Tháng 9/2020, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận điều trị bệnh nhân nữ 27 tuổi, quê Thái Nguyên, bị tai biến mù mắt và hoại tử da trán vì mũi tiêm filler trái phép tại spa.

Do nghe lời quảng cáo trên Facebook về chương trình khuyến mãi hấp dẫn, bệnh nhân này đã để nhân viên tiêm filler nâng mũi. Đang tiêm, chị thấy đau buốt dọc sống mũi, choáng váng muốn ngất.

Cô gái này được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, hoảng loạn, da vùng trán và mũi tím sẫm, mắt phải sụp mí, không còn cảm nhận được ánh sáng. Bệnh nhân được chẩn đoán tai biến do tiêm filler dẫn đến mất thị lực và thiếu máu cấp tính da trán, mũi, ổ mắt.

Trước đó, tháng 2/2020, một nam thanh niên 33 tuổi, ở Hải Dương theo lời quảng cáo cũng tìm đến cơ sở thẩm mỹ tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) để độn thái dương, giúp trẻ hóa gương mặt. Nhưng khi đang phẫu thuật, nam thanh niên bị xuất huyết ồ ạt, phải vào Bệnh viện E cấp cứu.

Tháng 9/2018, khoa Da liễu- miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện 198 cũng tiếp nhận hai bệnh nhân nữ là N.K.A (19 tuổi) và Đ.T.T.H (25 tuổi) vào viện trong tình trạng má bên phải sưng, sờ thấy có cục, bóp thấy có mủ chảy ra.

Hai bệnh nhân cho biết, sau 10 ngày thực hiện tạo má lúm đồng tiền tại cơ sở thẩm mỹ tư nhân, họ thấy xuất hiện sưng, đau, nhức tại vị trí tạo lúm. Cả hai người đều điều trị tại nhà với thuốc chống viêm alphachoay nhưng tình trạng không thuyên giảm nên phải vào viện.

Hiện tượng này xuất hiện là do nhiễm khuẩn như không tuân thủ quy trình tiệt khuẩn dụng cụ hay sử dụng chất liệu không đảm bảo tiệt khuẩn khi thực hiện thủ thuật tạo má lúm đồng tiền. Nhiễm khuẩn này nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết và tử vong.

May mắn, A. và H. đều đến viện sớm khi mới có nhiễm khuẩn tại chỗ nhưng sau khi điều trị, má trái của họ không có lúm như mong muốn ban đầu mà hình thành một vết sẹo sâu, giống như một cái “hố” trên khuôn mặt.

Về vấn đề này, Thạc sĩ - Bác sĩ Cao Ngọc Duy - Phó trưởng khoa hàm mặt thẩm mĩ (Bệnh viện Đức Giang) chia sẻ: “Tôi không cổ suý các bạn lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ, chỉ cần sao cho vừa và đủ, là hài hoà. Quan niệm “vừa và đủ” rất khó và khác nhau tuỳ từng người.

{keywords}
Thạc sĩ - Bác sĩ Cao Ngọc Duy

Vậy nên bác sĩ ngành này không những chỉ làm chuyên môn mà còn như bác sĩ tâm lý, trước khi phẫu thuật phải nói chuyện kỹ với khách hàng để hiểu tâm tư nguyện vọng của họ. Đồng thời, can thiệp làm đẹp sao cho hợp lý - vừa phải và biết điểm dừng. Vì không thể phẫu thuật nhiều lần được và những lần phẫu thuật sau càng khó khăn, phức tạp hơn lần đầu”, anh nói.

Với những trường “bị hỏng”, “lỗi”, nam bác sĩ nhấn mạnh, làm đẹp đã khó, chỉnh sửa lại những ca hỏng còn khó hơn.

“Nhiều ca còn không có khả năng sửa chữa, chỉ mong phục hồi được như cũ, chưa nói đến là làm đẹp. Tất nhiên nó sẽ khiến bạn luôn mặc cảm, kém tự tin ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, sinh hoạt cũng như cuộc sống hàng ngày. Có những người trở nên trầm cảm, khép kín, chỉ ở trong nhà không ra ngoài…”, anh nói.

Anh cũng nhấn mạnh thêm, tâm lí chung của người chuẩn bị tìm đến làm đẹp ai cũng sợ di chứng, biến chứng, thảm hoạ hay ảnh hưởng đến sức khoẻ sau này. Mọi người nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định làm đẹp.

Lê An

Nữ diễn viên hoại tử mũi sau khi đi làm đẹp

Nữ diễn viên hoại tử mũi sau khi đi làm đẹp

Sau ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ, nữ diễn viên phải nằm viện điều trị 2 tháng do hoại tử mũi.