Sinh năm 1943, ông Lâm Văn Bảng (Nam Quất, Phú Xuyên, Hà Nội) lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chia cắt.
Năm 1965, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông nhập ngũ, huấn luyện tân binh tại Thường Tín (Hà Nội), sau đó bổ sung cho chiến trường miền Nam, biên chế Đại đội 16, Trung đoàn 53, Sư đoàn 320.
Tháng 5/1968, ông Bảng cùng đồng đội quần nhau với giặc ở cửa ngõ Sài Gòn (nay là TP.HCM). Trận chiến này, ông trúng đạn pháo, bị thương nặng với 15 vết thương dọc cơ thể, chân trái và tay phải gãy đôi. Đau đớn, mất máu, ông ngất lịm đi.
Khi tỉnh lại, ông phát hiện mình đang ở trạm xá thuộc trại giam Chí Hòa. Mặc dù còn mê sảng, lúc địch hỏi cung, ông vẫn đánh lạc hướng chúng bằng lời khai giả với cái tên thường gọi là Quảng, quê Hải Dương.
Suốt nửa tháng nằm trong trạm xá, địch không cho ông một viên thuốc giảm đau hay kháng sinh nào. Mỗi lần y tá thay băng, lớp da thịt cháy xém, vết gãy bốc mùi hôi thối, đau đớn đến thấu tim gan, nước mắt ông chảy ra giàn giụa. Người chiến sĩ cách mạng lấy miếng vải, chặn ngang miệng để kìm nén tiếng kêu.
‘Bất kể hoàn cảnh nào, đứng trước quân địch, tôi không cho phép bản thân yếu đuối, kêu gào. Tuy nhiên, đến bây giờ, mỗi lần nhìn thấy tấm áo blouse trắng tôi vẫn thấy ám ảnh, rờn rợn sống lưng’, ông Bảng nhớ lại.
Vài tuần sau, địch tiếp tục chuyển ông về trại giam Biên Hòa (Đồng Nai). Tại đây, ông gặp nhiều đồng hương cũ quê Phú Xuyên. Họ xúm vào chăm sóc, che chở ông Bảng.
Ông cùng đồng đội kết nối với các anh em khác trong trại giam, thành lập chi bộ Đảng T18 (phòng giam số 18). Ông Bảng giữ vai trò Bí thư chi bộ.
Cũng trong năm này, ông và nhiều đồng đội bị đày ra lao động khổ sai tại nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang) trên chuyến bay C130.
Nơi đây giam giữ khoảng 3000 tù nhân và được phân chia thành nhiều khu nhỏ. Xung quanh các phân khu đều được bao bọc bởi 7 - 10 lớp hàng rào dây kẽm gai..
Sau thủ tục nhập trại, thứ đón tiếp các tù nhân mới là những trận tra tấn thừa sống, thiếu chết. ‘Chúng dùng mọi ngón nghề tra tấn dã mãn nhất, đóng đinh, bẻ răng, chôn sống, nã đạn vào các phòng giam, chưa kể bị lột trần quần áo, phơi nắng, phơi sương và bỏ đói cho đến chết…’, ông Bảng rùng mình kể.
Đặc biệt, khu biệt giam B2 được coi là nơi khủng khiếp và tàn bạo nhất. Vách phòng giam được dựng bằng thép tấm, đục lỗ nhỏ, mái che bạt, dưới mái gần đỉnh đầu là lưới rào dây kẽm gai sắc nhọn, nền đất tráng xi măng. Ban ngày thì nóng, ban đêm thì lạnh.
Mỗi phòng giam rộng chưa đầy 20m2, chúng nhốt 108 người. Tất cả không có chỗ nằm, chỉ được ngồi hoặc đứng. Các chiếc sĩ xé áo quần, treo người lên thanh xà, cứ thế thay phiên nhau đổi tư thế. Vài giờ cai ngục lại đổ nước thải vào phòng giam. Phần lớn người bị giam trong này khó có cơ hội sống sót, không chết vì trận đòn khốc liệt cũng chết vì bệnh tật.
