- Ở Việt Nam dùng iphone nhưng khi đến Mỹ tôi chuyển sang dùng điện thoại “cục gạch” với giá chỉ hơn 1 triệu đồng.
Tôi từng là một người mua đồ theo cảm tính, chọn mua một món đồ thường bị chi phối bởi trào lưu “đang hot”, “vì nó thời thượng”, “vì nó đẳng cấp” chứ không phải vì “nó phù hợp với nhu cầu sử dụng” của bản thân.
Tiêu chí mua đồ luôn ưu tiên “giá trị chưng diện” thay vì quan tâm đến giá trị sử dụng. Một ví dụ điển hình là chọn mua laptop, khi ở Việt Nam, đang dùng quen hệ điều hành Windows nhưng khi đổi máy mới để sang Mỹ du học, tôi lại chọn Macbook với hệ điều hành IOS.
Khi dùng rồi thì nhiều lúc thấy bất tiện, không phù hợp với nhu cầu bản thân vì nhiều ứng dụng hay dùng hệ điều hành IOS không hỗ trợ. Nhưng "gạo đã nấu thành cơm", hằng ngày tôi vẫn phải làm việc với chiếc máy không thực sự hữu ích cho công việc của mình.
Trước khi sang Mỹ, tôi đang dùng iphone 5 và dự định sang đến nơi sẽ rinh ngay iphone 7 plus màu hồng, phiên bản mới nhất hiện hành nên đã không mang theo chiếc iphone đang dùng sang Mỹ.
Nhưng các bạn Mỹ tôi gặp đã thay đổi suy nghĩ của tôi, giúp tôi quyết định mua một chiếc điện thoại bình thường (thường gọi là “cục gạch”) với giá chỉ hơn 1 triệu đồng thay vì vung gần 20 triệu đồng mua iphone.
Cụ thể là tôi bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của bạn cùng phòng người Mỹ. Từ ngày vào đại học, cô ấy tự trang trải cuộc sống, không còn được bố mẹ “trợ cấp” như phần đông người Việt mình. Vì thế cô ấy chi tiêu rất hợp lý, luôn cân nhắc cặn kẽ trước khi quyết định chi tiêu.
Đặc biệt là khi lựa chọn một món đồ có tuổi thọ dài và gắn liền với cuộc sống, công việc như laptop, điện thoại, thứ cô ấy quan tâm hàng đầu là giá trị sử dụng.
Cô ấy sẽ cân nhắc xem món đồ đó có phù hợp với nhu cầu của mình hay không chứ không phải chọn loại nào thời thượng, loại nào đẳng cấp. Điều thứ hai được bạn cùng phòng của tôi cân nhắc là làm sao để tiết kiệm chi phí tối đa nhất.
Cô ấy dùng một chiếc điện thoại cũ trị giá 20 đô la (khoảng hơn 400 ngàn đồng) từ mấy năm nay, cô ấy đổi điện thoại gần đây khi chiếc điện thoại cũ không còn sử dụng được nữa. Cách cô ấy lựa chọn chiếc điện thoại phù hợp với nhu cầu sử dụng và túi tiền của mình đã tác động mạnh mẽ đến tôi.
Quyết định không mua iphone mà chuyển sang dùng “cục gạch” hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của tôi hiện tại. Thứ nhất, ở Mỹ, tôi không có nhu cầu sử dụng điện thoại nhiều, chưa có bạn bè, cũng không có đối tác làm ăn. Tôi mua điện thoại chỉ để “có số điện thoại”.
Tôi liên hệ với gia đình và thầy cô bạn bè ở đây chủ yếu qua mạng xã hội và email. Thứ hai tôi đã có ipad phục vụ cho nhu cầu chụp ảnh, lướt web, chơi game, vì thế, một chiếc iphone chỉ để “chưng diện” vào thời điểm này mà thôi.
Cân nhắc giá trị sử dụng khi lựa chọn đã giúp tôi mua đúng món đồ phù hợp với nhu cầu của mình, tiết kiệm được một khoản tiền kha khá. Điều quan trọng hơn là nó giúp tôi từ bỏ thói quen xấu “cắm mặt vào điện thoại”.
Trước đây, tôi luôn kè kè chiếc điện thoại bên mình, chốc chốc lại bấm màn hình xem có tin gì mới, khi rảnh thì hầu hết thời gian cắm mặt vào điện thoại chơi game, lướt mạng xã hội.
Nhưng kể từ khi dùng “cục gạch”, tôi đã bỏ được thói quen này, tôi có nhiều thời gian đọc sách hơn, nhiều thời gian ngắm trời mây cây cối hơn, thấy hứng thú khi nói chuyện trực tiếp với bạn bè, người thân hơn.
Tôi không phủ nhận tầm quan trọng của chiếc điện thoại với công việc và cuộc sống của chúng ta. Thực tế là chiếc iphone ngày tôi còn ở Việt Nam thực sự hữu ích với công việc của tôi.
Nhưng đôi khi vì quá kết thân với chiếc điện thoại mà mặt tôi lúc nào cũng chỉ cách cái màn hình một gang tay. Đi ăn đi chơi với bạn bè, chúng tôi không nói chuyện với nhau mà chỉ cắm mặt vào điện thoại lướt Facebook.
Tôi chia sẻ bài viết này không phải để nói rằng bạn không nên dùng iphone hay điện thoại đa chức năng nữa. Thông điệp tôi muốn gửi gắm là hãy chọn mua món đồ phù hợp với nhu cầu sử dụng và túi tiền của bản thân.
Khi bớt “cắm mặt vào điện thoại” lướt Facebook, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn cho công việc, học tập, nhiều thời gian để giao tiếp mặt, trò chuyện với bạn bè, người thân.
Cay đắng 'cắm' xe, điện thoại trả tiền bữa ăn cho nhóm bạnLúc thanh toán, tôi ngồi im vì nghĩ mình chỉ là khách mời. Tôi lại đến muộn, chưa ăn uống được gì. Tuy nhiên, nhân viên lại mang hóa đơn đưa cho tôi vì tôi là người đàn ông duy nhất trong bàn. Người giàu chi hơn 2 tỷ đồng đi xem xác tàu TitanicDu lịch đến Bắc Đại Tây Dương để xem xác tàu Titanic đang là thú vui mới thu hút người lắm tiền nhiều của. |
La Na (Từ Kentucky, Mỹ)