18 tuổi, Thương, đang là nữ sinh lớp 12 ở một trường THPT thuộc Quận 4, TP.HCM từng hai lần suýt bị người lạ lừa trên mạng. Cả hai lần, cô bé đều tỉnh táo để vạch trần ý đồ của người xấu.

Một ngày đầu tháng 3, cô nữ sinh lớp 12 mặc quần đen, áo thun đen, tóc bới cao đến gặp phóng viên ở trụ sở tổ chức Liên minh Phòng, chống mua bán người Việt Nam, gọi tắt là AAT, ở Phường 25, quận Bình Thạnh.

{keywords}
Nhà Thương có ba chị em. Thương là chị cả.

Bị dụ bán hàng đa cấp, chụp hình nhạy cảm

Thương cho biết, tới đây sẽ làm hồ sơ nộp vào một trường đại học của thành phố để học chuyên ngành quản trị khách sạn, nhà hàng. ‘Con thích học chuyên ngành luật, nhưng sợ lực học của mình không đạt nên chọn hướng an toàn hơn. Bây giờ, con đang tập trung học kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2020. Mong dịch bệnh qua nhanh, để tụi con được đến trường và được dự thi tốt nghiệp’, cô nữ sinh sinh năm 2002 bày tỏ.

Nói về việc sử dụng mạng xã hội, Thương cho biết, em bắt đầu biết dùng từ năm học lớp 10. Em kể, nhóm bạn của em thường hẹn nhau đi uống trà sữa, hẹn học bài nhóm. 

‘Mỗi khi thầy cô ra bài tập về nhà, bọn con chia ra mỗi người giải một câu hoặc một chủ đề. Giải xong, cả nhóm ngồi lại để từng người thuyết trình rồi thảo luận. Bọn con hẹn nhau trong group chát. Vì không có Facebook, con thường trễ hẹn, nên bị các bạn chọc là đồ lạc hậu’, Thương nói về lý do lập một tài khoản cá nhân trên mạng xã hội.

{keywords}
Hiện Thương đang học online tại nhà, ôn luyện kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tới đây.

Khi tham gia mạng xã hội, Thương đăng ký làm thành viên một số hội nhóm trên Facebook để có thể chia sẻ kinh nghiệm học tập, hoặc tìm việc làm thêm phù hợp phụ ba mẹ tiền học phí. Một người bán hàng đa cấp đã kết bạn, nhắn tin với em, mục đích mời em đi làm cùng. ‘Ban đầu, người đó nói chuyện rất dễ thương, tâm lý, chia sẻ nhiều câu chuyện hay. Mỗi khi con chia sẻ một trạng thái là vào bình luận, rồi nhắn riêng’, Thương kể.

Sau đó, người này rủ em đi bán hàng đa cấp. Vì tin, Thương đồng ý tham gia. Em lấy số tiền tiết kiệm từ tiền ăn, xin thêm bố mẹ để đi mua đồ của công ty. Tuy nhiên, cô bé nhanh chóng nhận ra, việc đang theo là chưa đúng nên từ bỏ. ‘Con có lên chỗ công ty trả lại hàng và đòi lại tiền. Họ chỉ trả cho con một nửa’, Thương kể và xem đây là bài học đầu đời của mình.

Thương có dáng người cao, khuôn mặt dễ thương, lại thích làm mẫu ảnh nên có tham gia chụp hình cho một số người. Em cũng tham gia nhóm này để nhiều người biết đến mình hơn. ‘Con chỉ làm cho người quen, chụp hình lành mạnh. Thù lao mỗi lần chụp con nhận được 100-150 ngàn đồng’, Thương kể.

Một người phụ nữ cũng tham gia vào hội nhóm của Thương. Đọc thông tin của em, chị ta kết bạn, mời em tham gia làm mẫu ảnh, hứa trả thù lao cao. Là người cùng nhóm, Thương đồng ý kết nối để trao đổi công việc, đạo cụ, trang phục, địa điểm chụp và mức thù lao. ‘Chị ấy nói nhiều lắm, nhưng con nhớ là phải chụp hình nhạy cảm, mặc đồ hở hang’, Thương kể.

Đã bị lừa một lần, Thương chụp lại đoạn nói chuyện của mình với người phụ nữ kia, đi hỏi các anh chị mà mình từng hợp tác.

