Tara Westover từng là một cô bé không được đến trường cho tới năm 17 tuổi. Ảnh: Facebook |
Tara Westover không biết sinh nhật của mình là ngày nào, thậm chí đôi khi bố mẹ cô cũng không nhớ chính xác con gái mình bao nhiêu tuổi.
Sinh ra trong một gia đình với một người cha bảo thủ, thời thơ ấu của Tara gắn liền với bãi phế liệu của bố và ngôi nhà trên đỉnh đồi nằm cạnh những ngọn núi Buck ở Idaho, nước Mỹ.
‘Tất cả anh em chúng tôi đều không có hồ sơ bệnh án vì chúng tôi được sinh ra tại nhà và không bao giờ đi bác sĩ khi ốm. Chúng tôi không có học bạ vì chúng tôi chưa từng đến trường một ngày nào’.
Trong suốt nhiều năm, anh em nhà Westover là những công dân không tồn tại trong hệ thống chính quyền liên bang.
Thay vì cho các con đến trường, người cha bắt các con phải làm việc trên bãi phế liệu - những công việc nguy hiểm và nặng nhọc. Tara cũng phải làm công việc này trong một thời gian dài.
Thời gian trôi qua với Tara không được tính theo ngày tháng, mà tính theo mùa thu hoạch quả - những loại quả được mẹ cô và các anh em cô đóng hộp dự trữ dưới tầng hầm để chuẩn bị cho 'ngày tận thế', điều mà cha của Tara tin tưởng.
Tara khi còn nhỏ. Ảnh: Cornerstone |
Bố cô tin rằng, khi ngày tận thế tới, chỉ có gia đình ông là sống sót vì họ đã có thức ăn dự trữ cùng hàng ngàn lít xăng được chôn dưới lòng đất. Chúng được thu gom từ những chiếc xe ô tô cũ trong bãi phế liệu mà ông dành cả đời để làm việc ở đó.
Mẹ cô - một người phụ nữ thông minh và khéo léo nhưng không thể thoát ra khỏi cái bóng của người chồng gia trưởng - làm nghề bà đỡ và pha chế thảo dược để kiếm sống. Trong nhiều năm, bà dùng kỹ năng đỡ đẻ của mình để giúp những đứa trẻ ra đời tại nhà.
Tài pha chế thảo dược cũng giúp bà cứu mạng chồng và các con nhiều lần khi họ bị thương lúc đang làm việc trong bãi phế liệu và công trường xây dựng.
Sau vụ cháy xém người gần như mất mạng của ông Westover được người vợ giành giật lại mạng sống nhờ những phương thuốc thảo dược, tài năng làm thuốc của bà ngày càng được biết tới và ca tụng.
Cũng nhờ đó mà sau này, ông bà Westover kinh doanh phát tài và thoát cảnh nghèo khó. Nhưng đó là khi Tara đang theo học bằng tiến sĩ ở ĐH Cambridge danh giá. Còn trước đó, cô phải vật lộn với những công việc làm thêm để trả tiền học phí cho bậc đại học.
Thời gian đầu khi học đại học, cô bị ảnh hưởng bởi quan điểm của ông Westover về việc nhất quyết không nhận học bổng của chính phủ.
Tyler - anh trai của Tara là một người thích đọc sách và nghe nhạc cổ điển. Anh cũng là người đầu tiên thoát khỏi căn nhà trên đồi để đi học đại học, là người truyền cảm hứng cho Tara đi tìm một cuộc sống khác.
‘Có cả một thế giới ngoài kia, Tara ạ. Nó sẽ khác rất nhiều bởi vì bố sẽ không còn thì thầm vào tai em những quan điểm của ông ấy nữa’, Tyler nói.
Dưới danh nghĩa ‘học tại nhà’, gần như cả 7 anh em nhà Westover chỉ được bà mẹ dạy cho cách đọc, viết và làm những phép toán đơn giản. ‘Khi còn nhỏ, tôi mở sách toán và dành 10 phút chỉ để lật các trang sách. Khi lật đến trang 50, tôi nói với mẹ là tôi đã học được 50 trang sách’.
‘Thật tuyệt’, mẹ đáp. ‘Con thấy chưa, con sẽ không đạt được tốc độ học như vậy nếu đến trường công’, bà trả lời.
