Đối mặt nhiều nguy hiểm khi vác hàng qua các cung đường mòn, đội ngũ cửu vạn có thể bỏ túi tiền triệu mỗi đêm. Từ đây nhiều người đổi đời, sở hữu tiền tỷ và biệt thư ở quê nhà.

Kỳ 1: Bí mật ở con đường ‘bán sức’ kiếm tiền triệu mỗi đêm

Video: Cửu vạn chia sẻ thu nhập từ việc vác hàng thuê

Con đường mòn nằm cạnh chùa Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) là một trong những địa điểm được các đối tượng tập kết và vận chuyển hàng lậu qua biên giới.

16 giờ chiều ngày 9/12, nhờ một “cò” dẫn đường, phóng viên vào được nhóm cửu vạn, theo họ lên bãi “đi hàng”.

{keywords}
Cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng, Lạng Sơn)

“Cò” này cho hay: "Muốn làm cửu vạn không hề dễ dàng, phải có người quen giới thiệu. Nếu không ngồi chờ dài cổ cũng chẳng ai thuê".

Theo quan sát của PV, hoạt động cõng hàng diễn ra cả ngày nhưng náo nhiệt nhất thường vào khung giờ từ tối cho đến sáng sớm.

{keywords}
Cạnh chùa Tân Thanh có một con đường mòn nối giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Anh ta cho biết, một nguyên tắc phải ghi nhớ đó là tuyệt đối giữ im lặng, không khai ra tên tuổi, địa chỉ của chủ hàng, cách thức vận chuyển trong trường hợp bị bắt giữ.

Cuộc trốn chạy trên "cung đường bạc triệu"

Cửu vạn tên Thành (SN 1974, quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa) tiết lộ, mỗi đêm, trên các ngọn núi có vẻ khá tịch mịch, im ắng nhưng kỳ thực có hàng trăm người đang vượt qua các dốc đá hiểm trở, cõng trên lưng lượng hàng hóa lớn sang Trung Quốc hoặc ngược lại.

Tất cả đều diễn ra trong bóng tối bởi các cửu vạn đã quen thuộc với cung đường nên chẳng cần đèn pin vẫn vác bao hàng trên lưng, đi phăm phăm.

{keywords}
Một nữ cửu vạn cõng lượng hàng lớn từ bên biên giới về.

Suốt quá trình băng rừng, lội suối hễ có tín hiệu báo động sự xuất hiện của lực lượng chức năng, họ nhanh chóng chui lủi trong các ngóc ngách để tránh bị bắt.

Ai may mắn thì bảo toàn được hàng, còn không họ vứt xuống khe núi, thoát thân. Chuyến đó coi như tay trắng, không được nhận tiền công. Chưa kể trường hợp cửu vạn sơ sẩy ngã xuống vách núi, tai nạn…

“Đường núi khó đi, có thể gặp tai nạn gây thương tích nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận vì kế sinh nhai. Tuy nhiên, việc phu khuân vác bị tử nạn ít khi xảy ra”, anh Thành khẳng định.

{keywords}
Khu vực làm thủ tục xuất/nhập cảnh tại cửa khẩu Tân Thanh.

Nhiều năm trôi qua, nữ cửu vạn Minh (SN 1982, quê Hải Phòng) vẫn ám ảnh về lần suýt bỏ mạng bên vách núi.

Minh kể, ngoài cõng hàng, chị và một số người mang xe máy chở hàng sang nước bạn qua đường mòn. Những chiếc xe nhìn tưởng như cũ nát nhưng mỗi lần “đi hàng”, nó không khác gì con “chiến mã”.

"Đường gập ghềnh, khúc khuỷu nhưng tôi đi chỉ vài buổi là quen. Đêm đó, tôi cùng nhóm cửu vạn chở hàng sang bên kia.

Khoảng 20 phút sau, có động, biết bị lộ, cả nhóm bỏ chạy. Tôi tăng tốc, lao xe đi mà không hề hay biết con đường đó 1 bên là vách núi, 1 bên là vực sâu thăm thẳm.

Chỉ đến khi dừng, nhìn lại tôi mới giật mình, thót tim. Chỉ chút nữa thôi là các con tôi mồ côi mẹ”, người phụ nữ này nhớ lại.

Kiếm tiền tỷ nhờ bán sức nơi biên cương

Đối mặt nhiều nguy hiểm trên các cung đường mòn, dẫn sang bên kia biên giới, đội ngũ cửu vạn có thể bỏ túi tiền triệu mỗi đêm. Từ đây nhiều người đổi đời, sở hữu tiền tỷ và biệt thự ở quê nhà.

