Ảnh minh hoạ |
17 tuổi, tôi về Hà Nội, bước chân vào trường đại học, học một ngành khi đó đang rất “hot” nhưng cả nhà đều không thích, cả họ chẳng có ai đỡ đầu hoặc chỉ bảo theo kiểu “ngành dọc”, đơn thuần chỉ bởi là ý thích của tuổi trẻ.
Những tháng ngày đầu, biết bao khó khăn, bỡ ngỡ, lạ lẫm, thử thách, vất vả… khiến có lúc tôi đã nghĩ sẽ bỏ cuộc. Nhưng với suy nghĩ đã chọn thì không thể thất bại, tôi buộc mình thích ứng, buộc mình phải thay đổi cả về con người thể chất và tư duy để bắt nhịp.
Vốn là dân chuyên toán nhưng lại có năng khiếu về văn thơ, có vốn ngoại ngữ được bố hướng cho từ nhỏ, tôi biến đó thành lợi thế để mình bật lên và hỗ trợ, hòa đồng với các bạn.
Những giờ học trên giảng đường, những bài tập khổ cực trong võ đường, trên thao trường… cho tôi thêm rắn rỏi, bớt đi sự ngờ ngệch của cậu học trò miền núi.
Có lần tập võ thuật, thực hành đối kháng boxing, tôi sợ hãi đến mức gần như ngất xỉu khi lá thăm bốc phải đối thủ là anh chàng cao hơn 1m80, cao thủ võ thuật toàn khóa nhưng rồi cũng phải cắn răng vào võ đài. Và rồi, sự sợ hãi qua đi, vận dụng chiến thuật đã được học, mắm môi mắm lợi tôi cũng “chiến” ra trò, ra đòn quên trời đất dù cũng phải đổ vài giọt máu xuống sàn đấu.
Trường toàn nam, ít nữ, lại phải ở 100% trong ký túc xá khép kín nên văn thơ giúp tôi dốc nỗi lòng. Những bài văn, bài báo chong đèn viết khi đêm khuya được đăng trên các báo Hoa học trò, Sinh viên, Mực tím, Áo trắng… không chỉ là niềm vui của tôi mà còn là hạnh phúc của các bạn khi cùng chuyền tay nhau tờ báo biếu được gửi tới trường.
Rất nhiều thư của bạn đọc khắp nơi gửi đến, có những lá thư đến giờ tôi vẫn giữ lại với tất cả sự trân trọng.
Ở ký túc xá (KTX), anh em chúng tôi cùng ăn, cùng ở, thiếu thốn đủ thứ nhưng cùng chia sẻ, động viên nhau, chia sẻ từng mảnh cơm cháy ở nhà bếp, san cho nhau bát mì tôm “không người lái”, hay chia nhau can nước cặn bể khi trạm bơm nước ngầm của trường gặp sự cố hoặc cùng bày kế đọc trộm thư tình của anh bạn cùng phòng… Mỗi người mỗi tính, không tránh khỏi va chạm nhưng đều bảo ban nhau vượt qua những ngày gian khó.
Ngày đó, tôi có một chiếc xe đạp còn khá mới, mấy anh cùng phòng hay mượn dịp cuối tuần để chở người yêu đi chơi. Có lúc, tôi được các anh cho đi ké sang trường Sư phạm, trường Ngoại ngữ hay lặn lội sang tận trường Kinh tế để làm chân gỗ, giúp các anh cưa cẩm các bạn gái trường này hay đơn giản như các anh nói là cho đi theo mà “giải ngố, mở mang tầm mắt, học các bài tán gái kinh điển” hoặc giúp các anh làm đèn chiếu sáng kiểu “bầu trời sao” để các anh tặng bạn gái…
“Học” các anh, tôi cũng bước vào mối tình đầu sâu sắc với bao tình cảm, bao hi vọng nhưng rồi sự ngốc nghếch, nông cạn, trẻ con đã khiến mối tình đó không còn nữa và để lại cho tôi nhiều nỗi buồn và tiếc nuối. Đến giờ mỗi khi nhớ lại tôi vẫn có nhiều hoài niệm.
Tôi thích học ngoại ngữ lắm. Nó như cái máu được truyền từ bố sang từ nhỏ nên dù trong trường không có nhiều điều kiện học thì tôi tìm đủ mọi cách để vùng vẫy. Từ việc kê bàn xuống gầm cầu thang KTX để luyện nghe, xin anh chủ bãi gửi xe ở trường cho mượn tạm một góc khuất của bãi để yên tĩnh học cho đến việc khi các bạn vui chơi các trò thì mình âm thầm xin được phép hằng đêm đạp xe qua con đường tối om chạy qua bãi tha ma để ra trường ngoại ngữ học văn bằng hai tiếng Anh, rồi tối khuya mưa gió rét lại lóc cóc đạp về KTX. Bạn bè nhiều người bảo hâm nhưng tôi kệ và đến giờ càng thấy mình đã nỗ lực đúng đến nhường nào.
Khi chúng tôi học năm thứ 4 đại học, tình hình an ninh trật tự ở các tỉnh Tây Nguyên có nhiều phức tạp. Lớp chúng tôi xung phong và được phân công thực tập thực tế tại tỉnh Đắk Lắk.
