Người trẻ 'đã khác xưa’… do bố mẹ?
Đó là ý kiến của khá nhiều độc giả VietNamNet sau bài viết “Cãi nhau tay đôi với người lớn: Nhiều người trẻ 'đã khác xưa’”. Bạn Trần Sơn khi nêu ý kiến: “Việc hỗn láo với người lớn tuổi thể hiện ở cách giáo dục của cha mẹ. Giáo dục văn hóa trong mỗi gia đình rất quan trọng”.
Cùng chung quan điểm, độc giả tên Yên cho rằng: “Con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Thái độ không đúng mực với người lớn tuổi thể hiện sự giáo dục của cha mẹ chưa nghiêm”.
Trong khi đó, độc giả Lão An nhận xét việc không lễ độ, thiếu tôn trọng… là “bản sắc” của giới trẻ: “Ứng xử không có kính trên nhường dưới, không lễ độ, thiếu tôn trọng... dần dần trở thành "bản sắc" của giới trẻ rồi. Ông bà thì muộn phiền, bố mẹ thì không nhắc nhở nổi bởi bản thân chính phụ huynh cũng quên hết những cách cư xử ấy”.
Đây cũng là góc nhìn của bạn Ngọc Vân: “Cái chuyện kính trên nhường dưới hình như bây giờ quá xa lạ với lũ trẻ con. Chúng coi việc cãi nhau tay đôi với ông bà cha mẹ là cách thể hiện cá tính nữa cơ”.
Và các độc giả như Hoa Bình, Ngọc Anh… cũng có quan điểm tương đồng khi chia sẻ: “Cái gọi là lễ phép ấy, giới trẻ giờ quên lâu rồi. Ngồi nói chuyện bình thường với nhau còn chao chát như thể cãi nhau nữa là. Làm sao mà đòi chúng biết tôn trọng, lễ phép với người lớn” hay “Ngày xưa có ăn mời gọi dạ, ngày nay hầu hết các nhà quên hết những thói quen ấy rồi”…
Nhưng liệu người lớn có luôn đúng?
Ý kiến này được độc giả Bình Hà thẳng thắn nêu và nhận được khá nhiều lượt tương tác từ các bạn đọc khác: “Đôi khi không phải người lớn tuổi nào cũng đúng và việc tranh cãi xảy ra là bình thường. Quan trọng là thái độ của mỗi người trong từng tình huống mà thôi”.
Bạn Tuấn là một trong những độc giả chung quan điểm: “Quan trọng là người đó như thế nào, tài năng, đạo đức và làm được gì để mọi người xung quanh tôn trọng. Không phụ thuộc vào độ tuổi”.
Độc giả Lê Long chia sẻ: “Khi bạn là người lớn, bạn tôn trọng trẻ nhỏ thì tất nhiên trẻ sẽ tôn trọng lại, và chính sự tôn trọng lẫn nhau sẽ dẫn dắt mọi người tranh biện có văn hóa hơn, thái độ chuẩn mực hơn. Chính vì quan niệm lễ độ, kính trên nhường dưới... mà người lớn thiếu tôn trọng trẻ nhỏ”.
Câu chuyện của bạn Thanh Sơn cũng nằm trong luồng quan điểm này và chắc chắn sẽ khiến nhiều người phải suy ngẫm: “Tôi là người thường xuyên đi xe bus và thường xuyên nhường ghế cho người lớn tuổi vì tôi nghĩ mình còn trẻ, khỏe và có thể đứng cho dù quãng đường là 20-30km đi chăng nữa. Tôi thấy điều này là hết sức bình thường.
Tuy nhiên có một điều mà tôi thấy chạnh lòng. Khi mình nhường ghế cho người lớn tuổi, ít nhất theo phép lịch sự, họ cũng nên nói lời cảm ơn. Phải nói thật là 10 người tôi nhường ghế, may ra có được 1-2 người cảm ơn. Phải chăng người lớn tuổi có suy nghĩ là tôi lên xe bus, mặc nhiên các bạn trẻ tuổi phải nhường ghế cho tôi nên không cần phải cảm ơn?".
Cãi nhau tay đôi hay tranh luận?
Không ít độc giả đặt câu hỏi: Có chắc là cãi nhau tay đôi không? Trường hợp của bạn LeLong là một ví dụ. Bạn cho rằng “rất dễ nhầm lẫn giữa cãi nhau tay đôi và tranh luận, phản biện để bảo vệ quan điểm” và đặt câu hỏi: “Được bao nhiêu người chấp nhận cho con cháu "tranh cãi" (chứ không phải cãi nhau như nhiều người tưởng)?”.
Độc giả Lý Minh lại khẳng định tranh luận không có nghĩa là hỗn láo: “Tôi tuyển dụng các nhân viên trẻ ở công ty và tôi khuyến khích tranh luận: kể ở cả trong gia đình cũng vậy. Tranh luận không có nghĩa là con trẻ lý sự cùn hoặc tỏ thái độ hỗn láo”. Còn bạn QueHaNoi cho biết: “Ngày xưa nói chuyện với người lớn tuổi thì không được phép giơ tay "diễn giải" sự việc câu chuyện. Nó chẳng có gì là vô lễ cả nhưng đã bị mặc định như vậy là... vô lễ”.
Chia sẻ của độc giả Tygon chắc chắn sẽ khiến cả độc giả cao tuổi lẫn những người trẻ phải suy ngẫm, từ đó rút ra bài học riêng về cách đối nhân xử thế: “Người già lúc còn trẻ, khỏe mạnh thì sống quá ích kỷ, “hung hăng”. Ví dụ như ở cùng nhà ba thế hệ nhưng người lớn hay chỉ trích, la mắng, quát nạt đánh đập, dùng mọi uy quyền làm xáo trộn cả một gia đình. Điển hình là trường hợp mẹ chồng la mắng, chỉ trích con dâu; không giúp đỡ được gì cho con cháu...
Sống vậy thì làm sao tụi trẻ tôn trọng được? Khi về già, không có tình yêu thương từ con cháu, lại trách móc, bảo bất hiếu, không biết kính trên nhường dưới... Nói chung hệ lụy từ lối sống cũ nên một số gia đình rơi vào hoàn cảnh bất lực. Chính vì vậy chúng ta cần thay đổi suy nghĩ, dạy con trẻ và chính mình luôn có lối sống chuẩn mực, phải phép để cùng làm gương cho nhau dù ở mọi hoàn cảnh nào”.
Lê Cúc (Tổng hợp)
Thời chúng tôi được dạy cách ứng xử từ những câu chuyện nhỏ
"Có cặp đôi kia đi ăn phở, gọi loại ngon, đắt tiền hơn nhưng vừa ngồi ăn vừa nói xấu người khác. Thầy hỏi chúng tôi có chuyện như thế, các em thấy thế nào".