{keywords}
 
{keywords}
 

Xem Video:

Là một doanh nhân thành đạt nhưng anh nổi tiếng hơn với những hoạt động thiện nguyện có sức lan tỏa lớn. Yếu tố nào đã giúp anh trở thành con người của ngày hôm nay?

Làm việc thiện đã có trong bản tính của mỗi người. Tùy vào suy nghĩ, bản tính của mỗi người mà tại thời điểm nào đó, chúng ta cần có những hành động cụ thể.

Tôi ý thức được việc chia sẻ với người khó khăn từ nhỏ, nói đúng hơn là chịu sự ảnh hưởng từ cách đối nhân xử thế của cha mẹ tôi.

Ba tôi, khi còn là một bác sĩ, ông tình nguyện quản lý thêm khoa Phong ở một bệnh viện tại TP.HCM. Ông cũng thường xuyên đi hỗ trợ cho các bệnh viện ở nhiều tỉnh thành khác. Đó là một sự hy sinh rất lớn. Bởi, thời điểm đó, ai cũng sợ bệnh phong.

Còn mẹ tôi, nếu biết người thân, hàng xóm khó khăn cần tiền khám bệnh, lo cho con cái đi học, bà đều hỗ trợ.

Hai năm sau khi mẹ tôi mất, vẫn có rất nhiều người đến nhà, thắp nhang tưởng nhớ bà. Họ kể cho chúng tôi nghe việc mẹ tôi giúp đỡ họ như thế nào khi bà còn sống.

Lớn lên bên cạnh hai con người giàu lòng nhân ái, tuổi thơ của anh đã trải qua như thế nào?

Tuổi thơ tôi cũng có những khó khăn, lao động cực nhọc. Ba mẹ rèn luyện cho tôi tính độc lập, quý trọng lao động.

Ngay từ nhỏ, mỗi khi hè về, ba tôi lại gửi tôi xuống nông trại. Tôi cùng người cậu đi trên chiếc xe lam ra nghĩa trang cắt cỏ cho bò. Tôi cũng được học và thường xuyên tắm cho bò, dọn vệ sinh chuồng trại, vắt sữa, xuống ao tát cá, tắm heo…

{keywords}
 

Có người nói, chỉ khi chạm ngõ thiên đường rồi té ngã, người ta mới thấu hiểu được cảm giác hạnh phúc khi có bàn tay chìa ra với mình. Anh đã từng trải qua hoàn cảnh này chưa?

Đó là lần công ty tôi làm chương trình với Chính phủ Úc có trị giá 2 tỷ USD. Công ty của tôi là 1 trong 5 đơn vị đầu tiên được cấp phép. Mấy tháng đầu thực hiện, chương trình rất thành công.

Chỉ trong 6 tháng, từ vài nghìn đô la Úc, tôi đã kiếm được gần 1 triệu đô la Úc. Tuy vậy, khi tôi dồn hết vốn liếng vào công việc này thì đối tác đột ngột dừng chương trình. Mặc dù, phía họ bồi thường cho tôi 10% giá trị nhưng tôi xem như đã mất trắng.

Ở tuổi dưới 30, từng là triệu phú nhưng chỉ sau vài tiếng đồng hồ đã phá sản là một cú sốc rất lớn đối với tôi. Tôi khủng hoảng, thậm chí có lúc đã nghĩ đến việc từ bỏ cuộc đời. Thế nhưng chính lúc ấy, mẹ tôi đã gọi điện động viên, vực tôi dậy để làm lại từ đầu.

Có phải những trải nghiệm ấy giúp anh trở thành người như bây giờ, luôn tìm cách chia sẻ với cộng đồng?

Có thể nói như vậy. Ngoài ra, như đã nói còn có sự giáo dục, sự ảnh hưởng của ba mẹ tôi nữa. Ngay từ nhỏ, ba mẹ đã dạy tôi phải biết chia sẻ, giúp đỡ mọi người.

{keywords}

Anh làm thiện nguyện từ bao giờ? Hành trình ấy có sự thay đổi ra sao?

