Lời tòa soạn:  Không gian mạng dần dần đã không còn “ảo” nữa khi nhà nhà, người người đang dành rất nhiều thời gian cho mạng. Lẽ tất yếu, trên đó giờ không chỉ có lời hay ý đẹp, mà cũng đang bị ô nhiễm bởi tràn ngập những hành động bêu rếu, xúc phạm nhau, thậm chí cả ăn cắp, lừa đảo lẫn nhau…

Mọi thứ “lệch chuẩn” đó còn dễ dàng phát tán trên không gian mạng hơn bởi pháp luật và các công cụ quản lý còn chưa bao phủ được hết “cuộc sống” còn khá mới này.

Báo VietNamNet triển khai loạt bài có chủ đề "Dọn sạch không gian mạng" với mong muốn nêu ra những thực trạng đau lòng về sự ô nhiễm của cuộc sống mạng, tìm ra nguyên nhân lý giải và nhất là gợi mở cách thức để quản lý cũng như kêu gọi mọi người cùng chung tay xây dựng một không gian mạng sạch sẽ, văn minh và lành mạnh để mỗi chúng ta và con em chúng ta đều được “sống đẹp” dù ở bất cứ đâu, trên mạng hay trong đời thật. 

Thời gian gần đây, chuyện lên mạng livestream để giải quyết một vấn đề gì đó trở nên phổ biến. Người thì lên giới thiệu sản phẩm để bán hàng, người thì giải thích quan hệ với người khác, người lên quyên góp từ thiện, người thì lên kể chuyện đời, chuyện nghề, cảm ơn, xin lỗi… Cuộc sống thực đang được chuyển lên mạng một cách realtime.

Livestream là quyền tự do của mỗi người, tuy nhiên, nói gì trên mạng thì sẽ phải chịu trách nhiệm với những gì mình nói. Có những cá nhân khi xuất hiện, có cả trăm ngàn lượt người theo dõi, triệu lượt xem trên mỗi clip thì ảnh hưởng của nó không chỉ trong một nhóm người mà đã tác động đến toàn xã hội, cá nhân trở thành người của công chúng.

Vũ khí livestream

Doanh nhân Phương Hằng trở thành hiện tượng mạng với những buổi livestream thu hút lượng người xem trực tiếp kỷ lục. Bà đã đánh trúng tâm lý của người xem khi đề cập đến những người nổi tiếng và có những phát ngôn “động chạm” dậy sóng giới nghệ sĩ. 

Bà Hằng trước đó cũng được biết đến là một nạn nhân của của cộng đồng mạng, khi bà bị nhiều cá nhân, hội nhóm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thậm chí lăng mạ, dọa nạt mà theo bà nói là không muốn nhiều chuyện nhưng lại có quá nhiều chuyện phải nói.

Và bà dùng đúng chiêu đó để đáp trả. Một số câu chuyện đấu tố của bà có tác động tích cực đến giới nghệ sĩ. Hoài Linh sau khi bị đề cập số tiền từ thiện 14 tỷ đã vội vàng đi giải ngân, Quyền Linh công khai xin lỗi vì quảng cáo thuốc quá lố, Hồng Vân cũng phải thừa nhận việc quảng cáo cho sản phẩm gây hiểu lầm là bài học đắt giá. 

{keywords}
Livestream là quyền tự do của mỗi người, tuy nhiên, nói gì trên mạng thì sẽ phải chịu trách nhiệm với những gì mình nói. 

 Nhưng mọi chuyện không dừng ở đó, nữ doanh nhân thổi bùng ngọn lửa khẩu chiến khi gọi những người làm nghệ thuật là "đám nghệ sĩ", tố ca sĩ “cướp chồng, đẻ thuê, làm gái”, các hoa hậu cũng bị bà Hằng đưa ra mổ xẻ 'hoa hậu bây giờ chỉ cần 500 triệu đồng đến 2 tỷ là có vương miện'. 

"Fan" của bà Hằng sẵn sàng tuyên chiến với những người phản bác lại, không trùng với quan điểm. Vô tình, những người xa lạ và bình thường trong cuộc sống trở thành phe phái trên mạng, sẵn sàng chửi bới, đe dọa nhau mà nguồn cơn là những câu chuyện chưa được khẳng định.

