Video:
Quán trà trả tiền tùy tâm
Vừa bước chân qua 2 cánh cửa gỗ, khách bất giác chìm vào không gian trà đạo với hương thơm ngan ngát, tiếng nhạc thiền dịu êm. Cách bày trí của quán cũng mộc mạc, giản dị với các kệ gỗ handmade đựng các loại trà cụ.
Thức uống tại quán không đề giá. Khi ra về, khách có thể không trả tiền hoặc đóng góp tùy tâm cho quán tại thùng gỗ đặt trước cửa ra vào.
Không gian đặc biệt ấy thuộc về quán trà nhỏ nằm trong một con hẻm trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Anh Phạm Hoàng Sơn, người đồng sáng lập quán trà cho biết, anh rất mong mô hình này được nhân rộng trong cộng đồng. |
Nhấp một ngụm trà, anh Phạm Hoàng Sơn (30 tuổi, người đồng sáng lập quán trà trả tiền tùy tâm) cho biết, quán trà nhỏ, phục vụ những người yêu trà, thích sống chậm để chiêm nghiệm giá trị cuộc sống, tìm ra giá trị bản thân.
Những người khách đến quán đều được các thành viên tại đây xem như người thân. Quán trở thành ngôi nhà chung của mọi người. Các bạn trẻ có thể đến thưởng trà, thậm chí ở lại quán, cùng vượt qua những nỗi buồn trong cuộc sống.
Anh Sơn nói, anh quyết tâm thực hiện mô hình này sau khi nhận thấy nhiều bạn trẻ, đặc biệt các bạn ở độ tuổi 25-30 đang rất hoang mang trong cuộc sống.
“Tuổi này, các bạn bắt đầu đi làm và nhận thấy cuộc sống quá khác so với những gì được học trên ghế nhà trường. Vấp váp, bỡ ngỡ, các bạn cảm thấy hoang mang và bị đời sống vật chất cuốn đi, biến mình thành con rô-bốt. Những lúc ấy, các bạn cần sống chậm lại để tìm con người thật của mình, hiểu đâu là giá trị cuộc sống. Và, không gian này là một nơi như vậy”, anh Sơn chia sẻ.
Những người thành lập mô hình này cho biết, quán theo đuổi giá trị của việc lan tỏa tình yêu thương, sự vị tha. |
Sau một năm thai ngén ý tưởng, đầu năm 2018, anh cùng bạn bè bắt tay xây dựng quán trà từ vô vàn khó khăn. Với tinh thần đây là dự án vì cộng đồng, kinh phí xây dựng quán đều đến từ sự đóng góp của bạn bè, mạnh thường quân. Ai có tấm lòng đều có thể đóng góp. Người góp vật chất, người góp sức lực…
Để duy trì quán, các thành viên lập ra thùng tùy tâm để trước cửa. Tuy nhiên, anh Sơn nói, tiền từ thùng này không khi nào đủ để duy trì quán. Những lúc như vậy, mọi người lại cùng nhau đóng góp theo kiểu để quán có thể tiếp tục hoạt động.
Nơi tìm lại chính mình
Anh Sơn cho biết, giá trị cốt lõi mà quán trà hướng đến là giá trị của tình yêu thương và sự vị tha. Bởi, trước khi có ý tưởng thành lập mô hình, anh vấp phải nhiều biến cố trong cuộc sống. Và chỉ có lòng vị tha, tình yêu thương mới chữa lành những vết thương ấy.
Trước khi thành lập quán, anh Sơn là người thành đạt. “Còn rất trẻ nhưng tôi đã có xe ô tô, có nhà ở TP.HCM. Tuy nhiên, chưa đêm nào tôi ngủ ngon. Lúc nào tôi cũng phải suy tính đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình. Áp lực công việc khiến tôi mệt mỏi”, anh Sơn tâm sự.
