Đôi cành dương xỉ hình trái tim
Ngày sinh nhật lần thứ 21 của Lê Trần Duy Phong thật khác. Hôm ấy, Phong nhận được món quà từ cô bạn mới quen tên Lê Thị Cẩm Chi. Quà của Chi là một chú gấu bông đáng yêu, một quyển sách và một tấm thiệp màu đỏ. Mở tấm thiệp ra, Phong thoáng chút bất ngờ bởi nó dài như một bức thư. Trên đó, ngoài lời chúc mừng sinh nhật được viết nắn nót, Chi còn chia sẻ lý do vì sao dành tặng Phong cuốn sách đó.
Đôi cành dương xỉ kết hình trái tim Phong ép tặng Chi. |
Chàng trai trẻ nhẹ nhàng đặt chú gấu bông Chi tặng bên cạnh chú gấu bông mình có sẵn trong phòng. Trùng hợp thay, trông chúng như một đôi vậy. Cầm điện thoại gửi tin nhắn cảm ơn tới Chi kèm hình ảnh hai chú gấu bông, trái tim Phong thoáng chút rộn ràng.
Phong và Chi học cùng trường đại học ở TP.HCM. Cả hai quen nhau qua một người bạn thân. Nhưng phải gần 3 năm sau, hai người mới bắt đầu trò chuyện khi Chi bình luận bên dưới bài đăng "Sài Gòn có mưa không?" của Phong.
Thời gian tương tác qua mạng xã hội của cả hai ngày một nhiều hơn và tình cảm dần phát triển một cách tự nhiên.
Đôi bạn trẻ về chung nhà năm 2020. |
Ngày sinh nhật lần thứ 21 của Phong, một tháng sau khi cả hai nhắn tin, Chi gửi tặng anh cuốn sách và bức thư viết trên nền giấy màu đỏ. Bức thư giống như một cánh cửa để từ đó cả hai cùng mở ra và bước vào hành trình tình yêu sau này.
Phong cảm thấy vô cùng hiếu kỳ, muốn hiểu sâu hơn về chủ nhân của bức thư ấy. Anh dần thích cái cảm giác được nhận những phong thư màu sắc, bên trong có những hình vẽ dễ thương. Chi còn thường gửi kèm theo vài món quà đơn giản như vỏ chai, nắp chai, xe mô hình mini…
Hai tháng sau ngày sinh nhật, Phong cũng viết bức thư tay đầu tiên cho Chi. Bức thư ấy, Phong viết khi đang đi du lịch ở Đà Lạt. Anh chàng chia sẻ về những nơi mình đã đi qua, những món ăn mình nếm thử, về thời tiết ở xứ sở ngàn hoa. Có lẽ, không khí lãng đãng của thành phố tình yêu khiến Phong nghĩ đến Chi nhiều hơn.
Khi đang đi dạo, bắt gặp đôi cành dương xỉ kết hình trái tim dưới gốc cây, Phong càng nhớ Chi. Chàng trai quyết định ngắt về ép khô, đặt trong bức thư gửi về TP.HCM cho Chi.
Một góc "gia tài" của đôi bạn trẻ. |
Dần dần thư đi thư lại nhiều hơn. Một tuần có khi họ gửi cho đối phương 2-3 lá. 5 tháng sau lá thư đầu tiên, cả hai chính thức nói lời yêu. Kỳ lạ là, những cánh thư đã không dừng lại mà cứ được nối dài mãi dù cả hai gặp mặt thường xuyên. Những ngày nghỉ hè, họ gửi thư qua bưu điện. Còn khi ở TP.HCM họ thường trao trực tiếp cho nhau vào cuối mỗi buổi hẹn hò.
Từ một chàng trai chẳng hay viết lách, Phong bỗng “nghiện” viết thư cho Chi. Còn Chi luôn tạo ra sự đặc biệt cho mỗi bức thư. Cô sử dụng nhiều loại giấy khác nhau với đủ kiểu dáng và kích cỡ. Có phong thư bé tẹo, chỉ đựng vừa chiếc thẻ điện thoại. Nhưng cũng có phong thư gần bằng khổ A4.
Những dòng chữ Phong viết gửi người yêu. |
Nhiều hôm Phong đến đưa Chi đi chơi nhưng phải đứng ở dưới đợi khá lâu. Phong nghĩ bạn gái mình bận sửa soạn trang điểm. Song thực tình lúc ấy vì làm bao thư chưa xong nên Chi cố làm nốt để kịp trao cho bạn trai cuối buổi hẹn.