Công việc mà bố mẹ cô định sẵn cho đám con trai là làm việc tại bãi phế liệu và lợp mái nhà ở những công trường xây dựng. Việc của đám con gái là sinh con và làm nội trợ.
Tara ở ĐH Cambrigde (Anh). Ảnh: Vouge |
Để thoát khỏi cuộc đời đã được định sẵn ấy, giống như Tyler, Tara phải tìm cho mình một trường đại học chấp nhận những đứa trẻ được dạy tại nhà. Công việc khó khăn hơn là tự học để thi ACT - kỳ thi bắt buộc để được nhận vào các trường đại học ở Mỹ.
Nhiều kiến thức và khái niệm quen thuộc với những đứa trẻ khác là điều mới mẻ và lần đầu tiên được nghe thấy đối với Tara. Trong buổi học đầu tiên ở trường đại học, cô khiến cả lớp dồn mắt vào mình khi ngây ngô hỏi giáo sư về khái niệm ‘diệt chủng’. Họ chỉ nghĩ rằng cô đang đùa thật vô duyên.
Cô kết thúc những năm tháng ở trường đại học một cách không hề dễ dàng. Mặc dù được nhận tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc và được nhận vào học cao học ở ĐH Cambridge, Tara vẫn còn bị ám ảnh và nặng trĩu những tư tưởng của bố.
Cô gặp khủng hoảng trong những năm hoàn thành bậc học tiến sĩ. Luận văn của cô không được giáo sư hướng dẫn chấp nhận. Tara quyết định tới gặp tư vấn viên của trường - một quyết định mà sau này cô cho là ‘sáng suốt nhất’ trong quãng thời gian đó.
Cô gái được sinh ra ở đồi dần dần lấy lại tinh thần để hoàn thành nốt con đường học tập của mình. Một lần nữa, luận văn của cô được đánh giá là xuất sắc.
Tara từng thất bại một lần trong việc làm luận văn tiến sĩ. Ảnh: Claremont McKenna College |
Mặc dù bị phản đối việc đến trường, nhưng mâu thuẫn khiến Tara và bố mẹ không còn gặp nhau một lần nào nữa lại xuất phát từ thói quen bạo lực của Shawn - một người anh trai khác của cô.
Trong cuốn tự truyện ‘Educated’ (tiếng Việt: Được học), Tara thừa nhận những đức tính tốt đẹp của anh mình, nhưng cũng miêu tả rất chi tiết những lần cô bị anh ta đe doạ, nhục mạ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Ngoài Tara, Shawn dùng bạo lực với cả một cô em gái khác trong suốt thời thơ ấu, nhưng trong gia đình cô không một ai hé răng nói về điều đó cho tới khi Tara đã đi học tiến sĩ và chứng kiến Shawn dùng bạo lực với cả vợ mình. Cô muốn chấm dứt chuyện đó bằng cách kêu gọi mẹ, chị gái và các anh trai ủng hộ việc tố giác Shawn. Nhưng ngoài Tyler, không một ai ủng hộ cô.
Bố mẹ nói linh hồn cô đã bị quỷ dữ đánh cắp, bị thế giới ngoài kia tẩy não. Họ bắt cô phải chọn giữa gia đình và việc nói lên sự thật. Kể từ đó, Tara không được phép gặp gia đình mình một lần nào nữa.
Trong số 7 anh em nhà Westover, có 3 người đã trái lời bố để đi học. Cả 3 đều đã có học vị tiến sĩ. 4 người anh em còn lại chọn cách ở lại và làm việc cho cơ sở sản xuất dược liệu của bố mẹ. Dĩ nhiên, họ chưa từng được đến trường và không bao giờ chịu đi gặp bác sĩ.
Trong cuốn tự truyện của mình, Tara gọi việc cô từ một đứa bé quanh năm chỉ biết tới ngọn núi Buck trở thành một nhà sử học của Cambridge là ‘hành trình giáo dục’.
* Tên những người anh em được lấy theo tên giả mà Tara đã đặt cho họ trong cuốn sách.
Bước ngoặt cuộc đời kẻ sống lang thang trong rừng thành giảng viên đại học
Câu chuyện Gregory (New South Wales, Úc) chứng minh một điều rằng, không bao giờ là quá muộn để làm lại cuộc đời.
Nguyễn Thảo