‘Các cô chú, anh chị đều nói: ‘không tham gia nhé’. Chị đó trà trộn vào nhóm để tìm người và làm những việc không đứng đắn’, cô nữ sinh lớp 12 kể. Em cũng cho biết, sau đó, em nhẹ nhàng từ chối lời mời của người phụ nữ kia. ‘Con nghĩ, mình cứ nhẹ nhàng cho yên chuyện, chứ làm rầm rộ có khi lại ảnh hưởng. Chị kia cũng biết ý nên không còn nhắn tin nữa’, Thương nói.

Từ hai câu chuyện của mình, Thương rút ra cho mình bài học khi tham gia mạng xã hội là: khi có một người lạ, hoặc ai đó nhắn tin rủ mình làm những chuyện không đứng đắn hoặc họ rủ rê tham gia làm việc gì đó mờ ám thì phải nói với người thân, mang chuyện đi hỏi người lớn để có lời khuyên bổ ích.

Học đòi mạng xã hội, thu tiền bảo kê bạn học

Bé Minh Anh, 12 tuổi, học sinh lớp 6 một trường THCS ở Quận 9, TP.HCM, yêu thích môn tin học, lịch sử và địa lý. Kết thúc học kỳ 1 vừa qua, Minh Anh đạt học sinh xuất sắc.

Sau các giờ học, cô bé phụ giúp việc nhà với mẹ. Những hôm được nghỉ học, ba mẹ bận đi làm, em ở nhà trông em, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa giúp mẹ. ‘Con thấy phụ mẹ việc nhà rất tốt. Nó giúp ba mẹ đỡ vất vả hơn, giúp con biết chia sẻ những khó khăn với mẹ’, cô bé sinh năm 2008 nói.

Em kể, ở trường em học có một nữ sinh lớp 7 - tên Linh thường đánh lộn, thu tiền bảo kê bạn học trong trường. ‘Chị Linh xem được mấy clip thu tiền bảo kê trên mạng xã hội rồi làm theo. Một bạn học cùng khối con - khối 6 là nạn nhân của chị ấy.

Ngày nào chị Linh cũng yêu cầu bạn ấy phải đưa tiền. Chị nói: ‘phải đưa tiền thì mới được vào lớp, còn không thì bị đánh’. Bạn kia sợ, ngày nào cũng đưa hết tiền ba mẹ cho ăn sáng cho chị ấy. Có khi, bạn ấy còn kiếm cớ xin thêm tiền mẹ để đưa cho chị Linh. Có mấy lần, bạn không xin được tiền mẹ để đưa thì bị chị Linh đánh.

Chị Linh thu tiền của bạn được mấy tháng thì bị nhà trường phát hiện. Vì từng nhiều lần đánh bạn, lại thu tiền bảo kê của bạn nên chị ấy bị đuổi học’, bé Minh Anh kể.

Theo Minh Anh, những học sinh là nạn nhân của các tệ nạn học đường thì nên nói ra với người lớn, không nên chịu đựng một mình. Bởi, chịu đựng sẽ làm kẻ xấu lấn lướt, còn mình thì càng bị bạo hành dẫn đến tự ti, học hành sa sút. 

Nói về việc sử dụng mạng xã hội của mình, bé Minh Anh cho biết, mỗi ngày em được ba mẹ cho sử dụng khoảng một giờ để tìm tài liệu, tìm cách giải bài tập . ‘Mạng xã hội chỉ nên áp dụng vào việc học, giúp mình biết nhiều kiến thức, tìm cách giải bài tập. Còn với những clip quảng cáo, câu chuyện học sinh đánh nhau… con chỉ lướt qua’, cô bé Minh Anh nói.

Chị Tạ Mỹ Linh, công tác tại tổ chức Liên minh Phòng, chống mua bán người Việt Nam, gọi tắt là AAT cho biết, bé Minh Anh và Thương là một trong những bé được tổ chức hỗ trợ học bổng vì là con em của các gia đình khó khăn.

Ngoài ra, các em còn được tham gia các khóa học ngoại khóa, các hoạt động của tổ chức. Hiện, hai em là một trong những học sinh có thành tích học tập tốt.

Học trực tuyến từ lớp 4, cô gái Quảng Ninh nhận bằng cử nhân năm 17 tuổi

Học trực tuyến từ lớp 4, cô gái Quảng Ninh nhận bằng cử nhân năm 17 tuổi

 Học trực tuyến từ khi còn là học sinh cấp 1, Nguyễn Vũ Khánh Linh (Quảng Ninh) đã xuất sắc phá kỷ lục về tốc độ học trực tuyến, chỉ 2 tháng nữa sẽ nhận bằng cử nhân vào năm 17 tuổi.

Tú Anh