Theo ghi nhận của phóng viên, trung bình 1 tháng các cửu vạn kiếm được khoảng 20 triệu đồng, thậm chí người sức khỏe tốt, chăm chỉ còn kiếm được 25 - 30 triệu/tháng.

Chúng tôi gặp Hùng - một người từng làm cửu vạn (SN 1979 - quê Lạng Giang, Bắc Giang). Anh cho biết mình có thâm niên 20 năm hành nghề luồn rừng, cõng hàng.

Độ tuổi cửu vạn từ 17 đến 60 tuổi. Cá biệt có cả những cụ bà 70 tuổi vẫn ngày ngày gùi hàng, lao vào cuộc chiến “bán” sức lao động. 

Mỗi người tìm đến vùng biên đều có hoàn cảnh riêng, nhưng lý do duy nhất để họ bám trụ nơi đây là vì miếng cơm, manh áo.

{keywords}
Nhiều cửu vạn tiết lộ, 1 tháng làm liên tục không nghỉ, họ có thể kiếm được khoảng 20 triệu đồng.

Giọng chua chát, anh Hùng nói: “Sau thời gian dài làm nghề, tôi gặp ít nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến cột sống. Có lần lên cơn đau dữ dội nhưng tiếc một ngày công, vẫn lên bãi làm.

Chẳng ngờ vừa đi một chặng, hai chân khụy xuống vì đau. Tôi được các cửu vạn khác đưa vào bệnh viện cấp cứu. Điều trị hơn 1 tháng, vừa ổn định lại, tôi lại tiếp tục đi làm.

Ngày ấy không làm lấy đâu tiền nuôi vợ con. Giờ trái gió trở trời, tôi vẫn phải dùng thuốc giảm đau”.

Vậy nhưng Hùng thừa nhận, công việc cửu vạn đã giúp anh trở nên sung túc. Anh cũng mới “nghỉ hưu” cách đây vài năm.

Số tiền tích góp được, anh xây một căn nhà 7 tầng cho bố mẹ ở trung tâm thành phố Bắc Giang và mua xe ô tô vận chuyển hàng hóa. Hiện Hùng đã đưa vợ con lên cửa khẩu Tân Thanh sinh sống, mua nhà.

Hùng cho rằng, ở Lạng Sơn được ví như “thiên đường’ cho nhiều lao động nghèo muốn đổi đời.

Sau vài năm dầm mưa, dãi nắng, họ trở về quê trả hết nợ, và có một số vốn làm ăn. Có người mua được ô tô, xây biệt thự ở quê, hay trở thành ông chủ, sắm ki ốt kinh doanh ở cửa khẩu.

Kiếm tiền dễ dàng, giàu lên nhanh chóng nhưng cũng từ đây nhiều cửu vạn trượt dài trong các tệ nạn.

Mời các độc giả tiếp tục theo dõi kỳ 3: “Đời cửu vạn: Kiếm 30 triệu mỗi tháng, đốt trong một giờ”.

Ông  Hoàng Văn Thảo - Phó chủ tịch UBND xã Tân Thanh (Văn Lãng, Lạng Sơn):

“Việc cửu vạn vác hàng qua núi là hành vi lén lút. Các con đường đều có lực lượng chức năng ngăn chặn nhưng gặp khó khăn, không kiểm soát được hết. 

Hiện số lượng dân từ các nơi khác đổ về đây làm cửu vạn khá đông, chúng tôi cũng không nắm rõ hết, vì công việc của họ mang tính chất thời vụ. 

Khó khăn nhất là lực lượng này di chuyển liên tục, họ lên đăng ký tạm trú, hết hàng họ lại về. Nhiều người lên đây làm cũng không khai báo.

Hàng tháng, chúng tôi đều có lực lượng phối hợp liên ngành đi kiểm tra tạm trú, tạm vắng vào ban đêm nhưng chúng tôi kiểm tra bên này, nhà khác họ thấy động, bỏ chạy.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Bí mật ở con đường ‘bán sức’ kiếm tiền triệu mỗi đêm

Bí mật ở con đường ‘bán sức’ kiếm tiền triệu mỗi đêm

 Từ sáng sớm đến đêm khuya, đội cửu vạn luôn túc trực tại địa điểm bốc vác hàng. Họ kiếm tiền triệu mỗi đêm với công việc vận chuyển hàng lậu...

Nhóm phóng viên