Bản thân ông Bảng bị cai tù dùng kìm kẹp ngón tay, lấy dùi cui thúc vào bụng - nơi vết thương đang rỉ máu. Chiếc chân bị gãy không được mổ, băng nẹp mà chúng dùng ga-rô băng sơ sài cho ông. Lâu dần, vết thương mưng mủ, loét ra, sưng tấy. Từng mảnh xương vỡ cứ thế đùn lên. Không còn cách nào khác, ông Bảng tự ‘phẫu thuật’ cho mình.
Ông lấy đoạn hàng rào thép gai, mài nhỏ từng đoạn thép mỏng như chiếc kim, luộc nước sôi, sát trùng.
Trong phòng giam chật chội, hôi hám, ông nặn mủ rồi dùng kim khều từng mảnh xương vỡ ra, mồ hôi ướt đẫm. Những cuộc ‘phẫu thuật’ nơi phòng giam diễn ra thường xuyên, đến khi các mảnh xương vụn được lôi hết ra ngoài.
Sau mỗi ca ‘phẫu thuật’, ông kiệt sức, gần như ngã quỵ. Đồng đội xung quanh lấy nước và đồ ăn tiếp sức, động viên ông vượt qua.
Năm 1969, địch ra chỉ thị đàn áp người chiến sĩ cách mạng, phá tan tổ chức của ta. Trong các nhà tù, nhiều người sôi sục, vùng lên đấu tranh, đánh lại quản tù, bảo vệ đồng đội, bảo vệ tổ chức.
Một số người sẵn sàng tẩm xăng thiêu mình để trở thành ‘bó đuốc sống’. Trong đó, người chiến sĩ Hoàng Gia Lượng (Hải Dương) đã viết lá thư ‘Đợi chết’ gửi cho gia đình như lời vĩnh biệt từ trong nhà tù Phú Quốc.
‘Bố mẹ, các anh chị, các em ơi!
Lụa của anh ơi!
Chỉ còn chờ lệnh là con được là ‘cây đuốc sống’, tự thiêu mình để cứu sống đồng đội. Đã 13 ngày con không một hạt cơm, đồng đội con nằm la liệt, không gượng được vì đói khát. Bố mẹ và em đừng khóc nhé, em đừng buồn nhé. Con sẽ sống mãi trong lòng anh em phân khu C10’.
Lá thư sau đó được các tù nhân trong phân khu C10, trại giam truyền tay nhau đọc như một lời khích lệ tinh thần.
Trong số các tù nhân bị chuyển ra Phú Quốc cùng ông Bảng có người đồng hương Dương Bá Ngà (tên trong tù là Dương Bá Ngải) quê Phú Xuyên. Đây là người đồng đội mà mỗi đêm ông Bảng vẫn hằng nghĩ đến.
Ông Ngải là bí thư chi bộ, thường xuyên khích lệ các đồng đội kiên cường, âm thầm đấu tranh trong nhà tù. Địch phát hiện được, chúng lôi ông treo ngược ngoài sân, phơi nắng, phơi sương rồi dùng gậy sắt đánh gãy xương sườn.
Trước khi ngất lịm đi, ông đã dùng chút sức lực cuối cùng hô vang khẩu hiệu: ‘Hồ Chí Minh muôn năm; Đả đảo đế quốc’. Điên cuồng trước ý chí bất khuất của người chiến sĩ cách mạnh, địch tiếp tục dùng nước xà phòng đun sôi, đổ vào miệng khiến ông bị bỏng nặng.
Trước khi mất ông Ngải để lại hai lời dặn cho đồng đội: Thứ nhất ‘Cảm ơn Đảng’. Thứ hai ‘Các anh em cố gắng kiên định, bảo vệ khí tiết của chiến sĩ cách mạng’.
Không khai thác được gì ở ông Ngải, địch mang thi thể ông treo ngoài sân để thị uy, đe dọa các tù nhân khác.
