Cùng với 17 người nước ngoài khác, Lê Nguyễn Minh Phương được bầu chọn là 'công dân danh dự Seoul'. Ảnh: NVCC |
Hiện tại, Phương đang là nghiên cứu sinh ngành Kỹ sư ngôn ngữ tại ĐH Yonsei. Trong 6 năm học tập tại Hàn Quốc, Phương đã có nhiều đóng góp cho việc gắn kết cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc cũng như kết nối văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp khoa tiếng Hàn, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, Phương ở lại trường làm giảng viên.
Mơ ước được sang Hàn Quốc học tập từ lâu để hoàn thiện kiến thức và có thêm trải nghiệm để truyền đạt cho sinh viên, Phương đăng ký thi học bổng Thạc sĩ. Năm 2012, cô là 1 trong 2 người Việt Nam giành được suất học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc và đỗ vào 3 trường đại học uy tín của Hàn Quốc. Nhưng ngay sau khi biết tin mình có em bé, Phương đã gác lại ước mơ đi du học để ở lại sinh con.
Năm 2013, một lần nữa Phương tìm lại ước mơ bằng việc thi học bổng lần 2 và lại tiếp tục thành công khi đỗ 3 trường với suất học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc, ngành Giảng dạy tiếng Hàn tại ĐH Yonsei.
Tạm rời xa con gái ở quê nhà để bà ngoại giúp chăm sóc, vừa đặt chân sang Hàn Quốc, Phương đã phải nỗ lực không ngừng để vừa học vừa làm, tìm cách đưa mẹ và con gái sang Hàn Quốc sớm nhất có thể. Lúc này, cô đã ly hôn và làm mẹ đơn thân, là người lo kinh tế chủ lực của gia đình.
Chỉ sau 9 tháng, Phương đã đưa được mẹ và con gái sang Seoul. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng có mẹ và con gái bên cạnh, cô có động lực hơn bao giờ hết để hoàn thành con đường học tập.
Minh Phương hiện đang là nghiên cứu sinh ngành Kỹ sư ngôn ngữ tại ĐH Yonsei. Ảnh: NVCC |
Trong thời gian học Thạc sĩ, Phương vẫn tiếp tục đi dạy tiếng Hàn, tiếng Việt, nhận phiên dịch sự kiện, biên dịch tại nhà, vừa tham gia công tác Hội sinh viên…
Tháng 2/2016, cô tốt nghiệp khóa Thạc sĩ và tiếp tục nhận được học bổng Tiến sĩ dành cho sinh viên nước ngoài xuất sắc của Trường ĐH Yonsei.
Ngoài việc học, Phương còn phụ trách 2 chuyên mục ‘Tạp chí Kpop’ và ‘Chuyện từ Seoul’ của kênh radio quốc tế thuộc đài quốc gia KBS. Sau này, vì thời gian không cho phép nên cô chỉ tập trung vào chuyên mục ‘talkshow’ ‘Chuyện từ Seoul’ phát sóng mỗi tuần một số, liên tục trong 5 năm qua.
Tất cả quá trình từ tìm kiếm nhân vật phù hợp, lên nội dung phỏng vấn, đặt câu hỏi, đi phỏng vấn, biên tập file âm thanh, viết lời dẫn, thu lời dẫn... đã chiếm gần như hết quỹ thời gian trong tuần của Phương.
‘Một người chưa được đào tạo trường lớp về ngành này như mình, với quỹ thời gian bị chia sẻ bởi nhiều công việc khác nhau, đã phải mất kha khá thời gian để thích nghi với những yêu cầu và quy trình khắt khe, nghiêm ngặt của Đài truyền hình lớn nhất Hàn Quốc này. May mắn là kinh nghiệm thu âm, biên tập, phối nhạc ngày còn đi làm biên đạo múa và kinh nghiệm viết lách cũng như các mối quan hệ mà mình xây dựng được đã giúp mình khá nhiều’.