Khách đến thưởng trà, chiêm nghiệm cuộc sống có thể không trả tiền hoặc đóng góp tùy tâm cho việc duy trì sự hoạt động của quán. |
Thế rồi, sau khi bị tai nạn giao thông, nhiều biến cố khác cũng ập đến với chàng trai trẻ. Cú sốc đến từ chuyện tình yêu đổ vỡ khi cả hai đã tính chuyện vợ chồng khiến anh nghĩ đến việc buông bỏ tất cả.
Cuối cùng, giữa lúc sự nghiệp đang thăng hoa, anh xin nghỉ việc để sống chậm lại, tự mình đi tìm giá trị đích thực của bản thân, của cuộc sống.
Bỏ việc, không còn tiền bạc, quyền lực, chỉ sau 3 tháng, anh mất hết toàn bộ mối quan hệ. Đến lúc này, anh mới nhận ra, các mối quan hệ trước đó của mình chỉ dựa trên tiền bạc.
“Thời điểm đó, tôi khổ sở lắm. Có nhà nhưng như kẻ vô gia cư, không dám về. Trước kia tôi xài tiền không cần suy nghĩ, nghỉ việc tôi phải tính toán mua cái gì ít tiền nhưng được nhiều”, anh nói.
Từ một người thành đạt, anh sống lang thang, ăn mì gói cho qua bữa. Anh nói, có nhiều đêm, anh ăn mì chống đói rồi khóc một mình.
Thế nhưng, anh bỏ qua tất cả, không oán trách mình, oán trách đời và quyết định sống chậm lại với ý định thành lập quán trà trả tiền tùy tâm.
Không có kinh phí, việc thành lập quán cũng vấp phải nhiều khó khăn. Đã thế, cha của anh lại tỏ ra thất vọng và buồn khi “lo cho nó học đến cao học giờ đi làm mấy chuyện tào lao”.
Giữa những mối quan hệ thực dụng, anh Sơn vẫn còn đó những người bạn chân tình, người thân hậu thuẫn. Họ chung tay đóng góp tiền bạc, sức lực… cho đến khi quán trở thành sân chơi, nơi sẻ chia những giá trị cuộc sống, lan tỏa tình yêu thương cho giới trẻ.
Anh nói, từ khi quán ra mắt, đã có rất nhiều bạn trẻ đến cùng với những hoang mang, lo lắng đầu đời. Và, với tình yêu thương, quán đã xóa tan những lo lắng ấy, giúp các bạn tự tin hơn.
Khách đến quán trả tiền tùy tâm, có thể tự sử dụng dụng cụ, thức uống trên kệ. |
“Cách đây không lâu, có một bạn trẻ khoảng 20-25 tuổi đến quán. Là con trong một gia đình có điều kiện nhưng bạn lại không có định hướng tương lai. Vì được chiều từ bé nên bạn thấy cái gì cũng dễ dàng. Khi ra cuộc đời, bạn ấy vấp phải nhiều trắc trở nên sợ hãi”, anh Sơn kể.
Theo lời anh Sơn, thời gian đầu đến quán trà, bạn này suy ngẫm và xin ở lại quán. Tuần đầu tiên ở lại, bạn gần như khóc liên tục. Tối đến, bạn cũng không ngủ được. Sau đó, các thành viên trong quán bằng sự yêu thương, sẻ chia đã giúp bạn tự tin hơn.
Sau 2 tháng, người bạn ấy đã trở thành người tự tin, mạnh mẽ, trút bỏ được những suy tư nặng nề và biết mình cần làm gì. Hiện, quán trà vẫn là điểm đến hấp dẫn cho không chỉ riêng giới trẻ. Nơi đây cũng có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật miễn phí như: cắm hoa nghệ thuật, thêu, võ thuật, thư pháp… thu hút nhiều người.
Cậu bé bụi đời thành thạc sĩ nhờ lời hứa 'ngược đời' của ni sư
Bên cạnh cho trẻ có một mái ấm tràn ngập tình yêu thương, ni sư Thích Diệu Nhân (trụ trì chùa Yên Ninh, Ninh An, Hoa Lư, Ninh Bình) còn chú trọng dưỡng dục trẻ.
Thanh Hà