Căm phẫn trước hành động tàn bạo của cai ngục, 1000 tù nhân đã đấu tranh bằng cách tuyệt thực, nổi dậy bắt chúng chấp nhận một số yêu sách như: Cho phép tù nhân học văn hóa; cho phép tù nhân đi lại trong sân; không được bớt khẩu phần ăn; không được tra tấn, phải chôn cất thi thể ông Ngải…
Đến ngày thứ 8, cai ngục nhượng bộ, chấp nhận yêu sách, đồng thời để 4 tù nhân khác hạ thi hài ông Ngải xuống, đưa đi an táng.
Ông Ngải vốn có thân hình cao lớn, sau 7 ngày 7 đêm bị phơi, cơ thể trương phình không nhét vừa áo quan. Các đồng đội đặt ông vào chiếc chiếu, nẹp lại, đưa ông lên quả đồi trọc yên nghỉ. Cảnh tượng thương tâm năm đó đã trở thành tượng đài bất tử, để đồng đội ông Ngải kể lại cho thế hệ mai sau về lòng yêu nước quật cường. Sau khi hạ huyệt, các đồng đội dành 1 phút truy điệu cho người đã khuất.
Mặc dù lăm lăm tay súng, khuôn mặt đằng đằng sát khí nhưng đội cai ngục đi theo cũng phải chùn bước trước tấm lòng của những người chiến sĩ quả cảm. Giữa sự sống và cái chết, những chiến sĩ đó chọn cái chết thanh cao nhất để giữ lòng son sắt với Đảng và quê hương.
Tháng 2/1973, theo Hiệp định Paris, ông và nhiều tù nhân khác được trao trả tại bờ sông Thạch Hãn, tròn 4 năm 8 tháng 7 ngày ông sống trong sự tra tấn, dày vò của địch.
Ông được đưa vào bệnh viện 7 mổ chiếc chân gãy nhưng phải trải qua nhiều ca mổ nữa, cựu binh mới rời được chiếc nạng gỗ, tự tập đi.
Trở về đời thường, ông Bảng chuyển sang học Trung cấp Kỹ thuật cầu đường. Năm 1985, cựu binh này được giao phụ trách mảng giao thông (Công ty 236 thuộc khu quản lý đường bộ 2).
Quá trình chỉ huy sửa chữa Cầu Giẽ, đơn vị của ông phát hiện một quả bom nằm ngay dưới chân cầu. Sau khi xử lý, vô hiệu hóa, ông Bảng cho xây một cái bệ ngay trước cầu rồi đặt quả bom lên để trưng bày.
Cũng từ năm đó, ông bắt đầu nung nấu ý tưởng xây dựng phòng truyền thống chiến sĩ cách mạng bị tù đày nhằm mục đích ‘ôn cố tri tân’, trả nghĩa cho đồng đội - những người đã bất chấp tính mạng để ông và các chiến sĩ khác được sống.
‘Bị địch bắt và giam cầm, tôi tận mắt chứng kiến rất nhiều đồng đội bị tra tấn, có những người đã hi sinh ngay sau những màn tra tấn khủng khiếp của quân địch… những ký ức đó luôn đau đáu, day dứt tôi hàng chục năm trời’, giọng xúc động ông Bảng nói.
Chính vì vậy, năm 2003 nhận quyết định nghỉ hưu, ông Bảng bắt tay vào xây dựng một phòng truyền thống, lưu giữ các kỷ vật để tưởng nhớ đồng đội đã khuất.
Chia sẻ về quá trình xây dựng, sưu tầm hiện vật, ông Bảng cho biết, đó là quãng thời gian khá vất vả. Ban đầu, ông trao đổi với vợ tâm nguyện của mình, bị bà phản đối.
Ông nhờ hai người anh trai, cũng là những chiến sĩ cộng sản, từng bị địch bắt và tù đày giúp đỡ. Thấu hiểu tâm tư của em, họ đã thuyết phục mọi người trong gia đình, dòng tộc chung tay ủng hộ.
