Kang, nhân viên văn phòng độ tuổi 20, gần đây đã trở thành người đồng sở hữu một tòa nhà thương mại ở quận Gangnam, thủ đô Seoul trị giá 10 tỷ won (8,47 triệu USD) với số tiền vốn đầu tư chỉ 5.000 won (4,2 USD), theo Korea Herald.
"Đầu tháng 12 năm ngoái, tôi tham gia dự án đầu tư chung do một công ty fintech (viết tắt của Financial Technology: công nghệ tài chính) dẫn dắt để mua một tòa nhà 8 tầng có tên Yeoksam London Vill. Tôi đã đầu tư 5.000 won và nhận được 38 won tiền cổ tức vào tháng 7. Tỷ suất lợi nhuận hàng năm là 3,14%".
Kang nằm trong số ngày càng nhiều người thuộc thế hệ MZ (chỉ những người sinh từ những năm 1980 đến 2010) hướng đến quyền sở hữu chung tài sản, ngay cả khi chỉ với một khoản tiền rất nhỏ.
Mua chung
Theo Kasa Korea, công ty fintech điều hành ứng dụng đầu tư bất động sản di động Kasa, có tổng cộng 2.694 nhà đầu tư cá nhân như Kang đã tham gia dự án mới nhất, từ 8/9-16/9, là một tòa nhà thương mại 21 tầng ở Yeoksam-dong, Seoul. Công ty đã huy động được tổng cộng 8,4 tỷ won.
Công ty cho biết những người ở độ tuổi 20 và 30 chiếm gần 60% số nhà đầu tư, tiếp theo là nhóm 40 tuổi (26%), 50 tuổi (12%) và những người từ 60 tuổi trở lên (3%).
Ra mắt vào tháng 9/2020, nền tảng di động Kasa sử dụng công nghệ blockchain để phát hành chứng khoán đảm bảo bằng tài sản, có giá từ 5.000 won/đơn vị để sở hữu một tòa nhà nhất định do Kasa Korea mua. Công ty sẽ chia sẻ doanh thu cho thuê của tòa nhà đến các nhà đầu tư dưới hình thức cổ tức 3 tháng một lần.
Giá bất động sản ngày càng cao tại Hàn Quốc khiến người trẻ khó lòng tự mua được nhà. Ảnh: Allan Baxter/Getty Images. |
Được xem là một trong những dịch vụ tài chính sáng tạo, dịch vụ này hướng đến việc hạ thấp ngưỡng đầu tư cho các nhà đầu tư lẻ trong thị trường bất động sản thương mại có khả năng sinh lời.
Xu hướng đồng đầu tư bất động sản ở xứ củ sâm cũng đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong thế hệ trẻ đang nản lòng trước giá bất động sản cao ngất ngưởng.
"Tôi từng đọc bài báo nói rằng một người có thu nhập trung bình phải tiết kiệm toàn bộ tiền kiếm được trong hơn 10 năm mới có thể mua được một căn nhà ở Seoul. Trong bối cảnh hiện nay, tôi gần như không thể mua được một bất động sản nào với thu nhập của mình. Vì vậy tôi chọn cách đầu tư này như một phương án thay thế dù tỷ suất lợi nhuận không quá cao", một nhà đầu tư họ Lee (31 tuổi) cho biết.
Hình thức mua chung bất động sản cũng đang nổi lên như một hiện tượng quốc tế. Tại Mỹ, số người có họ khác nhau mua chung nhà đã tăng 771% từ năm 2014 đến 2021, theo dữ liệu từ công ty phân tích bất động sản Attom Data Solutions.
"Giá nhà càng tăng cao, nhu cầu sở hữu nhà của thế hệ millennials càng mạnh. Mệt mỏi với việc trả tiền thuê nhà, các thế hệ trẻ sẽ tiếp tục để mắt đến các cơ hội đồng đầu tư thỏa mãn nhu cầu sở hữu nhà của họ", Ahn Dong-hyun, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết.
Cùng xây nhà
Trong khi đó, một số nhà đầu tư lại cùng gom tiền để mua đất, xây dựng khu chung cư. Được gọi là "hiệp hội nhà ở địa phương cho dự án căn hộ", một nhóm người không có nhà sống cùng thành phố hoặc khu vực lân cận sẽ cùng nhau góp số tiền lớn để mua một khu đất (được chính quyền địa phương chấp thuận) và trang trải chi phí xây dựng chung cư.