‘Điều lớn nhất mà công việc này mang lại cho mình, chính là sau tất cả những thử thách đó, mình học và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, từ cách làm việc với người Hàn, văn hóa và suy nghĩ của người Hàn, cho tới việc được tiếp xúc với những người giỏi giang ở nhiều lĩnh vực khác nhau’, Phương nói.
Minh Phương (áo hồng) phiên dịch trong cuộc gặp giữa Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Uông Chu Lưu và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Joo-sun hồi tháng 6/2017. Ảnh: NVCC |
Với nhiều công việc, vai trò như vậy, lịch làm việc của Phương gần như kín mít. Nhưng cô chia sẻ đã quen với việc này từ bé. Bởi vì, ngày nhỏ Phương được gia đình cho học nhiều môn nghệ thuật: đàn, múa, vẽ… bên cạnh giờ học văn hóa nên lịch tập, lịch biểu diễn, lịch thi của Phương bận rộn từ nhỏ.
Đến khi bố mẹ ly hôn, Phương lại trở thành lao động chính của gia đình. Cô tiếp tục với lịch làm việc dày đặc để mưu sinh ngoài giờ học ở trường.
‘Nếu có thể lựa chọn, mình sẽ chọn giảm bớt thời gian cho bản thân và thời gian ngủ lại để cùng gia đình làm điều gì đó mà tất cả đều thích. Khi mọi người đã say giấc thì lúc đó mình mới làm những việc của mình như học tập hay làm việc’.
24 tiếng/ ngày không đủ để Phương làm được hết lượng công việc của các công việc bán thời gian, thời vụ đã nhận, nên cô thường xuyên tận dụng 3-4 tiếng ngồi tàu điện ngầm để ngủ, thậm chí 2-3 ngày mới ngủ một lần trở thành việc thường xuyên với cô.
‘Mình phải tập thói quen tranh thủ chợp mắt nhưng vẫn để ý nghe thông báo mỗi ga để không bị xuống nhầm bến’ – Phương cười chia sẻ.
Minh Phương cùng ca sĩ Chí Thiện - khách mời trong 'talk show' 'Chuyện từ Seoul' do Phương phụ trách. Ảnh: NVCC |
Trong buổi vinh danh các công dân danh dự của Seoul, một thành viên Hội đồng xét tuyển đã đánh giá Phương là một hình mẫu cho nữ giới trong việc nỗ lực vượt qua những rào cản vô hình và những sự bất bình đẳng về giới vẫn còn tồn tại trong xã hội ngày nay, cũng như mang lại thông điệp của niềm hy vọng.
Với danh hiệu cao quý ‘Công dân danh dự của thủ đô Seoul’, Phương hi vọng sẽ có thêm cơ hội được tham dự các sự kiện do thành phố tổ chức, hoặc tham gia cố vấn, tư vấn các chính sách và công việc hành chính của thành phố trong thời gian tới.
‘Mục tiêu lớn nhất của mình trong năm 2020 là hoàn thành luận văn Tiến sĩ. Sau khi tốt nghiệp, mình mong muốn sẽ được làm việc đúng chuyên ngành của mình là giảng dạy tiếng Hàn ở một trường đại học tại Hàn Quốc. Hiện tại, mình đang thực hiện loạt bài giảng online để luyện thi chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK cho người Việt – một chứng chỉ rất cần thiết để xin đi du học, xin học bổng hay xin việc, đổi visa ở Hàn Quốc.
Điều mình luôn quan tâm và trăn trở nhất chính là làm sao để giúp phát triển cộng đồng người Việt tại đây, cụ thể là cho các du học sinh Việt Nam và cho các thành viên gia đình đa văn hóa Việt-Hàn - các cô dâu kết hôn di trú và con cái của họ’ – Phương chia sẻ.
Người già Hàn Quốc: 'Ước gì có 9 USD mỗi ngày để sống ở Seoul'
Người già Hàn Quốc phải đối mặt với cuộc sống nghèo đói, không được hỗ trợ tài chính, do đó thường tìm đến cái chết để tự giải thoát.
Nguyễn Thảo