Cựu tù sinh năm 1943 sưu tập hiện vật từ các nơi, để vào căn phòng rộng chưa đầy 12m2. Càng ngày, số hiện vật càng lớn. Ông quyết định mở rộng phòng trưng bày, nâng quy mô thành bảo tàng với tên gọi Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.
Các anh ông Bảng chuyển đi nơi khác sinh sống, để lại toàn bộ mảnh đất rộng 2000m2 cho em trai út hiện thực hóa giấc mơ. Để có kinh phí xây dựng, duy trì hoạt động của bảo tàng, ông đã bán một căn nhà và hai mảnh đất, cùng vợ con chuyển sang căn hộ tập thể sinh sống.
Tới tháng 10/2006, UBND tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) ra quyết định công nhận đây là Bảo tàng tư nhân với 2.000 hiện vật, kỷ vật, hình ảnh của các chiến sĩ, đồng đội trao tặng lại. Ông Bảng giữ vai trò giám đốc bảo tàng.
Từ năm 2013, bảo tàng bắt đầu được nhà nước hỗ trợ một khoản kinh phí nhỏ. Tuy nhiên, hàng tháng, ông vẫn tiết kiệm tiền trợ cấp thương binh, dùng làm từ thiện, phục vụ công tác của bảo tàng.
Ông Bảng chia sẻ, khó khăn lớn nhất là sưu tầm các hiện vật. Ở tuổi xế chiều, di chứng của chiến tranh hoành hành trên da thịt, ông vẫn lặn lội khắp nơi, vào Nam, ra Bắc, tìm đến nhà các đồng đội cũ ngày còn trong tù quyên góp đồ.
Một đồng đội ông ấn tượng là Nguyễn Văn Phong (Bắc Giang). Ông Phong nhiễm chất độc màu da cam, hoàn cảnh khó khăn, có đứa con trí tuệ kém phát triển.
Gia tài quý giá nhất của ông Phong là chiếc hòm gỗ cũ kỹ. Trong chiếc hòm, ông nâng niu cất giữ quyển chính trị viết bằng tay khi còn bị giam ở Phú Quốc.
‘Mỗi 1 hiện vật trong bảo tàng gắn với 1 câu chuyện, 1 nhân chứng lịch sử. Hơn 10 năm hoạt động, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đang trưng bày, lưu giữ và tái hiện hơn 4.000 hiện vật, được chia thành 10 khu khác nhau để giúp cho du khách dễ thăm quan’, ông Bảng cho hay.
Ngoài ông Bảng, hiện có các cựu chiến binh thường trực đảm nhận mọi công việc, hướng dẫn viên giúp du khách tìm hiểu bảo tàng.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng mỗi bữa cơm, vị cựu binh già vẫn giữ thói quen đặt 2 đôi đũa và 2 chiếc bát, mời đồng đội ăn cùng.
Vài năm trước, ông tổ chức đoàn cựu chiến binh về nhà ông Dương Văn Ngải, gặp vợ con của đồng đội thăm hỏi, cùng bà bay vào Phú Quốc đưa di cốt ông Ngải về quê hương chôn cất và quyên góp xây dựng cho họ căn nhà tình nghĩa như một lời tri ân.
Ngày 19/8 vừa qua, ông Bảng vinh dự góp mặt tại chương trình Giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.
Ông xúc động nói: 'Đây là niềm vui của tôi cũng như anh em cựu chiến binh trong bảo tàng. Hi vọng, những câu chuyện, công việc mà chúng tôi đang làm sẽ lan tỏa và truyền lửa đến các thế hệ mai sau, tiếp bước cha ông, bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc'.
Những đứa trẻ bụi đời trong căn nhà ở gần ga Hàng Cỏ
'Những đứa trẻ đến với chúng tôi như một cái duyên. Dù không có chủ ý làm từ thiện vì cuộc sống lúc đó còn khó khăn, nhưng chúng tôi đã không nỡ để chúng rời đi...'.
Bài và ảnh: Diệu Bình
Thiết kế: Thu Hằng