Dù Công ty nước sạch sông Đà có thông báo cấp nước trở lại tuy nhiên, đến sáng ngày 17/10, theo ghi nhận của PV, nhiều chung cư tại khu vực Hoài Đức, Hà Đông… (Hà Nội) vẫn chưa được cấp nước trở lại. Tình trạng nước khan hiếm khiến nhiều cư dân phải sử dụng cả nguồn nước ở bể bơi của tòa nhà, phục vụ mục đích sinh hoạt.
Anh Phong (30 tuổi, cư dân chung cư Gemek 2, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, những ngày qua hai vợ chồng anh phải luân phiên, xếp hàng lấy nước từ các xe nước miễn phí dưới chân tòa nhà để sinh hoạt.
“Mỗi ngày có khoảng 1 - 2 xe nước chở đến phục vụ cư dân, tuy nhiên số nước ít ỏi không thấm vào đâu so với nhu cầu của hàng nghìn hộ dân. Không có nước, chúng tôi đã phải sử dụng cả nước bể bơi để dùng tạm”, anh Phong nói.
Quanh khu vực sảnh chung cư Gemek 2, nhiều người cao tuổi không xách được nước lên nhà đã phải gội đầu, giặt quần áo, rửa bát… ngay tại điểm cấp nước.
“Lúc 8 giờ sáng 17/10, BQL thông báo có xe nước miễn phí phục vụ bà con nhưng khi tôi xuống đến nơi, thì nước đã hết. Không còn cách nào khác, tôi phải xách tạm hai xô nước từ bể bơi tòa nhà để có nước dùng”, chị Hiền, cư dân chung cư Gemek 2 nói.
Tòa nhà bị cắt nước nên hai ngày qua, gia đình chị Hiền phải đi ăn ngoài quán, số nước lấy được từ các xe bồn miễn phí chủ yếu được dùng để vệ sinh cá nhân.
“Nước không có nhiều nên dùng tiết kiệm nhất có thể. Nhà tôi nhiều ngày qua không rửa bát, nước tắm của con, bố mẹ phải dùng lại. Cuộc sống vô cùng khổ sở”, chị Hiền nói.
Hầu hết các hộ dân ở quận: Hoài Đức, Thanh Xuân, Hoàng Mai… đều chung cảnh ngộ cuộc sống bị đảo lộn do bị cắt nước sinh hoạt. Nhiều gia đình có con nhỏ phải nghỉ làm, đưa con về quê để di tản.
Chia sẻ với Pv Dân trí, anh Chu Hưng Giáp (Đại diện Ban quan trị chung cư Gemek 2, Hoài Đức, Hà Nội) cho hay, những ngày qua, tòa nhà bị cắt nước nên BQL và Ban quan trị tòa nhà đã tạo mọi điều kiện để cư dân có nước dùng. Trong đó, nước ăn được lấy từ các xe bồn chở nước miễn phí của thành phố còn nước sinh hoạt, BQL tiến hành bơm nước từ bể ngầm và cho bà con sử dụng cả nguồn nước của bể bơi.
Từ sáng nay, Công ty nước sạch sông Đà đã cấp nước trở lại, BQL cũng tiến hành bơm nước vào bể, tuy nhiên dự kiến đến trưa và chiều ngày 17/10, nước mới chảy đến vòi của các hộ dân trong tòa nhà. “Nguồn nước cấp trở lại chưa ổn định nên chúng tôi cũng thông báo bà con dùng nước tiết kiệm nhất có thể”, anh Giáp nói.
Trong khi đó, tại chung cư Gemek 1 (Hoài Đức, Hà Nội), BQL tòa nhà cũng đã bắt đầu bơm nước lên bể mái từ rạng sáng 17/10, tuy nhiên đại diện chung cư này cho biết đây là lượng nước cũ còn dư, còn Nhà máy nước sông Đà vẫn chưa cấp nước trở lại.
“Chúng tôi cũng chưa biết tình trạng mất nước này bao giờ thì chấm dứt”, một đại diện trong Ban quản trị tòa nhà nói. “Nếu hôm nay chưa có nước trở lại, tòa nhà bắt buộc phải bơm nước từ phần nước cứu hỏa để phục vụ bà con”.
Trước đó, hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi lạ xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận như: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... Ngày 15/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ trong nước liên quan đến chất Styren, có tỷ lệ cao gấp 1,3-3,6 lần so với mức bình thường.
Thành phố khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước này để uống, nấu ăn, đồng thời yêu cầu Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà thau rửa toàn bộ nguồn nước và đề nghị Công ty Nước sạch Hà Nội lên phương án hỗ trợ người dân.
Việc mất nước khiến cuộc sống của hàng vạn hộ dân ở Hà Nội bị đảo lộn nghiêm trọng. Nhiều gia đình phải chầu trực, thay phiên nhau xếp hàng đến đêm khuya, mang theo xô chậu, xoong nồi, bình để tích trữ nước sạch.
Học sinh trường làng chế tạo máy cấy lúa khiến nhiều người kinh ngạc
Trong những lần theo các bác ra đồng, cậu học trò lớp 8 đã nảy ra ý tưởng chế tạo ra máy cấy lúa nhằm giảm sức lao động cho người nông dân.
Theo Dân trí