‘Em còn quá trẻ để chết’
Hẹn gặp tôi sau khi vừa từ bệnh viện ra, cô gái Đặng Trần Thủy Tiên (SN 2000 - Hải Phòng) nở nụ cười tươi rói. Cô dặn: ‘Chị đừng viết về em mang màu sắc bi thương, vì em đang tích cực sống’.
Tiên cho biết, tối qua, sau khi tham gia vòng sơ khảo cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương, cô bắt xe về Hải Phòng, sáng nay lại lên Hà Nội xét nghiệm máu theo lịch hẹn bác sĩ nên hơi mệt mỏi.
Thủy Tiên trước và sau khi phát hiện bệnh ung thư. |
Thủy Tiên có một gia đình hạnh phúc. Suốt 12 năm đi học, cô luôn giành thứ hạng cao ở trường, sau đó thi đỗ vào Đại học Ngoại thương với tương lai rộng mở.
Ở độ tuổi 19 rực rỡ nhất, tràn đầy năng lượng, cuộc đời cô gái đất Cảng bỗng trở nên mịt mù khi nhận kết quả chẩn đoán mắc bệnh ung thư.
Đó là một ngày giữa mùa hè của tháng 6. Trong lúc tắm, Tiên tình cờ thấy có cục hạch cứng trên ngực. Chủ quan, nghĩ mình còn trẻ, ít có khả năng mắc bệnh ung thư vú, cô quên bẵng đi.
Một tuần sau, cô lên bệnh viện khám. Các bác sĩ cũng chẩn đoán là u xơ, chỉ định làm tiểu phẫu cắt bỏ u. Bệnh viện tư vấn gia đình cô gửi hạch đi sinh thiết.
Hơn 10 ngày sau ca phẫu thuật, bác sĩ thông báo cô bị ung thư vú giai đoạn 2A. Bố mẹ Tiên chết lặng, bỏ ăn uống, hốc hác vì thương con. Họ hàng nội ngoại trong quê ra động viên.
Cô không tin mình còn ít tuổi lại có thể mắc ung thư, vẫn hi vọng đó là kết quả sai. Thủy Tiên sang Bệnh viện K khám lại. Kết quả giống với lần trước. Lúc này cô thực sự sợ hãi.
‘Trời đất xung quanh em sụp đổ, em như người bị phán án tử, biết trước cái chết. Em phẫn uất và cảm thấy vô cùng bất công vì sao thần chết lại điền tên mình vào danh sách dự bị sớm thế này. Rõ ràng là em còn rất trẻ mà...’, Tiên nức nở.
Tuyên chiến với ung thư
Nén đau thương, cả nhà cùng Tiên bước vào hành trình chữa bệnh. ‘Phải khá lâu sau em mới bình tĩnh lại và tạm chấp nhận số phận. Gia đình, thầy cô và bạn bè liên tục động viên lúc em đứng giữa ranh giới sống chết của cuộc đời. Ai cũng hi vọng em cứng cỏi để đối diện với căn bệnh hiểm nghèo như cá tính bướng bỉnh vốn có’, Tiên nói.
Ngày 1/7, cô trải qua ca phẫu thuật cắt nửa ngực trái. Sau 20 ngày chờ đợi vết mổ ổn định, Tiên tiến hành hóa trị lần đầu tiên.
Bác sĩ nói Tiên cần truyền hoá chất trong vòng một năm và động viên cô phải mạnh mẽ lên, yếu tố tâm lý ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình điều trị.
Dù đã chuẩn bị tư tưởng cho việc hóa trị nhưng cô không ngờ những lần truyền hóa chất đó khủng khiếp đến vậy.
Thủy Tiên tự tin với mái đầu trọc, tuyên chiến với căn bệnh mình mắc phải. |
‘Em chủ động cạo trọc đầu luôn từ trước và bảo lưu kết quả học tập để tập trung chữa bệnh. Đợt đầu tiên, thuốc ngấm, vô cùng mệt, rụng tóc, nôn nao, móng tay móng chân đen, da sạm, bạch cầu thấp, thiếu máu’, Tiên nói.