Bỏ phố về quê
Cô gái quê Đắk Lắk này chia sẻ, viết thư giúp mình thể hiện cảm xúc chân thật hơn, không ngại ngùng như khi nói chuyện. Khi mình nhắn tin, đối phương sẽ trả lời ngay lập tức nên sẽ giống như đối thoại ngoài đời vậy.
Thi thoảng Chi dành thời gian đọc lại những dòng thư cũ. |
Lợi ích của việc nhắn tin là có thể gửi kèm hình ảnh, biểu tượng cảm xúc... rất dễ để thể hiện tình cảm. Nhưng khi trao đổi bằng phương thức này thì mọi câu chuyện đều trôi qua rất nhanh. Đối phương nói, mình trả lời, cứ liên tục như thế và đôi khi không đọng lại gì nhiều. Chính vì vậy, những kỉ niệm đẹp, những nỗi nhớ niềm thương… luôn được cả hai ghi lại chi tiết qua từng câu chữ. Đặc biệt, khi giận hờn, lá thư tay lại càng trở nên hữu dụng.
Suốt 7 năm quen, yêu và cưới, cả hai đã viết cho nhau khoảng 200 lá thư. Đôi khi những bức thư ngắn chỉ dăm bảy chữ, nhưng cũng có những bức dài tới 7-8 trang. Những bức thư dài Chi thường viết vào dịp nghỉ hè, trong ba bốn ngày dưới dạng nhật ký, chia sẻ về nỗi nhớ nhung, về các việc làm trong ngày. Cứ mấy hôm, Chi gom lại rồi gửi cho Phong khi ấy đang ở Tiền Giang.
Chi nhớ có kỳ nghỉ hè, cô gửi thư về Tiền Giang cho bạn trai nhưng không dám ghi tên thật vì cả hai chưa công khai chuyện tình cảm. “Mình ghi tên "Phạm Nguyễn" (một người bạn thân của Phong) để gia đình anh không nghi ngờ. Thấy Phong liên tục nhận được thư, ba mẹ anh cứ nghĩ con trai mình đã có… “bạn trai”, cô gái trẻ mỉm cười nhớ lại.
Cả hai đang cùng nhau gây dựng một tiệm gốm nhỏ lấy cảm hứng từ những chú mèo. |
Một ngày năm 2019, khi đang chở Chi đi dạo, Phong bỗng nói với bạn gái: “Hay là mình về Đắk Lắk lập nghiệp?”. Vì từ lâu đã mơ ước được làm một thứ gì đó của riêng mình nên Chi lập tức đồng ý.
Cả hai sau đó, bỏ lại công việc ổn định ở TP.HCM về Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk mở một tiệm gốm nhỏ chuyên làm các sản phẩm tự thiết kế. Năm 2020, họ chính thức làm đám cưới và cùng nhau gây dựng tiệm gốm.
Vì đã sống cùng dưới một mái nhà nên cả hai không còn nhiều chuyện mới để kể cho nhau qua thư. Cả hai cũng dễ hóa giải mâu thuẫn hay những điều khó nói hơn vì ngày càng hiểu nhau. Tuy vậy, họ vẫn thỏa thuận sẽ cố gắng duy trì thói quen viết thư. Viết xong, họ sẽ giấu thật kỹ trong nhà, đến lúc đối phương vô tình tìm đọc được sẽ thấy vô cùng thú vị.
Chi tâm sự, trước đây, mình rất thích câu "ngôn ngữ là cội nguồn của mọi sự ngộ nhận" vì nghĩ chúng ta chỉ đọc và biết những gì người ta muốn mình biết. Còn đằng sau con chữ, mình không thể biết họ viết những dòng đó với tâm trạng ra sao. Nhiều khi vì thế mà dẫn tới hiểu nhầm, ngộ nhận. Nhưng khi quen Phong, qua những tin nhắn và những bức thư, mình đã thay đổi suy nghĩ ấy. “Vì rõ ràng đó là thứ gắn kết và khiến tụi mình đến với nhau, tiếp xúc với nhau ngoài đời thật nhiều hơn”, Chi chia sẻ.
Hồng Anh
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Yêu qua mạng 1 năm không biết mặt, hoá ra bạn trai là hoàng tử Nigeria
Một cô gái nghi ngờ rằng người bạn trai cô quen qua mạng có điều gì khuất tất khi luôn từ chối gọi video, nhưng sau đó cô đã rất sốc khi phát hiện ra lý do thực sự.