“Hai đứa lặng lẽ đèo nhau về nhà rồi lên phòng ngủ ôm nhau khóc” - Hường nhớ lại.
Mọi thứ như đổ sụp trước mắt cô gái sinh năm 1987 đang phơi phới tình yêu đời, đã kết hôn được 6 năm nhưng chưa được tận hưởng hạnh phúc làm mẹ. Cho tới lúc đó, Hường chưa bao giờ nghĩ đến việc mình có nguy cơ mắc căn bệnh hiểm nghèo, nhất là ở độ tuổi trẻ như thế.
“Mình cao 1m65, dáng người cân đối, ăn uống ngon miệng và lành mạnh - ít ăn đồ nướng, không dùng chất kích thích, rượu bia, không ốm vặt bao giờ. Nhưng vào một ngày đẹp trời, phát hiện mình ốm và mang bệnh K luôn”.
Vợ chồng Hường ngày cô chưa phát hiện mắc bệnh ung thư. |
Ba ngày sau, đôi vợ chồng trẻ khăn gói quả mướp nhập viện. Nhưng bệnh K không chỉ mang lại đau đớn và suy sụp cho Hường, nó còn mang lại cho cô nhiều trải nghiệm thực sự quý giá.
“Khi đó, mình mới thấy mình thật có phúc. Mình được bố mẹ 2 bên, anh chị em, cô dì chú bác, bạn bè, đồng nghiệp… quan tâm, chăm sóc”.
Cũng chính nhờ tình cảm và sự động viên của mọi người, Hường dần dần vực dậy tinh thần. Cô bắt đầu nghĩ được rằng “có bệnh thì chữa, có sao đâu”.
Những ngày nằm viện, Hường lại được quen biết với các cô chú, anh chị em bệnh nhân vui vẻ, lạc quan giống như mình. Cô cảm thấy bớt cô đơn, lạc lõng giữa 4 bức tường lạnh lẽo của phòng bệnh.
Hường bắt đầu quay trở lại là một cô gái 29 tuổi yêu đời, nhí nhảnh. Cô đi “buôn chuyện” từ đầu phòng đến cuối phòng, chụp ảnh “selfie” đủ kiểu dáng. Khi ấy, Hường chỉ thấy niềm vui và bỗng nhiên cảm thấy K cũng chỉ là một căn bệnh bình thường.
Qua giai đoạn nằm viện sau mổ, cô được chuyển sang khoa nội để truyền hoá chất. Nhờ tìm hiểu thông tin và nghe các bệnh nhân khác chia sẻ kinh nghiệm, cô biết sau khi truyền hoá chất sẽ rụng tóc và rất mệt mỏi.
Ngay lập tức, cô lên kế hoạch làm đẹp cho mình. Cô lặn lội đi khắp các cửa hàng bán tóc giả ở Hà Nội để mua đủ mẫu ngắn dài gần chục bộ… dùng dần. Cô còn mua thêm các kiểu khăn, mũ, quần áo để kết hợp với tóc giả cho phong cách hơn.
“Thế mới biết, ngay cả khi có bệnh, nếu mình còn thích làm đẹp thì còn thấy vui vẻ, yêu đời. Bệnh tật chỉ là ‘muỗi’ mà thôi”.
Ung thư không thể cướp đi sự yêu đời, lạc quan của Hường. |
"Đúng như “lời đồn”, truyền hoá chất đúng là khổ thật”, Hường kể. Sau 2 ngày truyền, cô mới bắt đầu “ngấm” đau, đau từ xương ra ngoài, chỉ nhấc tay, nhấc chân cũng thấy đau. Đến ngày tiếp theo, cô bắt đầu nôn và không ăn được. “Đau đến mấy tôi vẫn chịu được nhưng nôn thì sợ lắm, cứ nằm xuống là phải chạy đi nôn”.
Nhưng với tinh thần lạc quan, tích cực, cô tự đùa với mình rằng: “Thôi chả sao, ăn ít càng đỡ béo, càng xinh!”.
Đúng 12 ngày sau đợt truyền hoá chất đầu tiên, Hường bị rụng tóc. “Chỉ vuốt tay lên đầu là tóc ra cả nắm”.