Ban đầu, tôi làm thiện nguyện bằng cách bỏ công sức của mình đi hỗ trợ một số chương trình. Tuy nhiên, tôi sớm nhận ra rằng, cách làm đó không thành công. Sau đó, tôi điều chỉnh dần cách làm.

Mùa dịch đầu tiên, công ty của tôi tặng chuông cửa camera cho bệnh viện dã chiến để hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ, giúp họ chăm sóc bệnh nhân tốt hơn. Sau đó, tôi thực hiện chương trình ATM gạo rồi ATM khẩu trang… bây giờ là ATM oxy.

Các ý tưởng đến với anh như thế nào?

Thực ra, tôi có một sự nhạy cảm về thị trường, về nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, các ý tưởng ấy không đến một cách đột xuất mà là kết quả của những trăn trở, nghĩ suy về tình hình thực tại.

{keywords}
 

Trước đó, khi cả nước thực hiện việc giãn cách, tôi nhận thấy nhiều người sẽ thất nghiệp nên thực hiện ATM gạo. Tuy vậy, hiện nay, tình hình dịch bệnh đã đổi khác khi lượng bệnh nhân tại TP.HCM tăng lên đột biến.

Việc này buộc nhiều bệnh nhân, F0 cũng phải có phương án chữa trị tại nhà. Như vậy, tôi thấy rằng họ sẽ vấp phải khó khăn trong việc thay bình oxy.

Nguồn oxy trong các bệnh viện, trung tâm y tế không hẳn là thiếu. Tuy nhiên, những nơi này sẽ gặp khó khăn trong khâu vận chuyển. Người bệnh tự điều trị ở nhà, cần oxy để thở cũng vậy.

Khi thành phố thực hiện giãn cách, việc di chuyển từ quận này sang quận khác cũng hạn chế. Thế nên, họ càng gặp khó khăn hơn trong việc thay, đổi bình oxy mới. Do đó, tôi quyết định thực hiện chương trình ATM oxy.

Anh đặt kỳ vọng gì vào chương trình ATM oxy?

Cốt lõi của chương trình là hỗ trợ y bác sĩ cứu được càng nhiều người càng tốt bằng cách cung cấp oxy kịp thời cho người cần.

Đến hết ngày 5/8, chúng tôi đã hoàn tất khoảng 300 bình oxy tại 11 quận, huyện. Tuần này sẽ có 900 bình oxy tại 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Nếu có thêm tài chính, chúng tôi sẽ lắp đặt từ 5-10 trạm ATM oxy/quận, huyện. Thậm chí, mỗi phường đều có trạm ATM oxy.

{keywords}
 

Như thế việc di chuyển để cung cấp, thay bình oxy cho người cần cũng sẽ dễ dàng hơn, hỗ trợ được nhiều người hơn. Khi số ca bệnh tại TP.HCM giảm dần, chúng tôi sẽ sử dụng mô hình này để hỗ trợ các tỉnh khác. Cứ cuốn chiếu như vậy cho đến khi đại dịch qua đi.

Các ATM oxy này đáp ứng điều kiện y tế ra sao?

Đối với các bệnh nhân, F0 đã được chỉ định sử dụng bình oxy của bác sĩ, chúng tôi chỉ hỗ trợ đổi bình cũ lấy bình mới cho họ. Đối với các trường hợp F0 mới, trước đó, y tế địa phương sẽ đi đến xem điều kiện của họ có phù hợp sử dụng loại bình này hay không.

Từ đó, lực lượng của quận đoàn, đoàn viên sẽ kết hợp với đội ngũ y tế ở địa phương đó đưa ra những chỉ định, có cần hay có nên sử dụng các loại bình oxy này hay không.

Chúng tôi chủ yếu thực hiện công tác chuẩn bị, vận chuyển các bình oxy đến cho người bệnh cần sử dụng loại bình này theo sự chỉ định của y bác sĩ.

Điều khác biệt của anh trong cách làm từ thiện là gì?

Đó là sự sáng tạo. Tôi luôn nghĩ rằng, dù nhất thời, sự sáng tạo ấy chưa đem lại hiệu quả nhưng về lâu dài, chúng ta cần có những sáng tạo để có đột phá.