Chuyện trên mạng xâm nhập cuộc sống thực

Người lớn là tấm gương phản chiếu dành cho trẻ em, chính vì thế, hành vi trước đám đông của người lớn luôn có tác động không nhỏ với con trẻ. 

 Một điểm gây chú ý và bị phản ứng trong một livestream của doanh nhân Phương Hằng là liên tục mời người xem uống rượu. Câu hỏi đặt ra ở đây, là: Người lớn có thể ý thức được về rượu, nhưng trẻ em thì chưa, nếu vô tình xem được đoạn mời chào này, ai có thể dám chắc không có những đứa trẻ tò mò học theo hành vi này?

Không chỉ mời uống rượu, nữ doanh nhân trong một đoạn livestream tuyên bố sẽ rời khỏi Việt Nam, ra nước ngoài vì không chịu nổi thị phi trong nước. Lại một lần nữa, cần đặt ra câu hỏi: Nếu trước màn hình livestream là những cô bé, cậu bé mới lớn nghe lời khuyên này, chúng sẽ nghĩ về nơi mình đang sinh sống như thế nào để “idol” ở trên kia khuyên nhủ cần ra đi?

 Cộng đồng mạng cũng không xa lạ gì với những câu tuyên bố của nhiều dân chơi như: Việt Nam nói là làm, tút này được nghìn like em sẽ đốt xe, hay nếu hôm nay Việt Nam thắng em sẽ khoả thân... Thực tế chuyện đốt xe đã xảy ra.

Không chỉ có những tuyên bố, một bộ phận giới trẻ học theo nước ngoài tự hành hạ bản thân mà điển hình là Thử thách Cá voi xanh. Đó là tự dùng dao rạch tay càng nhiều càng tốt. Bi kịch thực sự đã đến với nhiều người từ trò chơi này, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên.  

Tỉnh táo khi tham gia không gian mạng

Không gian mạng đã mang đến cho con người một kỷ nguyên mới với rất nhiều thông tin hữu ích. Tuy nhiên, mặt trái của nó chính là tạo nên những sát nhân tinh thần giấu mặt. Khi bạn trở thành con mồi, thành nạn nhân của mạng xã hội, bạn đồng loạt bị tấn công và quay cuồng trong đám đông nhưng lại không thể nắm được họ là ai. 

Khoan hãy nói chuyện ai đúng ai sai, nhưng việc một đám đông tấn công một cá nhân thì cá nhân đó khó mà chống cự lại. 

Có nhiều trường hợp bị pháp luật xử lý, nhưng có nhiều việc thuộc phạm trù đạo đức, văn hóa chưa đến mức xử lý theo luật. Vậy, làm sao để dọn sạch được không gian mạng có lẽ cần chung tay của cả cộng đồng góp ý kiến cho một chế tài nghiêm khắc hơn, hình thức xử lý cụ thể cho từng sự việc.

Và một điều quan trọng hơn là chính chúng ta. Hãy tưởng tượng nếu một ngày bạn trở thành mồi nhậu của đám đông trên mạng cô bé nữ sinh bị chê ngoại hình, con cái chúng ta tập uống rượu, thử trò Cá voi xanh thì bạn sẽ làm gì? Mạng ảo, nhưng bi kịch là thật. Mỗi chúng ta nếu ý thức được việc làm của mình trên mạng xã hội thì đó chính là góp một phần cho việc dọn sạch rác trên không gian mạng. 

Hoài Thương

Rác mạng: Livestream bán hàng kiếm sống... cũng chửi khách

Rác mạng: Livestream bán hàng kiếm sống... cũng chửi khách

Không dừng ở livestream chửi nhau, hẹn giải quyết ân oán, đến hoạt động bán hàng online mang lại nguồn thu cho mình, nhưng không ít chủ shop khi livestream bán hàng chửi rủa khách không ra gì.

Rác mạng: Từ livestream chửi nhau đến đánh, bắn nhau ngoài đời

Rác mạng: Từ livestream chửi nhau đến đánh, bắn nhau ngoài đời

Những buổi livestream nghìn like với đủ bình luận kích động khiến không ít giang hồ mạng ảo tưởng, từ thỏa sức chửi rủa, nhục mạ người khác đến manh động hẹn nhau quyết chiến, thậm chí bắn nhau ngoài đời.