Tốt nghiệp loại ưu đại học danh tiếng và những lần khởi nghiệp đổ vỡ
Câu chuyện của Liệu Lập Phong - chàng trai tốt nghiệp loại ưu ngành luật pháp trường Đại học Cát Lâm, nhưng lại về quê bán thịt lợn, đang thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc những ngày qua.
Đại học Cát Lâm nơi anh tốt nghiệp vốn là một trong những trường thuộc đề án 985 được ưu tiên phát triển thành đại học đẳng cấp thế giới của chính phủ Trung Quốc. Sau khi ra trường, anh từng làm nhân viên nhà nước ở thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây. Một thời gian sau, anh bỏ ra ngoài kinh doanh.
Bằng tốt nghiệp loại ưu của chàng trai sinh năm 1991 (Ảnh: Sohu). |
Khởi nghiệp 2 lần đều thất bại, Liệu nợ tới 2 triệu nhân dân tệ (hơn 7 tỷ đồng). Năm 2020, anh đầu tư thiết bị công nghệ, dự định làm blogger du lịch với mong muốn vừa kiếm tiền trả nợ, vừa được đi đó đây. Nhưng dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến mọi dự kiến tan vỡ. Liệu đành bỏ ngang kế hoạch. Trong lúc tuyệt vọng, nghe theo lời giới thiệu của một người bạn, anh quyết định đi bán thịt lợn.
Bỏ công chức đi bán thịt vì khoản nợ hơn 7 tỷ đồng treo lơ lửng
Ở tuổi 31, Liệu trở thành người bán thịt lợn tại một khu chợ truyền thống thuộc thành phố Liễu Châu. Anh làm việc 10 tiếng mỗi ngày, từ giết mổ lợn, pha chế thịt, dọn dẹp... Liệu tự thấy mình "như từ trên trời xuống đất".
"Tôi từng đảm nhiệm chức vụ quản lý lao động ở Sở công thương, nhưng rồi giờ lại ra chợ làm nghề tự do", anh bộc bạch.
Khi thấy con trai quyết định bỏ việc ra chợ buôn bán, bố Liệu từng mắng con trai "biết thế cho học hết cấp 2 là đủ, thi đỗ vào đại học phí công". Còn những người xung quanh người khen anh tài giỏi, người lắc đầu "công chức bỏ việc đi bán thịt".
Từ tháng 3 năm nay, anh chính thức bắt tay vào việc. Đến tháng 4, hai vợ chồng thuê một cửa tiệm trong chợ. Bình thường, anh sẽ tới lò mổ lúc 3 giờ sáng, quay lại chợ để pha chế, chia thịt. 6 giờ sáng là lúc cửa hàng bắt đầu bán hàng.
Tốt nghiệp loại ưu đại học danh tiếng, chàng trai về quê bán thịt lợn |
Không buôn bán đơn thuần, hàng ngày, anh livestream tại quầy thịt tối ngày. Tài khoản của anh thu hút nhiều lượng người kết nối nhờ việc chia sẻ nhiều video ngắn chia sẻ các mẹo liên quan tới thịt lợn như "Cách bảo quản thịt ba chỉ và xúc xích không bị mốc", "Làm sao chọn thịt ngon", "Mua chân giò thế nào cho khéo"... Thường 10 giờ tối anh mới kết thúc công việc một ngày và trở về nghỉ ngơi.
"Vất vả lắm nên không phải ai cũng đủ kiên nhẫn theo đuổi nghề này. Có người từng tìm đến tôi xin học nghề, nhưng anh ta không trụ nổi quá 3 ngày khi chứng kiến cảnh giết lợn, cạo lông, thức khuya dậy sớm...", anh nói.
Khi được hỏi tại sao từ một công chức nhà nước lại từ bỏ để đi bán thịt, Liệu chia sẻ thật lòng "chủ yếu vì muốn trả nợ".
"Tôi không muốn ảnh hưởng tới tương lai các con vì nợ nần. 2 đợt giông bão khiến tôi gánh khoản nợ 2 triệu tệ, nhận hơn chục cuộc gọi đòi nợ mỗi ngày. Làm công chức mà 10 năm không trả hết nợ, tôi phải từ chức", Liệu bộc bạch.
Doanh thu hàng tháng lên tới hơn trăm triệu đồng
Bỏ ngoài tai những lời khen chê, Liệu vẫn kiên tâm với công việc dù không dễ dàng.
"Vốn tốt nghiệp đại học có tiếng nên chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ đi bán thịt. Nhưng vì tồn tại, mình phải chấp nhận. Tôi làm quen với mọi thứ từ từ. Ban đầu, khi chọn lợn và đưa đến lò mổ, tôi choáng váng buồn nôn khi thấy cảnh máu me, mùi khó chịu xông lên. Nếu như trước kia, tôi mất cả tiếng mới chọn được lợn, thì giờ chỉ 15 phút là xong việc", anh kể.
Nhờ lượng người theo dõi cao, việc buôn bán ban đầu khá suôn sẻ. Anh tiết lộ, lợi nhuận trung bình mỗi tháng lên tới 30.000 tệ (hơn 108 triệu đồng).
Tại khu chợ này, các cơ sở kinh doanh thường bán một con mỗi ngày, thì gian hàng của vợ chồng anh Liệu thường 2-3 con. Nếu thịt bị ế, anh tận dụng chỗ thừa làm xúc xích và thịt xông khói.
Những video ngắn của anh không có cảnh dậy sớm đêm hôm mổ lợn, vào trang trại chọn lợn, giết mổ vất vả ra sao. Liệu cho biết, anh chỉ chia sẻ những điều tích cực nhất, không bộc lộ nhiều năng lượng tiêu cực tới người khác.
Hiện các khoản nợ chưa thể trả hết, nhưng Liệu thấy tin tưởng vào tương lai hơn. Anh đã trút bỏ được tâm lý làm thế nào ra tiền để trả nợ.
"Tôi lên nhiều ý tưởng trong công việc hơn so với trước kia. Thay vì than vãn chán nản, tôi đã thấy niềm tin và hi vọng", chàng trai 31 tuổi khẳng định.
Theo Dân Trí
Bà hoàng livestream chốt đơn trăm ngôi nhà trong 20 phút
Trải qua những ngày khó khăn khi mới bán hàng online, Viya - ngôi sao livestream ở Trung Quốc từng bước khẳng định niềm tin với khách hàng. Hiện nay, những buổi phát sóng của cô "chốt đơn" không xuể.