tranh cang thang khi tu tap cuoi nam anh 3

Những ngày cuối năm, các cuộc tụ họp với gia đình và bạn bè lại dồn dập đến. Ngay cả trước đại dịch, việc giao tiếp xã hội liên tục cũng có thể gây quá tải.

Khi đại dịch Covid-19 hoành hành tại Mỹ vào mùa đông năm 2020, nhiều người lựa chọn tụ tập nhóm nhỏ hoặc ăn mừng năm mới với gia đình, bạn bè qua mạng. Một số thừa nhận việc này phù hợp với họ hơn gặp gỡ kiểu truyền thống, theo New York Times.

Hiện nay, các hạn chế về giãn cách được nới lỏng, những cuộc tụ tập lớn đang quay trở lại, trong khi nhiều người không còn thoải mái với điều đó.

Nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi vì những cuộc gặp mặt dịp cuối năm, dưới đây là một số phương pháp để giúp bạn cân bằng cuộc sống tốt hơn.

Lựa chọn những người bạn thật sự muốn gặp

Phó giáo sư kiêm bác sĩ tâm thần Paula Zimbrean, hiện công tác tại trường Y Đại học Yale (Mỹ), cho biết: "Dịp cuối năm là cơ hội để ta đánh giá những mối quan hệ có ý nghĩa với bản thân và thời gian ta muốn dành cho chúng". Một số người nhận ra việc chấp nhận tất cả lời mời khiến kỳ nghỉ lễ "kém vui vẻ và bận rộn không cần thiết".

Theo Ty David Lerman, nhà trị liệu tâm lý ở Houston (Mỹ), bạn chỉ nên nhận lời với những sự kiện khiến bạn thốt lên: "Chắc chắn rồi, tôi sẽ đến". Nếu không quá hào hứng về buổi gặp mặt, bạn có thể bỏ qua.

Sarah Ahmed, làm việc tại phòng khám tâm lý ở Toronto (Canada), khuyên mọi người lắng nghe cơ thể để biết giới hạn của bản thân về việc giao tiếp. Theo Ahmed, những triệu chứng phổ biến của lo âu xã hội bao gồm kiệt sức, đau đầu, đổ mồ hôi, buồn nôn và nhịp tim tăng.

Nếu từ chối, bạn nên làm điều đó càng sớm càng tốt và giải thích ngắn gọn, lịch sự, chẳng hạn như "Rất tiếc phải bỏ qua dịp lần này" hay "Cảm ơn vì lời mời, nhưng tôi đã có kế hoạch khác".

Nhẹ nhàng với bản thân

Tiến sĩ Thema Bryant, giáo sư tâm lý học tại Đại học Pepperdine (Mỹ), gợi ý: "Trước khi đến buổi gặp, bạn có thể làm những điều giúp bản thân bình tĩnh và vui vẻ hơn".

Bà cũng khuyên mọi người lên kế hoạch chăm sóc bản thân sau mỗi buổi tụ tập để lấy lại năng lượng, ví dụ như tắm nước nóng, thưởng trà hoặc gọi cho ai đó mình tin tưởng.

Nếu cảm thấy choáng ngợp tại một buổi gặp mặt, bạn nên để bản thân có chút không gian bằng cách đi dạo, hít thở không khí trong lành. Chẳng hạn, khi tụ tập tại nhà, bạn có thể tình nguyện chạy đi mua đồ cho buổi liên hoan.

Việc thừa nhận sự khó xử trong giao tiếp là một cách tốt để bắt đầu cuộc trò chuyện, nhất là trong bối cảnh cả xã hội vừa bước ra khỏi đợt giãn cách dài. Bạn có thể nói: "Não tôi đang nhớ lại cách giao tiếp trước đây, nên hãy bỏ qua nếu tôi có chút ngượng ngùng nhé".

Nếu không định nán lại lâu, hãy thông báo trước

Nếu chỉ muốn tham gia buổi tụ tập trong khoảng thời gian ngắn, bạn nên thông báo với người chủ trì hoặc hỏi họ về thời điểm thích hợp để ghé qua.

Nếu người chủ trì không có yêu cầu cụ thể nào, thời điểm lý tưởng để xuất hiện với người có nỗi lo âu xã hội là ngay vào lúc bắt đầu. Hầu hết khách mời sẽ không tới đúng giờ nên bạn có thể từ từ bắt chuyện thay vì bước vào một nơi chật ních người.

Trong buổi họp mặt gia đình, nếu bạn chỉ định tham dự một lát, hãy thông báo cho mọi người sớm nhất có thể, ngay từ bước lên kế hoạch.

Cố gắng tận hưởng khoảnh khắc gặp mặt

Khi giao tiếp với người khác, bạn có thể bắt đầu bằng cách làm những điều giúp mình cảm thấy an toàn, thoải mái. Sau đó, hãy cố gắng tận hưởng khoảnh khắc sum họp cùng gia đình và bạn bè mà bạn đã phải chờ đợi suốt thời gian giãn cách.

Tiến sĩ Lerman gợi ý rằng bạn có thể suy ngẫm về lý do mình có mặt tại buổi tụ tập để cảm thấy thư giãn hơn.

"Hãy nói với bản thân: 'Tôi sẽ tập trung vào việc ăn mừng cùng bạn mình' hoặc 'Tôi yêu bạn đời của mình và hiểu rằng điều này có ý nghĩa rất lớn với họ, vậy nên tôi sẽ cố gắng ở đây vì họ và bỏ qua những điều tôi không thể kiểm soát'", tiến sĩ Lerman nói.

Ông cũng cho rằng hít thở sâu là một kỹ thuật hiệu quả để đối phó với những phản ứng căng thẳng khi giao tiếp. Bạn có thể hít thở sâu lúc trò chuyện để nhận thức thực tại và tránh sự hoảng loạn, tê liệt vì lo âu.

Theo Zing

Dân văn phòng Hàn Quốc sợ quay lại chỗ làm

Dân văn phòng Hàn Quốc sợ quay lại chỗ làm

Nhiều người lao động xứ kim chi, đặc biệt là nhóm trẻ tuổi, lo lắng khi trở lại công ty đồng nghĩa với những cuộc nhậu nhẹt ép buộc sau giờ làm và mất đi thời gian riêng tư.