Trong khi đại dịch có thể khiến thị trường đồ xa xỉ ảnh hưởng ít nhiều, sự khao khát đối với các món hàng hiệu vẫn chưa bao giờ giảm bớt.
Điều này giúp giải thích sự trỗi dậy kỳ lạ của việc đổ tiền mua phần thuộc về packaging (đóng gói bên ngoài) từ các thương hiệu nổi tiếng, theo Refinery 29.
Từ hơn một năm trước, các seller (người bán) không chỉ đăng tải các mẫu túi xách, giày, phụ kiện đắt tiền quen thuộc, mà còn chào mời mua box (vỏ hộp), túi tote, dust bag (túi chống bụi) - những thứ vốn để đựng các món đồ kể trên.
Thay vì sắm cả món hàng hiệu đắt tiền, nhiều người mua chuyển sang mua những thứ vốn đi kèm với chúng như túi đựng, vỏ hộp đồ hiệu. Ảnh: Pinterest. |
Bán lại kiếm lời
Theo Money, một công ty môi giới tín dụng ở Anh, việc bán loại mặt hàng này sinh lời đáng kể. Vào tháng 4, Money đưa ra phân tích về xu hướng này sau khi đánh giá những món đồ từ nhiều nhãn hiệu cao cấp được rao bán trên trang eBay.
Những thứ được rao bán phổ biến có thể kể đến là lọ nến đã cháy hết từ thương hiệu nến đắt đỏ Diptyque hay chiếc hộp đựng màu xanh "huyền thoại" của hãng trang sức Tiffany.
Theo báo cáo của công ty, hộp đồng hồ từ các thương hiệu như Rolex, Omega, Tag Heuer và Seiko có giá bán lại trung bình là 178 USD.
Để so sánh, một chiếc đồng hồ Tag Heuer thường có giá từ 1.300 USD đổ lên, còn hộp đồng hồ của hãng này có một mức giá chung là 200 USD và hầu như không thay đổi.
Bán lại các mẫu hộp đựng cũng là cách thu về một phần khoản tiền đầu tư vào hàng hiệu trước đó, vì bất kể món đồ nào khi mua về cũng được đặt trong chiếc hộp đặc trưng của hãng đó.
Các mẫu vỏ hộp đồng hồ, hộp đựng trang sức từ những thương hiệu nổi tiếng được bán lại trên mạng. Ảnh: eBay. |
Ví dụ, nếu người mua bỏ 1.170 USD để mua đôi slipper boots từ Louis Vuitton giống với đôi nữ diễn viên Sophie Turner từng diện, họ có thể bán lại phần box với giá 104 USD, theo Money.
Trên các trang web như eBay hay Poshmark, mua sắm box túi xách và hộp đựng giày từ các nhà mốt cao cấp như Louis Vuitton, Gucci, Dior và Chanel cũng sôi nổi không kém.
Công ty Money còn liệt kê ra các nhãn hàng khác có phần packaging được nhiều tín đồ mua sắm lùng mua như Nike, Christian Louboutin, Saint Laurent, Fendi.
Tạo cảm giác đang dùng đồ hiệu
Christian Bendsten, một sinh viên ngành Toán - Kinh tế tại Đan Mạch, cho biết xu hướng mua sắm này vốn không phải chuyện hiếm gặp với những ai thích đồ hiệu và càng phổ biến hơn trong thời buổi dịch bệnh.
Bản thân Christian cũng bán một chiếc túi tote từ Rick Owens, vốn được tặng miễn phí khi mua bất kỳ sản phẩm nào từ thương hiệu, với giá 97 USD trên Grailed.
"Tôi chứng kiến xu hướng này bắt đầu với những chiếc móc áo in biểu tượng hai chữ C lồng vào nhau của Chanel được rao bán trên mạng. Những thứ khác liên quan cũng xuất hiện từ đó", Christian nói với Refinery29.
Nam sinh viên này cho hay anh thấy móc khóa đi kèm với túi Dior hay Louis Vuitton hay túi đựng quần áo của Carol Christian Poell, nhãn dán của Supreme là những món đồ được chào bán nhiều nhất.
Một số mặt hàng có thể sử dụng được hàng ngày, chẳng hạn như túi tote Rick Owens của Christian, trong khi nhãn dán hay móc khóa không thực sự nhiều công dụng, vốn chỉ để cho đẹp.
Nhu cầu sắm những thứ vốn thuộc về packaging của một món đồ hiệu phần lớn để lôi kéo sự chú ý của người khác. Ảnh: Insider. |
Christian Bendsten lý giải những món đồ này vẫn có giá trị trên thị trường đồ cũ vì chúng gắn với tên tuổi thương hiệu nổi tiếng.
"Bạn vẫn có thể thể hiện mình dùng đồ hiệu dù thực tế không cần phải chi quá nhiều tiền. Mang theo một chiếc túi tote của Rick Owens hoặc có một chiếc túi mua sắm lớn của Chanel xuất hiện trong ảnh sẽ tự động tạo ra cảm giác rằng bạn đã mua hàng từ các nhà mốt cao cấp đó", anh nói.
Người bán Poshmark Stephanie đồng ý với Christian, cho rằng nhu cầu mua sắm này xuất phát từ làn sóng người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
"Việc để những chiếc hộp và túi đựng đặc trưng làm nền đằng sau giúp bức ảnh của họ hợp thời trang, ngay cả khi họ chưa bao giờ thực sự mua sắm món đồ hàng hiệu đó", cô nói.
Theo cô, những món đồ này nhằm phục vụ mục đích sống ảo, thu hút người xem là chính.
Với Christian, anh coi những mẫu túi đựng, vỏ hộp sang trọng này là một tín hiệu về thời trang cao cấp. "Những thương hiệu này rất dễ nhận biết, đập vào mắt người xem. Số tiền bỏ ra để đổi lại sự chú ý chỉ bằng một phần rất nhỏ so với việc mua toàn bộ cả món đồ hiệu".
Anh cho rằng điều này cũng tương tự với việc mua các sản phẩm làm đẹp từ nhãn hàng cao cấp. Mỹ phẩm của Chanel, Dior có giá thành rẻ hơn nhiều nếu xét chúng với các mẫu giày, túi, quần áo của hãng.
"Bạn có thể bắt đầu với nước hoa Gucci trước khi bỏ tiền bạc đầu tư vào một chiếc túi Jackie hay một đôi giày lười. Chi tiêu 85 USD dễ dàng hơn rất nhiều so với 850 USD. Ngoài ra, bạn có thể kiếm được 22 USD bằng cách bán lại chai nước hoa khi đã dùng hết".
Theo Zing
Nghề sửa túi hàng hiệu, mỗi lần hét giá 5-10 triệu vẫn đông khách
Giá để sửa những chiếc túi là 5-10 triệu đồng nhưng những vị khách quen đều hài lòng rút ví.