{keywords}
 

Khi học cấp 2, ở lớp, tất cả những câu hỏi của thầy giáo môn văn tôi đều giơ tay. Đến khi làm bài, tôi chỉ được 2 điểm. Thầy rất bất ngờ, không tin là bài của tôi vì tôi luôn phát biểu và câu trả lời nào cũng đúng.

Thực ra, tôi bị điểm kém không phải vì tôi không học bài. Chỉ là tôi không thích học thuộc lòng, tôi thích viết theo những gì mình suy nghĩ. Tôi nghĩ, không hẳn là sáng tạo lúc nào cũng thành công.

Sáng tạo cũng phải chịu nhiều thiệt thòi hoặc trong ngắn hạn nó sẽ không đạt được thành tích như mình mong muốn. Tuy nhiên, nếu thành công nó sẽ thành công đột phá.

Như ATM gạo, chúng tôi bỏ ra số tiền không nhiều nhưng với sự sáng tạo của mình, chúng tôi đã phát được hàng trăm tấn gạo cho các đơn vị làm ATM gạo.

{keywords}
 

Mùa dịch đầu, anh từng chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí phải bán nhà và cầm cố tài sản để trả lương nhân viên. Đợt dịch này còn khó khăn hơn gấp bội. Vì sao anh vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình thiện nguyện quy mô?

So với nhiều người, tôi còn nhiều may mắn hơn vì đủ ăn, đủ mặc. Vậy tại sao lại không chia sẻ với những người khó khăn hơn? Tôi cứ nghĩ đơn giản, tôi có bao nhiêu cứ thì chia sẻ bấy nhiêu.

Hơn thế, nếu bây giờ, tôi và mọi người đều khoanh tay phó mặc, ngồi chờ thì biết bao giờ dịch bệnh mới được khống chế. Tuy nhiên, nếu tất cả mọi người cùng cố gắng, cùng chung tay chống dịch thì mới có cơ hội thắng dịch, có cơ hội phát triển công ty.

Với nhiều người, làm từ thiện là đam mê. Anh có “mê” không?

Có thể nói, tôi làm có một phần vì đam mê. Bởi vì khi làm những chương trình như thế, tôi thấy mình không phải bỏ quá nhiều nhưng kết quả mang lại rất lớn cho xã hội.

Kết quả ấy trở thành động lực để giải đáp những băn khoăn, trăn trở: Nếu không làm thì bao nhiêu người không nhận được gạo, bao nhiêu người không nhận được bình oxy và sẽ không duy trì được sự sống…

Và, khi mình nhìn thấy được kết quả tốt đẹp, mang lại ý nghĩa thì công việc ấy trở thành đam mê.

{keywords}
 

Mải mê với công tác thiện nguyện, anh chăm sóc gia đình nhỏ của mình như thế nào?

Đợt tránh dịch đầu tiên, tôi ở nhà. Tôi có hứa với gia đình một số việc nhưng chưa thực hiện được nên cảm thấy có lỗi. 

Vợ tôi muốn làm cái sân, làm chỗ chơi cho các con. Vì dịch bệnh, trường học nghỉ, các bé ở nhà nên rất tù túng. Tôi đã hứa nhưng rồi không thực hiện được.

Cách đây 1 tháng, tôi làm xong sân cho bé chơi, sửa chữa lại vườn lan cho ba. Dẫu vậy, những việc này đã trễ hơn so với lời hứa 2 năm rồi. Thôi thì thà trễ còn hơn không. Hiện, tôi cũng cố gắng chu toàn một phần nào đó cho gia đình.

Rất may, vợ ủng hộ và hỗ trợ tôi rất nhiều trong các hoạt động từ thiện. Khi tôi làm các chương trình như thế này, cô ấy tìm kiếm thông tin, kêu gọi sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, cô ấy còn hỗ trợ tôi việc chăm sóc con cái, chăm sóc ba để tôi yên tâm hơn trong việc thực hiện công tác thiện nguyện bên ngoài.

Sau quá trình làm chuỗi chương trình thiện nguyện đầy ý nghĩa, anh nhận được những gì?