Kim, nhân viên văn phòng 35 tuổi ở Seoul, gần đây đã nộp đơn xin trở thành thành viên của hiệp hội nhà ở địa phương tại Sadang-dong, Dongjak-gu. Nhóm đang có kế hoạch xây dựng một khu chung cư 961 căn hộ gần ga Isu.
Góp tiền, cùng xây chung cư là phương án được nhiều người tìm đến khi muốn sở hữu căn hộ. Ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg /Getty. |
"Dù quy trình xin ủy quyền thường mất vài năm, tôi nghĩ rất đáng để thử vì dù sao tôi cũng không thể mua nhà trong thời điểm hiện tại".
Dù chính phủ Hàn Quốc đưa ra nhiều chính sách nhằm kiềm chế giá nhà tăng cao trong 4 năm qua, giá trung bình của một căn hộ ở Seoul đã tăng gấp đôi lên 1,21 tỷ won vào tháng 10, từ mức 607 triệu won vào tháng 5/2017, theo KB Kookmin Bank.
Ngoài ra, giá nhà ở trung bình trên toàn quốc cũng tăng 11,98% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9, mức tăng mạnh nhất trong 15 năm qua.
Sống chung
Thị trường nhà ở nóng bỏng tại Hàn Quốc cũng đang tạo ra gánh gặng tài chính cho những người sống trong các căn hộ cho thuê.
Trước tình hình giá nhà tăng cao, một số người trẻ quyết định chuyển tới sống trong các ngôi nhà chung, loại hình nhà cho thuê mà trong đó mọi người cùng chia sẻ một số khu vực như nhà bếp hoặc phòng tắm và có phòng ngủ riêng. Tiền đặt cọc và phí thuê hàng tháng ở mô hình này thấp hơn các căn hộ cho thuê thông thường.
Kim Joo-hye (28 tuổi, nhân viên văn phòng) từng sống trong một căn hộ studio ở tỉnh Gyeonggi. Hiện, cô đã chuyển tới một ngôi nhà chung gần chỗ làm ở Yeouido, chủ yếu để tiết kiệm chi phí.
"Bạn cùng nhà của tôi cũng là nhân viên văn phòng ở Yeouido. Chúng tôi sống chung trong gần 2 năm, ngủ phòng riêng, dùng chung nhà bếp, phòng tắm và phòng khách. Thay vì phải trả gần 700.000 won tiền thuê hàng tháng như khi còn sống trong căn studio, tôi chỉ cần bỏ ra khoảng 400.000 won", Kim cho biết.
"Những nhân viên văn phòng trẻ, mới bắt đầu sự nghiệp như tôi phải đối mặt với gánh nặng tiền thuê nhà và các chi phí nhà ở khác như phí bảo trì. Sống chung với người khác sẽ giúp giảm bớt áp lực, khi mọi người cùng chia sẻ trách nhiệm tài chính".
Jung thuê chung nhà với người lạ để giảm chi phí. Ảnh: Korea Herald. |
Thuê chung nhà cũng là một lựa chọn phổ biến đối với các sinh viên không sống trong ký túc xá.
"Giá thuê trung bình hàng tháng cho một căn hộ 2 phòng ngủ ở Yongin, tỉnh Gyeonggi, dao động trên 400.000 won, tất nhiên là rẻ hơn so với chi phí ở Seoul. Vào tháng 3, tôi chuyển đến một ngôi nhà chung gần trường đại học. Nơi này có sẵn giường, thiết bị gia dụng cơ bản, giúp tôi không chỉ giảm được tiền thuê nhà mà còn cả chi phí sinh hoạt", Jung (23 tuổi) cho hay.
Các chuyên gia cho rằng xu hướng sống chung có thể sẽ còn tiếp tục phát triển do giá nhà và số hộ gia đình độc thân ngày càng tăng. Theo Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc, tỷ lệ hộ gia đình một thành viên tại nước này đã vượt 40% vào tháng 10, so với 39,7% vào tháng 6; 39,5% vào tháng 3 và 39,2% vào cuối năm 2020.
"Dưới áp lực gia tăng lạm phát, thế hệ trẻ không có điều kiện tài chính, đặc biệt là những hộ gia đình độc thân, không thể không cố gắng giảm chi phí nhà ở thông qua những lựa chọn như thuê nhà chung", Kim Kyung-min, giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận định.
Theo Zing
Dân văn phòng Hàn Quốc sợ quay lại chỗ làm
Nhiều người lao động xứ kim chi, đặc biệt là nhóm trẻ tuổi, lo lắng khi trở lại công ty đồng nghĩa với những cuộc nhậu nhẹt ép buộc sau giờ làm và mất đi thời gian riêng tư.