“Tôi cũng đã dự kiến trước việc này nên ra cửa hàng gội đầu ngay gần nhà cạo đầu luôn, chính thức trọc tóc từ lúc đó”.
May mắn hơn nhiều bệnh nhân ung thư khác, qua 8 đợt truyền hoá chất, Hường chỉ đau và khó chịu khoảng 5-7 ngày đầu mỗi đợt. Các ngày còn lại trước khi chuyển sang đợt truyền mới, Hường dành thời gian cho bản thân sau khi đã xin nghỉ làm. Cô ở nhà nấu ăn, đi mua sắm, đi du lịch… để đảm bảo mình luôn khoẻ và vui.
Đặc biệt, vốn yêu thích việc bếp núc, nội trợ, Hường lại càng có thời gian chăm chút cho bữa ăn của 2 vợ chồng hơn.
Những bữa cơm Hường nấu được bày biện đẹp mắt, nhiều màu sắc, đặc biệt là với chi phí rất phải chăng, phù hợp với kinh tế của 2 vợ chồng trẻ.
Những bữa cơm giản dị, bắt mắt của Hường dành cho chồng những ngày cô ở nhà tĩnh dưỡng để điều trị bệnh ung thư. |
Cô nhanh chóng nhận được sự ngưỡng mộ của các chị em vì tài nấu nướng ngon, bổ, rẻ. |
Bạn bè của Hường trên Facebook ai cũng trầm trồ, ngưỡng mộ những mâm cơm đủ món, đủ chất và tinh thần chiến đấu bệnh tật kiên cường của cô.
Người vợ trẻ chia sẻ: “Tôi nấu chủ yếu phục vụ cho anh xã. Đồ ăn được lựa chọn theo sở thích của anh ấy. Anh thích ăn gì, tôi sẽ nấu”. Đáng nể hơn, thông thường mỗi bữa ăn của 2 vợ chồng chỉ tốn chi phí từ 50 đến 70 nghìn đồng mà vẫn đầy đủ các món mặn, xào, canh và hoa quả tráng miệng.
Chia sẻ về người chồng đã cùng mình trải qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, Hường nói với sự biết ơn sâu sắc. "14 năm 2 đứa ở bên nhau, trong đó có 6 năm yêu và 8 năm chung sống, lúc nào anh cũng chiều chuộng tôi hết mức.
Hai năm tôi nằm viện, anh luôn ở cạnh vợ. Chưa lần nào tôi phải đi viện một mình, kể cả đi khám. Trong cuộc sống hằng ngày, tính tôi bướng, nên người nhường nhịn lúc nào cũng là anh”.
Người vợ trẻ kể về anh xã của cuộc đời mình đầy hạnh phúc và biết ơn. |
Cô nói, khi gặp hoạn nạn mới thấy tình yêu của người chồng, tình thương của người thân là quý giá. “Mỗi lần tôi đi viện, mọi người sẽ thay nhau ra Hà Nội chăm mình. Cả gia đình chồng cũng cưng chiều và yêu thương tôi hết sức. Chính vì có gia đình tuyệt vời như thế nên tôi đã lấy đó làm động lực để chiến đấu với bệnh tật, không phụ tình yêu thương của mọi người”.
Hường tự tìm niềm vui trong những ngày tháng khó khăn nhất cuộc đời mình. |
May mắn, sau 2 năm điều trị, hiện nay sức khoẻ của cô ổn định và đã đi làm trở lại. Bây giờ, cứ 3 tháng, cô lại phải tái khám một lần và đều cho kết quả tốt.
Nói về trải nghiệm đặc biệt này, Hường bảo: “Được trở về từ cửa tử, tôi thấy yêu cuộc sống này hơn rất nhiều”.
Xem thêm video: Dự đoán ung thư trước 8 năm nhờ phân tích gen
Nguyễn Thảo
Ảnh: NVCC
Nữ sinh Ngoại thương chữa khỏi ung thư xuất hiện với vẻ đẹp rạng rỡ
"Khi bị bệnh, em đã từng oán trách số phận nhưng giờ em nhận ra là chỉ cần mình không ngừng cố gắng, không từ bỏ và luôn khát khao yêu đời thì cuộc đời sẽ yêu thương mình", Thủy Tiên chia sẻ.