viên suốt ngày này qua ngày khác mà không biết chán. Cả tổng đài có 3, 4 điện thoại viên, trực cuộc gọi cấp cứu cho toàn thành phố. Mỗi cuộc gọi trêu đùa là mỗi phút giây như ngồi trên lửa của những người đang có nhu cầu thực sự”, chị Huyền nói tiếp.

Theo chị Huyền, việc quấy rối tổng đài 115 có rất nhiều hình thức. Có người gọi lên tổng đài, nghe thấy tiếng điện thoại viên trả lời là buông những lời bậy bạ, có người tán tỉnh điện thoại viên, lại có người gọi lên tổng đài chỉ để trút giận.

“Tuy nhiên cũng có những cuộc điện thoại, không yêu cầu điều xe cấp cứu nhưng nghe xong lại thấy vừa giận vừa thương”, nữ dược sỹ trực tổng đài 115 chia sẻ.

Chị kể, cách đây ít ngày, khi trực ca tối, chị nhận điện thoại của một người đàn ông ở phố cổ Hà Nội. Anh ta gọi lên tổng đài liên tục từ lúc 11 giờ đêm. Tuy nhiên khi nhân viên tổng đài trả lời thì anh ta lại im lặng rồi tự cúp máy. Đến cuộc gọi lúc gần 12 giờ đêm, anh ta mới đáp lời nhân viên 115.

Trong cuộc điện thoại ấy, giọng người đàn ông đầy hồi hộp. Hóa ra trước đó, hai vợ chồng họ mâu thuẫn. Cả hai cãi vã và lăng mạ nhau suốt buổi tối, đến lúc không thể kiềm chế được cảm xúc, anh ta mới tát vào mặt vợ. Không ngờ sau cú tát đó, người vợ bị sang chấn tâm lý. Chị ta luôn miệng gào thét rồi giật tóc, xé quần áo.  Có lúc, chị ta tại lao đầu vào tường rồi nằm lăn ra đất…

Quá sợ hãi trước biểu hiện của vợ, người chồng bỏ sang phòng khác để nghe ngóng. Tuy nhiên nhiều phút trôi qua, người vợ vẫn không ngừng la ó và dày vò bản thân vì thế anh ta phải điện thoại lên tổng đài để xin… trợ giúp.

“Giải thích về việc gọi nhiều lần nhưng khi điện thoại viên nhấc máy anh lại im lặng, người chồng nói, anh ta quá sợ hãi, lại không biết tình trạng của vợ có đến mức gọi xe cấp cứu hay không nên không đủ tự tin. Tuy nhiên khi thấy những biểu hiện của vợ quá bất bình thường anh mới mạnh dạn xin tư vấn”, chị Huyền nhớ lại.

{keywords}
Xe cấp cứu trên phố Hà Nội. Ảnh: VietNamNet

Lần khác, một cuộc gọi cũng khiến chị Huyền có nhiều cung bậc cảm xúc đó là cuộc gọi của một người đàn ông khoảng 40 tuổi ở khu vực Tây hồ, Hà Nội.

Chị Huyền kể, anh ta gọi lên tổng đài vào lúc tối muộn, giọng hồi hộp và lo lắng đến mức không nói nên lời. Chị Huyền phải hỏi đi hỏi lại mới biết, vợ anh ta bị thương, máu mũi, máu miệng chảy không ngừng. Chưa hết, người vợ còn đang ôm bụng và kêu la ầm ĩ.

Người chồng thú nhận, trước đó hai vợ chồng họ cãi nhau. Anh ta đã “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Người vợ bị gẫy răng, phần mũi cũng bị tổn thương nên chảy máu. Tuy nhiên anh ta lại không biết làm cách nào để cầm máu cho vợ. Vì thế anh ta đã cầu cứu điện thoại viên.

“Trong cuộc điện thoại nhờ tôi chỉ cách cầm máu, anh ta luôn miệng nói lời xin lỗi. Lúc thì xin lỗi điện thoại viên vì chưa hiểu ý điện thoại viên nói, lúc lại quay ra xin lỗi vợ. Qua điện thoại, tôi cũng nghe thấy anh ta ra sức xuýt xoa, cưng nựng vợ. Tôi còn nghe giọng anh ta méo đi như khóc khi người vợ quát và không cho anh ta động vào người”, chị Huyền nhớ lại.

Chị Huyền cho biết, cuộc gọi đó, người chồng không yêu cầu xe cấp cứu đến đón mà chỉ nhờ nhân viên y tế trực tổng đài hướng dẫn cách cầm máu và xử lý các vết thương nhẹ. Tuy nhiên sau khi ngắt cuộc gọi chừng 1 tiếng, người đàn ông này lại gọi lại để nói lời cảm ơn.

Anh ta cho biết, vợ đã ổn định và đi ngủ nên sáng sớm hôm sau anh ta sẽ đưa vợ đi viện kiểm tra. Tuy nhiên anh ta đang cảm thấy có lỗi vì không kiềm chế được cơn giận dữ mà đánh vợ.

Chia sẻ với PV, chị Huyền nói, vì công việc chị không có nhiều thời gian để nghe người đàn ông này tâm sự chuyện gia đình. Tuy nhiên chị Huyền cũng ngắn gọn khuyên anh nên đưa vợ đến viện kiểm tra và kiếm chế cảm xúc trong những lần sau.  

Chị Huyền cho rằng, việc đánh vợ, không những gây nguy hiểm đến tính mạng người vợ mà còn làm tổn thương tinh thần bạn đời, ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình sau này.

Yêu cầu đặc biệt của vị khách trong nhà nghỉ với nhân viên 115

Yêu cầu đặc biệt của vị khách trong nhà nghỉ với nhân viên 115

"Tình huống khó xử nên tôi thật lòng cũng không biết làm sao ngoài việc làm theo lời anh ta dặn. Nhưng cùng là phụ nữ với nhau, tôi chua chát nghĩ, vợ anh ta biết được sự thật chắc sẽ đau lòng lắm” - Chị Hường nói.

Hai cọc tiền của bà cụ trên phố cổ khiến nhân viên 115 bất ngờ

Hai cọc tiền của bà cụ trên phố cổ khiến nhân viên 115 bất ngờ

“Thấy hoàn cảnh ông bà khó khăn, chúng tôi quyết định không thu tiền xe của ông bà. Tuy nhiên, khi tôi vừa dứt lời thì bất ngờ bà lấy trong túi xách ra hai cọc tiền lớn…”.

Nhân viên cấp cứu 115 hoảng hồn trước cảnh tượng trong nhà nghỉ

Nhân viên cấp cứu 115 hoảng hồn trước cảnh tượng trong nhà nghỉ

“Vào nhà nghỉ, tôi hoảng hồn khi thấy trong phòng có 5 người. Ngoài nam thanh niên cơ thể đang tím tái nằm trên giường còn có 2 cô gái và 2 chàng trai…”, chị Hường nhân viên cấp cứu 115 nhớ lại.

Minh Anh - Nhật Linh