Cái đầu tiên tôi nhận được là biết rằng rất nhiều người đã được giúp đỡ từ các chương trình của mình. Có hơn 1 triệu lượt người được nhận gạo.

Thêm nữa, tôi có được niềm vui khi đi đến đâu, gặp người chưa hề quen biết, họ đều rất niềm nở với tôi. Tôi cảm thấy tự hào khi nhận được những cảm mến chân thành từ anh công nhân cho đến quan chức lớn, có địa vị trong xã hội.

{keywords}
 

Nếu được nói về vai trò của mình trong các hoạt động thiện nguyện có sức lan tỏa rộng khắp vừa qua, anh sẽ nói gì?

Tôi như một chất xúc tác. Tôi không hỗ trợ được nhiều về kinh tế nhưng là chất xúc tác kết nối nhiều người, tập thể với nhau. Trong mọi hoạt động, cần có sự đoàn kết chung tay của nhiều người, mỗi người mỗi đóng góp thì mới thành công được.

Ví dụ như ATM gạo, ATM khẩu trang, ATM oxy, chúng ta cần doanh nghiệp lớn để có nguồn tài chính, cần doanh nghiệp nhỏ, trẻ để có sự sáng tạo, cần lực lượng tình nguyện viên vận hành chương trình hàng ngày, cần lực lượng truyền thông để lan tỏa thông tin…

Và, tôi là chất xúc tác để kết nối các tập thể đó lại, giúp mọi việc diễn ra tốt hơn. Sự gắn kết ấy sẽ là điều kiện tiên quyết góp phần đẩy lùi đại dịch.

{keywords}
 

Là vợ của một người ham thích làm việc thiện, chị có cảm nhận như thế nào?

Tôi rất vui khi chúng tôi có thể hỗ trợ những người đang gặp khó khăn. Tôi hài lòng về công việc thiện nguyện của anh ấy. Cả nhà luôn ủng hộ anh.

Công việc ấy có ảnh hưởng đến tình cảm gia đình chị?

Có, nhưng ảnh hưởng một cách tích cực. Trong bữa tối, chúng tôi thường thảo luận rất nhiều về việc làm thế nào có thể giúp đỡ được người khác nhiều hơn nữa.

Bố của chồng tôi là bác sĩ, ông thường đưa ra những lời khuyên để chúng tôi giúp mọi người tốt hơn. Những điều đó đã truyền cảm hứng cho các con của chúng tôi.

Tuấn Anh nói rằng anh ấy hạnh phúc vì có vợ ủng hộ mình trong hoạt động thiện nguyện. Chị có thể nói thêm về điều này?

Trong vai trò là một người vợ, tôi đảm bảo anh ấy sẽ không phải lo lắng việc ở nhà và có thể tập trung hoàn toàn vào công việc từ thiện.

Với tư cách là đối tác, tôi luôn cùng anh trao đổi, thảo luận về những chương trình từ thiện.

Chị chắc hẳn là yêu chồng hơn vì lòng nhân ái của anh ấy?

Tôi yêu anh ấy vì sự tử tế của anh khi chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên ở Australia. Vì thế, tôi tin tưởng anh và theo anh về Việt Nam. Nếu không phải vì sự tử tế, chia sẻ, thấu hiểu thì chúng tôi đã không cưới nhau bởi tôi đã phải cố gắng rất nhiều khi đến một đất nước mới.

Có khi nào anh ấy mê làm từ thiện quá mà quên chăm sóc chị, quên những kỷ niệm, ngày quan trọng của 2 vợ chồng?

Anh ấy không phải là mẫu đàn ông luôn nhớ những ngày như Valentine hay sinh nhật của tôi. Thế nhưng, anh ấy luôn đối xử tốt với tôi mỗi ngày. Mối quan hệ của chúng tôi coi trọng chất lượng hơn số lượng.

{keywords}
 

Chúng tôi phải chăm lo cho 2 bé, lại còn công việc kinh doanh và việc từ thiện nữa. Cả hai đều rất bận. Chúng tôi chỉ có thể dành cho nhau một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Nhưng đó là những khoảnh khắc đáng giá và hạnh phúc.

Làm người thầm lặng phía sau công tác từ thiện của chồng, chị được, mất những gì?