Lần đầu đến với Tây Nguyên xa xôi, ai cũng háo hức nhưng cũng nhiều lo lắng, hồi hộp. Tôi cứ nhớ mãi những tháng ngày đồng cam, cộng khổ cùng đồng đội, lăn lội địa bàn, chia sẻ với đồng bào, học được biết bao bài học từ thực tế.
Mê đắm mảnh đất bazan hùng vĩ và khoáng đạt với bạt ngàn hoa cà phê nở trắng núi rừng, với tình người, tình đất như thắm vào máu thịt, cảm xúc nơi ngòi bút của tôi lại luôn trào. Nhưng chính khi đó, sự thiếu chín chắn, hiếu thắng của tuổi trẻ đã khiến tôi gần như gục ngã do một sai lầm lớn trên một bài báo của mình. Rất may, nhờ sự nhận thức lại đúng đắn, sự cảm thông, giúp đỡ của thày cô, bạn bè và gia đình, tôi đã dần khắc phục được hậu quả và đứng lên, có được một bài học thấm thía.
Những ngày làm nhiệm vụ ở Tây Nguyên, lựa khi tình hình tạm yên, được sự cho phép của lãnh đạo đơn vị, mấy anh em xin nghỉ phép, dùng xe máy cùng nhau lang thang suốt cung đường dài qua Đà Lạt, xuống Nha Trang, tới Phan Rang - Tháp Chàm và lần đầu tiên được đến TP. HCM. Những bức ảnh trông rất “ngố rừng” ngày đó mấy anh em chụp ở các nơi, tôi vẫn giữ và mỗi khi giở lại, cảm xúc của tình đồng đội, của tuổi trẻ lại ùa về như ngày nào.
Hoàn thành xuất sắc đợt thực tập nhiều tháng ở Tây Nguyên với thành công “đi dân nhớ, ở dân thương”, chúng tôi trở lại Hà Nội ôn thi tốt nghiệp. Ra trường, mỗi người được phân công công tác ở các đơn vị khác nhau trên mọi miền Tổ quốc. Mỗi người một sự nghiệp, một cuộc sống gia đình riêng, trải qua thời gian mấy chục năm, người còn, người mất theo các ngã rẽ của số phận nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau và cố gắng tổ chức một năm đoàn tụ một lần để cùng động viên nhau, cùng ôn lại những kỷ niệm tuổi trẻ.
Còn tôi, nhiều năm sau, ngoài công việc nghiệp vụ, tôi vẫn giữ trong mình lửa đam mê ngoại ngữ, máu văn thơ và ham học hỏi như thời trẻ. Nghiệp vụ giúp tôi vững vàng ở nhiều cương vị khác nhau, kể cả giờ đây là cán bộ lãnh đạo ở một tập đoàn lớn, ngoại ngữ giúp tôi bước ra thế giới, được đi đến, học hỏi ở nhiều nước khác nhau, trong đó có thời gian ở Mỹ, được học lên các bậc học cao hơn như thạc sỹ hay nghiên cứu sinh. Máu văn thơ giúp tôi trong cả công việc và cuộc sống, cho tôi sự cân bằng, một tâm hồn không khô cứng, luôn biết yêu thương…
Cũng có lúc thăng trầm, thất bại, những lúc vấp ngã nhiều kiểu nhưng tôi đều không quản ngại gian khó để vượt qua. Bản lĩnh và kiến thức được trui rèn từ môi trường kỷ luật, khắc nghiệt và khó khăn của tuổi thanh xuân đã tạo cho tôi tiền đề để vượt lên, có nội lực để không gục ngã trước bất kỳ hoàn cảnh nào.
Giờ đây, khi đã bước vào tuổi trung niên, có khi tôi hay hoài niệm. Không luyến tiếc hay ân hận bởi tôi và các bạn đã sống trọn vẹn tuổi thanh xuân đầy hoài bão, cống hiến và tươi trẻ, dám dấn thân, phấn đấu và dám đứng lên vượt qua những vấp ngã, sai lầm, bồng bột để chín chắn và trưởng thành.
Những ký ức của thời thanh xuân luôn hiện hữu để nhắc tôi giữ đầy năng lượng trong trái tim mình, sống trọn vẹn từng phút giây hiện tại, giữ trọn yêu thương và những điều tốt đẹp để mai này khi có tuổi hơn cũng luôn tự hào khi nhớ về bây giờ như giờ đây tôi nhớ về thanh xuân…
Mời độc giả gửi bài viết chia sẻ về chủ đề "Thanh xuân của chúng ta" tới địa chỉ email: [email protected]. Toà soạn khuyến khích độc giả gửi kèm ảnh phù hợp. Trân trọng! |
Nguyễn Hoàng Đoàn
Thanh xuân của em không phải trò đùa của anh
Hạ Linh đã suy nghĩ rất nhiều ngày, cô triền miên mất ngủ và rơi vào những đêm trắng cùng rượu và khói thuốc khi Quốc Quân không ở đây. Cần phải nói thêm rằng, cô vốn không phải một kẻ bê tha.