Chia tay mái tóc dài, Tiên khóc nhiều, cảm thấy bản thân đầy lạ lẫm. Mọi người nhìn cô thương cảm nhưng không ít ánh mắt dị nghị. Lâu dầu, cô học cách làm quen với hình hài mới và không còn ngượng ngùng khi ra ngoài nữa.
Cô cũng thay đổi giờ giấc, thói quen sinh hoạt của mình bằng cách dậy từ 5 giờ sáng tập thể dục cùng bố, ăn uống theo chế độ. Chủ yếu khẩu phần là rau xanh, đồ ăn luộc, tuyệt đối kiêng dầu, đồ mỡ. Để cân bằng trạng thái, bớt u uất, Tiên theo một lớp học đàn guitar.
Hàng tuần, Tiên từ Hải Phòng lên Hà Nội hóa trị 2 ngày. Nhiều hôm, 9 giờ có mặt tại bệnh viện, cô lên giường truyền hóa chất luôn.
9 lần hóa trị, Tiên đều phải nằm cả ngày, nôn thốc nôn tháo, không gượng dậy nổi vì mệt. Tuy vậy, cô gái trẻ vẫn cố ăn lấy sức cho đủ bạch cầu, đợi truyền tiếp đợt sau. ‘Người ta ốm thì gầy đi, em ốm 4 tháng tăng 10 kg’, Tiên lạc quan kể.
Động lực giúp cô vượt qua, tuyên chiến với bệnh tật là nụ cười của những người thân yêu. Những ngày không phải nằm viện, Tiên thường giúp bố mẹ làm việc nhà nhẹ nhàng. 'Em buồn nhưng không cho bản thân được phép gục ngã', Tiên tâm sự.
Nữ sinh viên bộc bạch, khi mắc trọng bệnh, cô cảm thấy tiếc nuối vì trước kia không quan tâm bản thân, phung phí sức khỏe.
‘Em có sở thích ăn đồ chiên rán, thức khuya, ngủ không đủ giấc, lười tập thể dục. Nếu quay lại, em chắc sẽ quý trọng sức khỏe của bản thân hơn’, Tiên chia sẻ.
Cô hi vọng, mọi người cũng vậy, đừng chủ quan với sức khỏe của mình, thay đổi thói quen sinh hoạt không tốt cho cơ thể, ăn uống lành mạnh vì bệnh tật không chừa một ai, từ già đến trẻ. Vì chiếc giường đắt nhất thế gian chính là giường bệnh.
Thông qua câu chuyện của mình, Tiên mong muốn truyền cảm hứng đến những ai đang đương đầu với căn bệnh hiểm nghèo như cô có thêm sự lạc quan, chiến thắng bệnh tật. Dù chỉ còn một ngày được sống hãy sống thật trọn vẹn và ý nghĩa.
Chia sẻ về cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương mới đây, cô gái xinh xắn bày tỏ: ‘Em tham gia vì muốn có thêm nhiều trải nghiệm, để sau này không còn thấy nuối tiếc điều gì. Em sợ sau này mình không còn cơ hội tham gia nữa.
Trước ngày sơ khảo, em đang truyền hóa chất, đầu óc khá choáng váng nhưng thi xong, em thấy vui vì mình đã cố gắng.
Khi biết con gái đăng ký thi, bố em rất lo lắng. Ông muốn em tập trung chữa bệnh nhưng thấy sự quyết tâm của em nên khích lệ nhiều'.
Tâm sự nhói lòng của nữ giảng viên đại học xinh đẹp mắc ung thư
'Tôi từng nghĩ, nếu còn một ngày để sống, tôi sẽ vét hết số tiền trong nhà, đưa toàn thể gia đình đi Đà Lạt, sẽ ôm hôn con trai cả ngày! Tôi cũng sẽ ôm mẹ, ôm chồng'...
Diệu Bình