Tôi tích lũy thêm kiến thức, trân trọng hơn những gì chúng tôi có. Tuy vậy, chúng tôi không có nhiều thời gian ở bên các con. Và, bố mẹ tôi lại đang ở Malaysia...

Trước đây, tôi thường dẫn các con theo khi đi làm để chúng hiểu, học hỏi và trải nghiệm thực tế cuộc sống. Bây giờ, do dịch bệnh, chúng tôi phải để các con ở nhà.

May mắn là các con vẫn thấy chúng tôi từ tivi, trên báo chí… Từ đó, các bé hiểu và cảm thấy hạnh phúc với những việc chúng tôi đang làm.

Dịch bệnh đang phức tạp nhưng anh ấy vẫn xông pha, đi làm từ thiện ở bên ngoài. Chị có lo lắng không?

Có, chúng tôi rất lo. Tuy nhiên, nếu ông trời đã ban cho anh ấy lòng nhân hậu như một món quà thì anh ấy phải làm những gì mình được giao phó.

Thành thật mà nói, anh ấy không thể ở nhà và cảm thấy mình an toàn khi biết ở ngoài kia, mọi người đang cần được giúp đỡ. Tôi không thể ngăn anh ấy, vì vậy hãy để anh làm việc anh cần làm và trở về nhà an toàn.

Cám ơn những chia sẻ của chị! 

Oxy là vấn đề quan trọng, mang tính sống còn đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng

TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: “Tôi đánh giá rất cao sự sáng tạo của anh Hoàng Tuấn Anh trong việc hình thành các ATM oxy. Bởi, oxy là vấn đề quan trọng, mang tính sống còn đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng.

Tuy vậy, về mặt chuyên môn, tôi cũng có những ưu tư riêng. Đầu tiên, việc sử dụng oxy không đơn giản. Đối với bệnh nhân Covid-19, khi diễn biến nặng đến mức phải thở oxy thì chỉ oxy thôi là chưa đủ.

Ngoài ra, bệnh nhân còn cần những loại thuốc chuyên biệt, phải được theo dõi sát sao. Nếu bệnh nhân, người nhà tự ý sử dụng oxy sẽ  tạo cảm giác yên tâm giả, dẫn đến tâm lý chủ quan, nhập viện trễ khi bệnh trở nặng. Đó là mặt trái của vấn đề.

Thứ nữa, việc vận hành bình oxy cũng cần có những quy tắc nhất định để đảm bảo an toàn. Nếu không nắm rõ các quy tắc này dễ dẫn đến cháy nổ rất nguy hiểm.

Thứ ba, nếu trong giai đoạn này, người nào cũng mua dự trữ oxy ở nhà thì sẽ tạo nên cơn sốt oxy trên thị trường. Lúc này, oxy sẽ bị người dân mua hết dù số người dùng đến nó rất ít. Việc này cũng sẽ khiến oxy trong các cơ sở y tế thiếu hụt trầm trọng, hình thành thế nơi chưa cần thì thừa, chỗ đang cần lại thiếu.

Thế nên, tôi rất hoan nghênh và mong muốn phía anh Tuấn Anh hỗ trợ oxy cho những bệnh nhân chuyển nặng, khó thở, cấp cứu đã có ý kiến của bác sĩ trong khi họ chờ đợi được chở đến bệnh viện.

Tôi cũng cho rằng, các cá nhân, tập thể không nên hỗ trợ oxy trực tiếp cho người dân. Thay vào đó, chúng ta nên hỗ trợ các bệnh viện dã chiến, đơn vị điều trị Covid-19.

Bài:  Nguyễn Sơn - Đăng Dương

Thiết kế:  Phạm Luyện

Ảnh:  Trương Thanh Tùng

Video:  Đình Tuyến - Thủy Ngân

Nhiều ATM gạo miễn phí hỗ trợ người nghèo Sài thành mùa Covid

Nhiều ATM gạo miễn phí hỗ trợ người nghèo Sài thành mùa Covid

Nhiều ATM gạo miễn phí liên tục xuất hiện ở TP.HCM, hỗ trợ người dân khó khăn trong đại dịch.